Tạo tiền đề thúc đẩy đô thị loại I Long Xuyên

18/10/2024 - 07:01

 - TP. Long Xuyên trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh từ năm 2020. Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh, địa phương hướng đến “thương hiệu” đô thị trẻ, năng động, có vị trí địa lý kinh tế - chính trị quan trọng trong hệ thống các đô thị khu vực ĐBSCL. Để gầy dựng được điều đó, rất cần huy động nội lực lẫn ngoại lực, bằng nhiều giải pháp đồng bộ, tổng thể.

Cơ cấu kinh tế thành phố chủ yếu là thương mại - dịch vụ (75%); công nghiệp - xây dựng (21,5%); nông nghiệp (3,5%). Tổng thu ngân sách bình quân hàng năm khoảng 1.200 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,08% (55 hộ); hộ cận nghèo 1,92% (1.405 hộ). Chất lượng giáo dục luôn đứng đầu toàn tỉnh trong nhiều năm qua, 49/57 trường đạt chuẩn quốc gia (86%). Từ nay đến năm 2025, địa phương huy động mọi nguồn lực để tập trung đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển thương mại - dịch vụ và đô thị, xây dựng đô thị “Thông minh - Văn minh - Hiện đại” với kiến trúc đô thị sông nước mang tính đặc trưng riêng

Bên cạnh những kết quả nổi bật, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội địa phương còn thiếu, xuống cấp, 9 tiêu chí chưa đạt chuẩn đô thị loại I; chưa tự cân đối ngân sách (thu ngân sách 9 tháng đầu năm 2024 chưa chạm mốc “ngàn tỷ”). Công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thực hiện một số dự án chậm so yêu cầu; cải cách hành chính chưa tạo sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội từng lúc, từng nơi còn diễn biến phức tạp.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh ngày 16/10, TP. Long Xuyên đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung thuộc lĩnh vực kinh tế; quản lý, phát triển đô thị - đầu tư xây dựng. Cụ thể, địa phương gặp vướng khi triển khai quá trình lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu; kiến nghị sở, ngành tỉnh hướng dẫn quy trình, thủ tục để triển khai thực hiện theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

Để phát huy cao nhất hiệu quả tuyến tránh TP. Long Xuyên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, giao thương, từng bước đồng bộ về hạ tầng đô thị, UBND thành phố kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ đầu tư các tuyến nối còn lại: Nút giao thông đường Phạm Cự Lượng; nút giao tuyến nối đường tránh Long Xuyên đến Đường tỉnh 941 (phường Bình Đức), nút giao đường Hàm Nghi (phường Bình Khánh), nút giao đường Trần Quang Khải (phường Mỹ Thới). Đồng thời, đề xuất đầu tư, nâng cấp các tuyến đường: Đường Phạm Cự Lượng (đoạn từ đường Trần Hưng Đạo đến bến xe Long Xuyên); đường Hà Hoàng Hổ (đoạn từ Vòng xoay đèn 4 ngọn đến đường Nguyễn Hoàng); đường đến Khu di tích Chủ tịch Tôn Đức Thắng (xã Mỹ Hòa Hưng) xuống cấp, cao trình thấp, thường xuyên bị ngập nước trong mùa mưa, lũ, triều cường. Vì vậy, cần đầu tư nâng cấp để đồng bộ toàn tuyến kết nối với các tuyến đường huyết mạch của thành phố, đấu nối hệ thống xử lý nước thải của khu dân cư hiện hữu và trục giao thông chính với hệ thống xử lý nước thải của thành phố.

“Ngày 3/10/2024, UBND thành phố đăng ký danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030. Theo đó, đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ vốn đầu tư cho 17 dự án, mức vốn 1.423 tỷ đồng (tổng mức đầu tư 1.750 tỷ đồng). Trong đó, đề xuất ưu tiên 1 cho dự án Khu dân cư phục vụ bố trí nền tái định cư cho các dự án trọng điểm của tỉnh và TP. Long Xuyên giai đoạn 2026 - 2030, quy mô diện tích 191.400m2, dự kiến bố trí 945 nền tái định cư. Hiện nay, các dự án trọng điểm của tỉnh triển khai trên địa bàn TP. Long Xuyên khá nhiều: Sân vận động tỉnh; Trung tâm Đào tạo huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh; Khu công nghệ thông tin tập trung tỉnh…; các dự án tiếp tục chuẩn bị đầu tư trong thời gian tới (Quảng trường Tôn Đức Thắng, tuyến đường kết nối giao thông với tuyến tránh; kè chống sạt lở và chỉnh trang đô thị…). Nhu cầu bố trí nền tái định cư rất lớn, phải có quỹ nền tái định cư trước mới tiến hành thủ tục thu hồi đất và bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy định, trong khi quỹ nền hiện có do thành phố quản lý không đáp ứng được” - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Đinh Văn Bảo đề xuất.

Qua buổi làm việc, TP. Long Xuyên được gợi mở, trao đổi, thông tin nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2024. Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng ghi nhận, biểu dương kết quả nổi bật về kinh tế - xã hội TP. Long Xuyên đạt được, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, muốn phát triển đúng định hướng, TP. Long Xuyên phải căn cứ vào các quy hoạch từ Trung ương đến địa phương, từ nghị quyết chung đến nội dung cụ thể.

“Nếu muốn phát triển thành phố thông minh - xanh - bền vững thì việc thu hút đầu tư phải chọn lọc rất khác. Không thể nào chọn ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Khai thác lợi thế, TP. Long Xuyên phải đứng đầu cả tỉnh, nhất là về thương mại - dịch vụ. Muốn phát triển hệ thống siêu thị thì cần tìm nhà đầu tư nổi tiếng lĩnh vực này, cần quy hoạch đất để mời họ vào, chứ không phải chỉ là nơi buôn bán nhỏ lẻ thông thường. Do đó, công việc cần làm đầu tiên là khẩn trương tham mưu thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố. Làm chậm 1 ngày thì mất cơ hội đầu tư 1 ngày, nên cần phải tập trung, tích cực hơn. Cùng với đó, thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là quản lý đất đai, trật tự xây dựng, mỹ quan đô thị. Nếu khâu này làm không tốt, sẽ ảnh hưởng đến quá trình giải phóng mặt bằng, phát sinh rất nhiều việc về sau, tốn nguồn lực Nhà nước lẫn người dân. Cần có một số giải pháp đột phá để phát triển thành phố, ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông ở các dự án, công trình mang tính động lực, trọng điểm trong điều kiện “tiền không nhiều”. Để du lịch “cất cánh”, UBND thành phố chủ trì xây dựng đề án về du lịch cộng đồng, có thể chọn cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng) làm điểm đến, kết hợp phát triển kinh tế đêm…” - đồng chí Hồ Văn Mừng nhấn mạnh.

Ngoài ra, thành phố cần chủ động đề ra giải pháp, lộ trình cụ thể về công tác cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số; chủ động sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; tập trung chăm lo an sinh xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống thiên tai… Tất cả kết hợp lại, tạo tiền đề, động lực quan trọng thúc đẩy thành phố phát triển nhanh, bền vững, xứng tầm đô thị loại I như kỳ vọng.

GIA KHÁNH