Tập trung giải pháp phát triển nông nghiệp

11/02/2022 - 06:39

 - Năm 2022, ngành nông nghiệp An Giang tiếp tục phấn đấu phát triển theo chiều sâu, tập trung vào tổ chức sản xuất, kết nối tiêu thụ và tăng cường sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng được chứng nhận, các lĩnh vực sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Qua đó, tạo đà tăng trưởng cho cả giai đoạn 2021-2025.

Sản xuất thích ứng linh hoạt

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, năm 2022, ngành tập trung triển khai kế hoạch “Thúc đẩy sản xuất ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang trong tình hình dịch COVID-19 hiện nay”. Mục đích chính của kế hoạch là thúc đẩy đảm bảo sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19, bảo đảm thực hiện mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì sản xuất nhằm đảm bảo không bị đứt gãy hệ thống chuỗi sản xuất ngành nông nghiệp, ổn định các khâu sản xuất, lưu thông, sơ chế, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, ứng phó linh hoạt, hạn chế rủi ro, thiệt hại của dịch bệnh COVID-19 trong mọi tình huống trên địa bàn An Giang.

Theo ông Lâm, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 năm 2021 diễn biến rất phức tạp, tỉnh đã có những bước chủ động trong việc điều hành sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ thành công nông sản. Từ kinh nghiệm này, năm 2022, nhiệm vụ của ngành nông nghiệp là tiếp tục giải quyết vấn đề tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ một cách thuận lợi và nhịp nhàng. Ngành nông nghiệp sẽ triển khai thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU, ngày 29-6-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, kiện toàn tổ phản ứng nhanh ở các địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp (DN), nông dân kịp thời. Tổ này sẽ kết nối thông tin với Tổ công tác đặc biệt của Bộ NN&PTNT (Tổ công tác 970) để kịp thời điều phối, kết nối tiêu thụ nông sản cho TP. Hồ Chí Minh và các địa phương trong nước.

An Giang khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Năm 2022, ngành nông nghiệp tiếp tục triển khai Chương trình tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025; chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Bên cạnh đó, tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh hình thức hợp tác công - tư và tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các nhóm sản phẩm chủ lực.

Hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, nhằm tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp phát triển, ngành tiếp tục rà soát, vận dụng hiệu quả, linh hoạt hơn các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông thôn mới, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, tạo cơ chế thông thoáng, thúc đẩy phát triển sản xuất và kêu gọi đầu tư hiệu quả phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, rà soát, xác lập các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trọng điểm cho từng sản phẩm cụ thể phù hợp tình hình thực tiễn và tầm nhìn đến năm 2030. Tỉnh sẽ hình thành, phát triển các hệ thống sản xuất và cung ứng giống nông nghiệp chất lượng cao; tập trung tổ chức sản xuất, hình thành các vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô hàng hóa cho từng địa phương cụ thể, theo hướng mỗi địa phương 1-2 sản phẩm chủ lực.

Giai đoạn tới, ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện chuyển dịch đất lúa kém hiệu quả sang những loại cây hoa màu có giá trị kinh tế cao hơn. Đối với cây lúa, triển khai áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, mở rộng áp dụng GlobalGAP, VietGAP để giảm giá thành, nâng cao năng suất và lợi nhuận cho người dân. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện và nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, nhân rộng mô hình “Cánh đồng lớn”, gắn với thực hiện các mô hình kinh tế hợp tác của HTX kiểu mới, liên kết từ cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra trong sản xuất và cung cấp các dịch vụ khác. Trên cơ sở đánh giá, tổng kết vai trò kinh tế hợp tác của các HTX kiểu mới, ngành nông nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thực hiện các chính sách tín dụng hỗ trợ của tỉnh và Trung ương đối với việc phát triển HTX, kinh tế hợp tác.

Theo ông Lâm, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các DN xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu, kết hợp đầu tư nhà máy sơ chế, kho bảo quản, tồn trữ sản phẩm gần vùng nguyên liệu. Đồng thời, thực hiện các chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với HTX, tổ hợp tác tham gia vào mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gắn với vùng nguyên liệu của DN.    

Sở NN&PTNT tăng cường phổ biến các chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN, HTX, tổ hợp tác, người dân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, như: Nghị định 57/2018/NĐ-CP, ngày 17-4-2018 của Chính phủ và Nghị quyết 31/2018/NQ-HĐND, ngày 7-12-2018 của HĐND tỉnh An Giang về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 98/2018/NĐ-CP, ngày 5-7-2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

           

NGÔ CHUẨN