Nâng chất OCOP
Chương trình OCOP được triển khai tại tất cả các tỉnh, thành phố từ năm 2018, theo Quyết định 490/QĐ-TTg, ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Giai đoạn đầu, khái niệm OCOP còn khá lạ lẫm, chưa được nhiều doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất - kinh doanh (SXKD) quan tâm. Tuy nhiên, sản phẩm OCOP ngày càng tạo sức hút, được người tiêu dùng tin tưởng, ủng hộ, tạo làn gió mới cho kinh tế nông thôn.
Trên cơ sở này, ngày 1/8/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 919/QĐ-TTg, phê duyệt thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025. Trọng tâm của chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (DN, hộ SXKD) và kinh tế tập thể (HTX, tổ hợp tác) thực hiện. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, hỗ trợ đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học - công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.
Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, Chương trình OCOP đã tăng cường khả năng sáng tạo và năng lực của người dân, chủ thể kinh tế, góp phần tăng thu nhập, tạo cơ hội việc làm cho lao động nông thôn. Qua đó, khai thác được sản phẩm có nguồn gốc, lợi thế địa phương, đặc biệt là sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề, dịch vụ du lịch dựa trên thế mạnh về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu, tri thức và văn hóa bản địa.
Giai đoạn 2021 - 2025, công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được chia làm 3 cấp, gồm: Cấp huyện (đối với sản phẩm 3 sao), cấp tỉnh (đối với sản phẩm 4 sao) và cấp Trung ương (đối với sản phẩm 5 sao). Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 5 sao có giá trị trong thời hạn 36 tháng.
Tính đến ngày 30/6/2023, cả nước có 9.852 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên của 5.069 chủ thể kinh tế. Các vùng kinh tế đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản phẩm OCOP, như: Đồng bằng sông Hồng (chiếm 31,4% tổng sản phẩm OCOP cả nước); vùng miền núi phía Bắc (chiếm 19,8%) và vùng ĐBSCL (chiếm 18,4%).
Nỗ lực của An Giang
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 919/QĐ-TTg, UBND tỉnh An Giang ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Đồng thời, chỉ đạo sở, ngành, địa phương triển khai nhiệm vụ, giải pháp để đạt mục tiêu đề ra.
Trong đó, tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế và truyền thống của địa phương để phát triển sản phẩm đặc sản có giá trị cao về kinh tế, văn hóa; phát huy sáng tạo, sức mạnh cộng đồng trong sản xuất, hình thành sản phẩm gắn với giá trị cộng đồng.
Các sở, ngành, địa phương hỗ trợ DN, HTX, cơ sở SXKD và nông dân phát triển liên kết theo chuỗi giá trị, nhằm nâng cao năng lực sản xuất, phát triển bền vững sản phẩm hàng hóa; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, giám sát và điều hành công tác triển khai thực hiện Chương trình OCOP.
Hội đồng, Tổ giúp việc đánh giá, phân hạng sản phẩm phẩm OCOP giai đoạn 2021 - 2025 được kiện toàn từ tỉnh đến 11 huyện, thị xã, thành phố. Phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng NTM được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đối với các xã trong lộ trình phấn đấu đạt chuẩn xã NTM nâng cao, bắt buộc phải đạt chỉ tiêu 13.2 (có sản phẩm OCOP được xếp hạng đạt chuẩn hoặc tương đương còn thời hạn). UBND cấp xã bổ sung nhiệm vụ thực hiện Chương trình OCOP vào nhiệm vụ của ban quản lý NTM xã, hỗ trợ tích cực cho chủ thể kinh tế trong công tác thực hiện; chuẩn hóa hồ sơ sản phẩm đề xuất đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện. Từ đó, tạo thuận lợi, đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, xã thực hiện Chương trình OCOP.
Nhờ nỗ lực hỗ trợ, tính đến cuối tháng 8/2023, toàn tỉnh có 92 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên của 62 chủ thể SXKD. Một số sản phẩm hết hạn 36 tháng, đang hoàn chỉnh hồ sơ để đánh giá, phân hạng lại. Các huyện, thị xã, thành phố đang tập trung đánh giá, phân hạng để phấn đấu có thêm 70 sản phẩm OCOP đến cuối năm 2023.
Theo Văn phòng Điều phối NTM tỉnh An Giang, Chương trình OCOP góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường. Sản phẩm OCOP của tỉnh được nhiều siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại chấp nhận, ngày càng khẳng định uy tín với người tiêu dùng trong và ngoài nước. |
HOÀNG XUÂN