Tạo động lực cho nông nghiệp An Giang

08/07/2021 - 05:48

 - Tốc độ tăng trưởng 5,69% của ngành nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2021 là nỗ lực rất lớn, khi nhiều mặt hàng nông sản vẫn còn gặp khó khăn trong tiêu thụ, lưu thông do tác động nặng nề của đại dịch COVID-19. Đây là cơ sở quan trọng để ngành nông nghiệp hoàn thành mục tiêu năm 2021, tạo động lực phục hồi kinh tế của tỉnh.

Nhiều cố gắng

Thời điểm 6 tháng đầu năm 2020, trước tác động của đại dịch COVID-19, trong khi nhiều lĩnh vực tăng trưởng âm thì ngành nông nghiệp An Giang vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 2,66%. Kinh nghiệm từ ảnh hưởng khó khăn của dịch bệnh giúp tỉnh điều hành sản xuất linh hoạt hơn.

Bước sang năm 2021, dù dịch bệnh vẫn tác động, một số mặt hàng trái cây, cá tra tiêu thụ vẫn gặp khó nhưng tỉnh kịp thời tháo gỡ, xúc tiến thị trường, liên kết tiêu thụ. Trong khi đó, đàn chăn nuôi có dấu hiệu hồi phục nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh; công tác phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ rừng được quan tâm đúng mức. Cùng với mặt hàng lúa gạo vừa “trúng mùa”, vừa “được giá”. Những nỗ lực, cố gắng đã giúp khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 có mức tăng 5,69% so cùng kỳ năm 2020.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư (thứ 2, từ phải qua) chúc Tết và mời gọi doanh nghiệp ngoài tỉnh tăng cường đầu tư trên địa bàn An Giang

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, diện tích gieo trồng toàn tỉnh được 252.000ha (chủ yếu là lúa và 17.900ha hoa màu), đạt 100,93% so kế hoạch. Năng suất lúa bình quân ước đạt 76,78 tạ/ha (tăng 7,96 tạ/ha so cùng kỳ). Sản lượng lúa hơn 1,8 triệu tấn, tăng 3,31% (tăng 138.000 tấn). Đối với cây lâu năm, diện tích trên 19.000ha (tăng 936ha), trong đó diện tích cho sản phẩm đạt 14.000ha (tăng 1.200ha). Tổng sản lượng thu hoạch của các loại cây lâu năm trong 6 tháng đầu năm gần 114.000 tấn (giảm 1.200 tấn).

Về chăn nuôi, tình hình dịch bệnh trên các đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt, tạo yên tâm cho người chăn nuôi. Do giá bán heo hơi ổn định ở mức cao, một số doanh nghiệp (DN) mở rộng quy mô đàn nên đàn heo bắt đầu tăng trở lại. Ước tổng số heo toàn tỉnh 79.000 con (tăng 4.500 con so cùng kỳ).

Tương tự, gia cầm có thị trường tiêu thụ ổn định nên phát triển khá tốt. Đàn gia cầm toàn tỉnh có hơn 5,1 triệu con (tăng 279.000 con), trong đó đàn vịt hơn 3,7 triệu con (tăng 292.000 con). Mặc dù môi trường chăn thả tự nhiên bị thu hẹp nhưng quy mô đàn trâu, bò có dấu hiệu hồi phục do tăng diện tích đồng cỏ tự trồng và tận dụng các nguồn phụ phẩm nông nghiệp. Đàn trâu, bò toàn tỉnh có 69.200 con (tăng 476 con), trong đó đàn bò 67.000 con (tăng 374 con).

Tiếp tục nỗ lực

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025), tỉnh đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm cho ngành nông nghiệp.

Trong đó, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới, nhằm tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỉnh điều hành sản xuất nông nghiệp theo hướng linh hoạt, phù hợp với diễn biến của dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

An Giang tiếp tục thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang kinh tế nông nghiệp hiện đại, chú trọng vai trò dự báo và nhu cầu thị trường đầu ra cho sản phẩm. Tỉnh tăng cường ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh từ cách mạng công nghiệp 4.0 vào quản lý kinh tế nông nghiệp; tạo điều kiện phát triển dịch vụ logistics, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, nâng cao thu nhập, đời sống của dân cư nông thôn, bảo vệ môi trường trong bối cảnh và kịch bản từ tình hình dịch COVID-19 cũng như điều kiện biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế.

Trong nỗ lực chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, An Giang chú trọng phát triển các ngành hàng sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm có lợi thế theo chuỗi giá trị gắn với phát triển kinh tế hợp tác. Tiếp tục hình thành các vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa lớn và quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi phục vụ nhu cầu sản xuất. Tỉnh tiếp tục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Qua đó, thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xem DN là động lực quan trọng để có nền sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông sản. Ngoài ra, tiếp tục quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nhu cầu của DN.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm gia tăng chất lượng, giá trị sản phẩm, gia tăng hàm lượng chế biến sản phẩm nông sản, sản phẩm chủ lực để từng bước tạo ra giá trị gia tăng cao. Sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo hướng an toàn, sạch, hữu cơ kết hợp xây dựng thương hiệu sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và phục vụ xuất khẩu. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa, xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại.

NGÔ CHUẨN