Tập trung bảo vệ đàn vật nuôi

31/05/2024 - 06:29

 - Tổng đàn gia súc, gia cầm tại An Giang không quá lớn nhưng tăng trưởng ổn định, mang lại thu nhập khá cho người chăn nuôi. Bên cạnh hỗ trợ các hình thức liên kết chăn nuôi gia công, khuyến khích chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại, ngành chăn nuôi và thú y (CN&TY) tỉnh đang nỗ lực kiểm soát tốt dịch bệnh, tăng cường tiêm phòng để bảo vệ đàn vật nuôi trước diễn biến dịch bệnh phức tạp ở các địa phương khác.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi đang diễn biến khá phức tạp, đáng lo ngại. Thống kê của cơ quan chuyên môn từ đầu năm đến ngày 21/5/2024, bệnh viêm da nổi cục xảy ra tại 7 tỉnh, với 3.347 con trâu, bò mắc bệnh, tiêu hủy 89 con; bệnh dịch tả heo Châu Phi xảy ra tại 37 tỉnh, với 286 ổ dịch, tổng số heo mắc bệnh là 9.258 con, tổng số bệnh và tiêu hủy 9.749 con. Tại khu vực ĐBSCL, có 8 tỉnh xuất hiện dịch bệnh, gồm: Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau.

Đối với bệnh lở mồm long móng, xảy ra tại 12 tỉnh với tổng số vật nuôi bị bệnh là 1.215 con, tiêu hủy 103 con; bệnh cúm gia cầm xảy ra tại 7 tỉnh, với 11.569 con gia cầm mắc bệnh, buộc tiêu hủy 12.424 con. Trong đó, khu vực ĐBSCL có 3 tỉnh xuất hiện bệnh là: Long An, Tiền Giang và Vĩnh Long. Với bệnh dại, xảy ra ở 33 tỉnh, với 125 ổ dịch, tổng số chó mắc bệnh dại và buộc tiêu hủy là 354 con, trong đó khu vực ĐBSCL có 7 tỉnh xuất hiện bệnh dại là: An Giang, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau.

Bảo vệ đàn vật nuôi

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, nhìn chung tại tỉnh An Giang, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi cơ bản được kiểm soát, khống chế, các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, như: Cúm gia cầm, tai xanh, viêm da nổi cục, lở mồm long móng... không xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Kết quả này có được nhờ ngành NN&PTNT cùng các địa phương triển khai kịp thời, có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật đã được UBND tỉnh ban hành. Đối với Kế hoạch phòng, chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh An Giang, từ đầu năm đến nay, ngành CN&TY đã tiến hành tiêm phòng hơn 3,15 triệu liều vaccine cho đàn vịt, với số lượng vịt còn bảo hộ gần 4,1 triệu lượt con, đạt tỷ lệ 146%; tiêm phòng 193.812 liều cho đàn gà, với số lượng còn bảo hộ là 449.639 lượt con, đạt tỷ lệ 83% so với tổng đàn tại thời điểm tiêm phòng.

Thực hiện Kế hoạch phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh, ngành CN&TY tăng cường công tác tiêm phòng theo hướng xã hội hóa tại các huyện Phú Tân, Thoại Sơn, Châu Thành và TP. Châu Đốc, với 34 hộ chăn nuôi, thực hiện tiêm phòng phòng vaccine dịch tả heo Châu Phi 730 con.

Trong khi đó, thực hiện Kế hoạch phòng, chống bệnh gia súc giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, ngành chuyên môn đã triển khai tiêm phòng đợt 1 vùng đệm và vùng nguy cơ thấp với 17.275 liều lở mồm long móng cho đàn trâu, bò; tiêm phòng bệnh tai xanh cho đàn heo nái, nọc của tỉnh 5.000 liều.

Đối với Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2030, do đàn gia súc được tiêm phòng còn trong giai đoạn bảo hộ là 46.193 con, đạt tỷ lệ 88% so với tổng đàn, nên dự kiến đến tháng 8/2024, khi hết thời gian bảo hộ, ngành CN&TY sẽ triển khai thực hiện tiêm phòng theo kế hoạch.

Thực hiện Kế hoạch phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2022 - 2030, ngành CN&TY triển khai tiêm phòng dại miễn phí cho đàn chó trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số Khmer tại huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên, với 3.324 liều. Số lượng đàn chó hiện còn trong giai đoạn bảo hộ là 34.761 con, đạt tỷ lệ 94% so với tổng đàn.

Các ngành chức năng tỉnh đã phối hợp tổ chức bắt chó thả rông được 13 đợt (kế hoạch năm 2024 thực hiện 44 đợt), tổng số chó bắt được 52 con, trong đó phạt 7 trường hợp với số tiền là 6,5 triệu đồng, xử lý chó vô chủ 17 trường hợp, phạt cảnh cáo 28 trường hợp.

Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chuyên môn theo kế hoạch và chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục CN&TY, các đơn vị chuyên môn phối hợp địa phương, cơ quan báo, đài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong phòng, chống dịch bệnh động vật.

Đồng thời, hướng dẫn chủ chăn nuôi gia súc, gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm các biện pháp chăn nuôi đảm bảo vệ sinh phòng bệnh; thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; tiêm phòng đầy đủ vaccine phòng bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; tổ chức thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y.

Cùng với đó, phối hợp các đơn vị có liên quan quyết liệt ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh; tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, thủy sản, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ và an toàn thực phẩm.

Từ nay đến cuối năm 2024, ngành CN&TY tiếp tục giám sát tình hình dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm của tỉnh, đặc biệt là các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; tiếp tục tiêm vaccine phòng bệnh theo kế hoạch. Đồng thời, phối hợp kiểm tra tình hình dịch bệnh, ngăn chặn tình hình nhập lậu động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới...

HOÀNG XUÂN