Tạo điều kiện cho người lầm lỡ làm lại cuộc đời

31/01/2023 - 06:57

 - “Thời gian tới, Công an tỉnh An Giang tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 33/CT-TTg, ngày 5/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Công an tỉnh tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo ban, ngành, đoàn thể và các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người hoàn lương một cách phù hợp, hiệu quả; tranh thủ sự đồng thuận của quần chúng nhân dân” - đại tá Lâm Phước Nguyên, Giám đốc Công an tỉnh An Giang nhấn mạnh.

Tặng quà cho người hoàn lương tiêu biểu trên địa bàn tỉnh

Thời gian qua, thực hiện Luật Thi hành án hình sự, Công an tỉnh An Giang đã chỉ đạo công an các cấp phổ biến, giáo dục pháp luật đối với người đang chấp hành án phạt tù và người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Phối hợp cơ quan thông tin, truyền thông tăng cường giáo dục pháp luật, tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật nhà nước, trọng tâm là các nghị định, chỉ thị của Chính phủ, Bộ Công an về quy định tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng trong tình hình mới...

Cùng với đó, tham mưu UBND tỉnh An Giang ban hành nhiều văn bản, kế hoạch chỉ đạo sở, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội và UBND cấp huyện thực hiện các nghị định, chỉ thị có liên quan người đang chấp hành hình phạt tù; người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang, cơ nhỡ.

Công an các đơn vị, địa phương tiếp nhận, quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành xong hình phạt tù; phối hợp với MTTQ và các tổ chức, đoàn thể xã hội tham mưu Chủ tịch UBND cấp xã phân công tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù; hướng dẫn, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù thực hiện thủ tục đăng ký cư trú, đăng ký hộ tịch, cấp căn cước công dân, cấp phiếu lý lịch tư pháp, xin xóa án tích; chủ động nắm tình hình, điều kiện, hoàn cảnh và tâm tư, nguyện vọng chính đáng để tư vấn, hướng dẫn họ tái hòa nhập cộng đồng; tham mưu, đề xuất UBND cùng cấp tạo điều kiện giúp đỡ họ giải quyết khó khăn, ổn định cuộc sống.

Qua đó, từng bước xóa kỳ thị của cộng đồng xã hội đối với người chấp hành án hình sự tại cộng đồng, người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.

Cụ thể, Trại tạm giam Công an tỉnh An Giang và các nhà tạm giữ công an cấp huyện phổ biến 78 cuộc giáo dục chung cho 23.824 lượt bị can, phạm nhân; giáo dục riêng 1.662 lượt bị can, phạm nhân; giáo dục cá biệt 9 bị án tử hình và 3 đối tượng phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia; phối hợp chính quyền địa phương tổ chức cho 248 cử tri (người bị tạm giữ, người bị tạm giam) tham gia bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; phối hợp Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tổ chức 6 buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Bộ luật Hình sự năm 2015; Luật Tố tụng hình sự; Luật Thi hành án hình sự; Luật Phòng, chống ma túy; quy định của pháp luật về xét đặc xá, giảm án, tha tù trước thời hạn có điều kiện; nội quy cơ sở giam, giữ; kỹ năng tìm kiếm việc làm…

Trại tạm giam Công an tỉnh An Giang phối hợp Hội Luật gia tỉnh và Thành đoàn TP. Long Xuyên tổ chức 3 lớp tuyên truyền cho người sắp mãn hạn tù chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng. Nội dung liên quan đến Luật Cư trú; Luật Giao thông đường bộ; Luật Phòng, chống ma túy; một số quy định về án tích và xóa án tích; giáo dục kỹ năng tái hòa nhập cộng đồng... cho 397 lượt phạm nhân. Công an tỉnh phối hợp các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền 181 cuộc, 9.060 người tham dự (trong đó có người chấp hành xong án phạt tù và người được đặc xá) về trách nhiệm giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương, đặc biệt là vùng biên giới; cảnh giác với "tín dụng đen"...

Từ đó, nhiều tấm gương điển hình tiên tiến về tái hòa nhập cộng đồng và nhiều mô hình hay xuất hiện. Cụ thể: Mô hình “Quỹ doanh nhân với an ninh trật tự”, “Họp mặt người hoàn lương”, “Gây quỹ giúp đỡ người hoàn lương”… đạt hiệu quả cao, góp phần giáo dục người hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, không vi phạm pháp luật hoặc tái phạm tội.

Năm 2022, tổng số người chấp hành xong án phạt tù chưa xóa án tích đang quản lý là 5.488 người. UBND cấp xã phân công tổ chức, cá nhân quản lý, giáo dục, giúp đỡ 2.568 người; cơ quan, tổ chức, đoàn thể hỗ trợ giúp đỡ học nghề, giới thiệu việc làm 742 người; vay vốn ngân hàng hoặc quỹ khác 86 người, tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. Hướng dẫn thủ tục đăng ký cư trú 614 người (đăng ký thường trú 556 người); hướng dẫn cấp căn cước công dân 866 người; hướng dẫn thủ tục xin cấp lý lịch tư pháp 53 người, xóa án tích 98 người; tặng 172 phần quà cho người hoàn lương có hoàn cảnh khó khăn vui Xuân, đón Tết Nguyên đán, tổng số tiền 65 triệu đồng…

NGUYỄN HƯNG