Tạo thuận lợi cho công tác tuyển sinh

17/09/2022 - 08:47

Hiện nay, các trường đại học trên cả nước đã bắt đầu công bố điểm chuẩn trúng tuyển năm 2022 theo phương thức dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT. Các cơ sở đào tạo cập nhật chính xác danh sách thí sinh trúng tuyển vào Hệ thống phần mềm hỗ trợ tuyển sinh chung (Hệ thống) trước 17 giờ ngày 17/9.

Ảnh minh họa: Thủy Nguyên

Từ ngày 18/9 đến 17 giờ ngày 30/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo mở Hệ thống để thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến. Các trường không tuyển đủ chỉ tiêu sau xét tuyển đợt 1 được tiếp tục tuyển sinh các đợt bổ sung.

Như vậy, kỳ tuyển sinh năm 2022 đang dần đi đến những chặng đường cuối. Công tác tuyển sinh năm nay có nhiều đổi mới khi thí sinh được đăng ký xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng không giới hạn số lần, theo hình thức trực tuyến trên Hệ thống hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Công tác tuyển sinh bước đầu cho thấy bảo đảm an toàn, công khai minh bạch, đúng quy chế. Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở đào tạo phải thực hiện các cam kết đối với thí sinh; tư vấn, hỗ trợ và giải quyết phản ánh, khiếu nại và bảo vệ quyền lợi chính đáng của thí sinh trong những trường hợp rủi ro đã được công bố trong đề án tuyển sinh theo quy định.

Thống kê qua Hệ thống, kết quả phương thức xét tuyển sớm (không lấy theo điểm thi tốt nghiệp THPT) cho thấy, có hơn 138,4 nghìn thí sinh trúng tuyển phương thức xét tuyển sớm đăng ký nguyện vọng 1 (chiếm 35%); hơn 119,5 nghìn thí sinh đăng ký các nguyện vọng khác không phải nguyện vọng 1 (30%) và hơn 137 nghìn không đăng ký nguyện vọng (chiếm 35%).

Ngoài ra, cơ sở đào tạo có thể bắt đầu tổ chức nhập học đồng thời với quá trình thí sinh xác nhận nhập học, hoặc tổ chức nhập học sau quá trình thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến. Thống kê qua Hệ thống, kết quả phương thức xét tuyển sớm (không lấy theo điểm thi tốt nghiệp THPT) cho thấy, có hơn 138,4 nghìn thí sinh trúng tuyển phương thức xét tuyển sớm đăng ký nguyện vọng 1 (chiếm 35%); hơn 119,5 nghìn thí sinh đăng ký các nguyện vọng khác không phải nguyện vọng 1 (30%) và hơn 137 nghìn không đăng ký nguyện vọng (chiếm 35%).

Tuy nhiên, nhiều trường có quá nhiều phương thức tuyển sinh phức tạp, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, gây khó khăn cho thí sinh và Hệ thống. Trong khi đó, nhiều trường xét tuyển sớm không dự báo được thí sinh ảo. Ứng dụng công nghệ thông tin còn bất cập khi một số thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm đã đăng ký nguyện vọng trên Hệ thống đúng ngành xét tuyển, nhưng có sai sót về mã phương thức xét tuyển hoặc tổ hợp xét tuyển. Việc nộp lệ phí xét tuyển gặp khó khăn, khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo liên tục phải lùi thời gian nộp lệ phí.

Đáng chú ý, sau khi các trường công bố điểm chuẩn trúng tuyển dựa theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT, nhiều khối ngành có điểm chuẩn quá cao, cận tuyệt đối mới trúng tuyển. Điển hình như Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) có chín ngành tuyển sinh tổ hợp C00 ba môn điểm chuẩn từ 29 điểm trở lên; Trường đại học Kinh tế quốc dân có sáu ngành điểm chuẩn trúng tuyển ba môn từ 28 điểm trở lên. Điều đó đặt ra câu hỏi: Đề thi tốt nghiệp THPT liệu có phù hợp về độ khó, mức độ phân hóa dành cho xét tuyển đại học nữa không?

Để công tác tuyển sinh thật sự hiệu quả, thuận lợi cho thí sinh và các trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ban hành sớm các quy chế, quy định, để thí sinh không bị "nhiễu" thông tin. Mặt khác, quá trình triển khai ứng dụng công nghệ thông tin cần tính toán phù hợp các vùng miền, khu vực khác nhau, tránh gây khó khăn cho thí sinh ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, cần có những quy định cụ thể hơn về phương thức xét tuyển, tránh tình trạng "trăm hoa đua nở" gây bối rối cho thí sinh khi lựa chọn phương thức đăng ký xét tuyển...

Theo MẠNH XUÂN (Nhân Dân)

 

Liên kết hữu ích