Được người quen cho mượn đất để trồng rau màu, ông Hai Đúng (66 tuổi, phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) nhận thấy, với điều kiện khí hậu và đất ở đây, cây bí hạt đậu (bí hồ lô) có khả năng sinh trưởng tốt, dễ đậu trái. Ngoài ra, trái bí có nhiều dinh dưỡng, được người tiêu dùng ưa chuộng, hiệu quả kinh tế cao.
So với nhiều mặt hàng nông sản khác, giá bí hồ lô tương đối ổn định, từ 6.000 - 8.000 đồng/kg, giúp người trồng giảm rủi ro về giá cả bấp bênh. Từ đó, ông chuyển sang trồng bí xen kẽ thêm đậu cô-ve và đậu đen. Với hình thức chuyển đổi này, giúp tăng năng suất canh tác trên cùng diện tích đất, giảm được rủi ro sâu bệnh tấn công, loại nông sản này rớt giá, vẫn còn loại kia bù vào.
Gia đình ông Đúng thu hoạch bí và đậu cô ve
Trước đâu, gia đình ông Hai Đúng ngoài trồng lúa thì trồng dưa hấu, chăm sóc cực, chi phí đầu tư cao, nhưng không mang lại hiệu quả. Thị trường liên tục rớt giá, có thời điểm dưa hấu tụt xuống còn 2.000 - 3.000 đồng/kg, khiến người trồng lỗ nặng. Với bí hồ lô, thường giữ giá ổn định 6.000 - 8.000 đồng/kg, gia đình ông Hai Đúng có lợi nhuận khá hơn.
“Cây bí hạt đậu tương đối dễ trồng, dễ chăm sóc, có thể trồng quanh năm. Tuy nhiên, cây bí ưa nắng ấm, nếu thời tiết mưa và lạnh sẽ khiến cây dễ nhiễm sâu bệnh, ngập úng, khó ra hoa, đậu trái. Đặt mua hạt giống ở TP. Cần Thơ, với diện tích 4 công (4.000m2), tôi gieo khoảng 40 gói hạt. Cây bí gieo hạt khoảng 45 - 50 ngày là ra bông, 70 - 75 ngày là thu hoạch trái; cho hiệu quả kép từ bông và trái.
Vào vụ thu hoạch, mỗi ngày gia đình tôi bẻ từ 5 - 7kg bông, giá bán từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, thu về hơn 100.000 đồng/ngày, xem như tiếp tiền phân bón. Hiện, ruộng bí đang cho thu hoạch trái, 3 ngày đầu bẻ được 600kg, bán giá 6.000 đồng/kg, ước tính đến cuối vụ có thể bẻ được 1 tấn trái/công” - ông Hai Đúng thông tin.
Rẫy dưa leo của gia đình ông Tâm cho năng suất cao
Còn nông dân Nguyễn Văn Tâm (xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn) thuê 6 công đất ruộng để trồng dưa leo và khổ qua, giá thuê 3 triệu đồng/công/năm. Mỗi năm canh tác được 3 vụ, chủ yếu trồng xen kẽ dưa leo và khổ qua, để cây trồng phát triển tốt và cho năng suất cao. Vụ này ông trồng dưa leo, thời gian thu hoạch ngắn, từ lúc gieo hạt đến khi thu hoạch từ 30 - 35 ngày. Một vụ dưa leo có thể thu hoạch kéo dài cả tháng. Sau mỗi vụ, ông dành thời gian cải tạo hơn 1 tháng mới xuống giống vụ tiếp theo.
“Hiện nay, 6 công dưa leo đang đến kỳ thu hoạch, 3 ngày đầu tiên tôi bẻ được 5,4 tấn, giá bán tại ruộng từ 7.000 - 10.000 đồng/kg, cho lợi nhuận khá. Tuy nhiên, trồng dưa leo khá công phu, chi phí đầu tư cao, do phải thuê người đào đất lên liếp, mua cây làm giàn, dây, hạt giống, phân thuốc... Riêng chi phí thuê nhân công vắt đọt, bẻ trái khoảng 15 triệu đồng/công. Với giá trên 7.000 đồng/kg, người trồng dưa leo mới có lợi nhuận” - ông Tâm trần tình.
Theo lời nông dân này, giá nông sản trước giờ không ổn định, tăng giảm khó biết trước, cuộc sống người trồng rẫy cũng bấp bênh theo. Vụ dưa leo trước đó của gia đình ông cho năng suất không đạt, thu hoạch khoảng 10 ngày là rẫy dưa tàn hết, thua lỗ. Vì vậy, điệp khúc “được mùa, mất giá”, “mất mùa, được giá” ít nhiều ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân.
Hiện nay, phong trào chuyển đổi cây trồng từ đất lúa sang trồng cây ăn trái, rau màu của nông dân ngày càng phổ biến, phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, để chuyển đổi cây trồng đạt hiệu quả bền vững, bà con cần nghiên cứu thị trường, chọn cây trồng phù hợp với nhu cầu thực tế tại địa phương, chuẩn bị tốt kiến thức, tránh trồng đại trà, theo phong trào, dẫn đến khó khăn trong tiêu thụ, khiến giá nông sản sụt giảm. Cùng với đó, nông dân cần xử lý phân thuốc hợp lý, đảm bảo thời gian cách ly đúng quy định, tăng cường bón phân hữu cơ, thuốc sinh học, hướng đến nền nông nghiệp sạch, an toàn và chất lượng, đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng.
NGUYỄN XÊ