Thái Bình: Đam mê trồng dưa công nghệ cao, U50 bỏ túi hơn nửa tỷ đồng/năm

06/11/2020 - 08:51

Trồng dưa lưới công nghệ giúp kiểm soát lượng dinh dưỡng, kiểm soát sâu bệnh hại, đồng thời nâng cao sản lượng và giá trị sản phẩm. Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao này đã giúp bà Trần Thị Nhàn (50 tuổi) thôn Nhật Tảo, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà (Thái Bình) thu về hơn nửa tỷ đồng/năm.

Bén duyên với nông nghiệp công nghệ cao.

Được tận mắt chứng kiến quy mô vườn dưa của gia đình bà Nhàn, nhiều người sẽ lầm tưởng đây là vườn dưa của một anh chàng kỹ sư hay một doanh nghiệp nào đó đầu tư vào lĩnh vực này. 

Bà Trần Thị Nhàn, thôn Nhật Tảo, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà (Thái Bình) thu hoạch dưa lưới trong khu vườn nhà màng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.

Nhưng ít ai ngờ rằng, vườn dưa lưới xanh tốt, trái nào cũng to tròn treo lủng lẳng trên cây lại của một nông dân chính hiệu của thôn Nhật Tảo.

Đi thăm khắp các nhà trồng dưa lưới của bà Nhàn chúng tôi thấy, nhà nào cũng được xây dựng kiên cố. Các cột trụ đều bằng bê tông cốt thép. Khung mái là thép hộp không gỉ. Kết cấu khuôn nhà bảo đảm chịu được gió cấp 12. Nilon lợp mái chịu được gió cấp 11 không rách (được bảo hành bởi cơ sở cung ứng). 

Hệ thống tưới nước và bón phân đồng bộ theo công nghệ Israel. Các loại nước tưới đều phải qua 2 lần lọc mới được tưới nhỏ giọt tự động tới từng gốc cây dưa lưới.

Đặc biệt nước mưa ở đây được tận dụng tối đa cung cấp cho vườn trồng dưa lưới công nghệ cao. Sau khi thu gom từ mái các nhà màng, nước mưa được lọc trữ trong bể, bà Nhàn dùng sinh hoạt hàng ngày và bổ sung vào nguồn tưới dưa.

Qua 2 lần mạnh dạn đầu tư, đến nay, bà Trần Thị Nhàn, thôn Nhật Tảo, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà (Thái Bình) đã có 4.000m2 nhà màng trồng dưa công nghệ cao.

Bà Nhàn trước kia cũng cấy lúa, dù có làm việc quần quật nhưng cuộc sống vẫn nghèo. Chán nản bà đi nuôi lợn, nấu rượu...Nhưng giá cả lên xuống thất thường nên nuôi lợn thu nhập cũng bấp bênh, tính ra cũng chẳng ăn thua gì.

Sau đó bà Nhàn lại bỏ đi trồng ớt, nhưng giá cả cứ nhảy múa loạn lên khiến bà hay "đau tim", năm được năm mất khiến bà chán nản vô cùng. Trong đầu bà luôn hiện lên câu hỏi: “Trồng cây gì, nuôi con gì để làm giàu?”, bao giờ mới thoát khỏi một vòng luẩn quẩn ở quê nhà.

Rồi câu hỏi đó cuối cùng có lời giải, trong một lần bà cùng con trai qua nhà họ hàng chơi mới tình cờ biết đến mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao. Lần đầu tiên thấy mô hình trồng dưa công nghệ cao, bà nhìn hoa hết cả mắt, được một phen mở rộng tầm mắt, ngoài sức tưởng tượng.

“Lúc đó tôi thấy mê quá nên hỏi kỹ lắm, do là người nhà nên hỏi gì họ cũng nói hết. Nhưng khi nghe chi phí đầu tư ban đầu cả tỷ bạc nên tôi cũng run. Sau khi biết được hiệu quả mang lại cao gấp chục lần so với trồng dưa thông thường nên tôi lại ham”, bà Nhàn nhớ lại.

Dưa lưới trồng trong nhà màng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của gia đình bà Nhàn (tỉnh Thái Bình) có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt.

Đầu năm 2019, cùng với số vốn tích góp được và vay mượn thêm, bà đầu tư gần 600 triệu đồng để dựng 1.700m2 nhà màng và cùng các trang thiết bị khác phụ kiện khác, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của một nhà màng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.

Thu nhập khủng từ thay đổi tuy duy canh tác

Tháng 2/2019, bà Nhàn xuống 4.000 cây dưa lưới giống, trong quá trình chăm sóc đến lúc thu hoạch thì còn được 3500 cây. Sau 70 ngày chăm sóc, trung bình mỗi gốc bà thu về được 1,5kg quả, giá bán ổn định gần 40 ngàn đồng/kg.

“Vụ dưa đầu tiên tôi thu về hơn 5 tấn, gọi cái có người đến mua cả vườn với giá bán ổn định 38-40 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí, vụ dưa đầu tiên tôi lãi khoảng 120 triệu đồng, trong đời tôi chưa bao giờ trồng cái gì mà lời như vậy”, bà Nhàn nhớ lại.

Bà Trần Thị Nhàn, thôn Nhật Tảo, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà (Thái Bình) cho rằng, mấy năm nữa thì chưa biết, nhưng hiện nay trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cho tỷ suất lợi nhuận tốt.

Thấy hiệu quả, bà Nhàn đi vay mượn thêm hơn 700 triệu đồng để mở rộng thêm mô hình nhà màng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao lên gần 2400m2. Đến, nay gia đình bà Nhàn đang có hơn 4.000m2 nhà màng, mỗi năm cho sản lượng khoảng vài chục tấn dưa lưới, cho doanh thu hàng tỷ đồng.

Chia sẻ với báo điện tử DANVIET.VN, bà Trần Thị Nhàn chia sẻ, trồng dưa lưới trong nhà màng tuy không tốn nhân công song phải làm đất kỹ, gieo giống, liều lượng nước, phân bón đến việc thụ phấn, chọn và chăm sóc trái. 

Thông thường sau khi gieo hạt được khoảng 28 ngày, tiến hành thụ phấn cho dưa. Sau khi dưa lưới đậu trái sẽ chọn mỗi cây chỉ 1 trái, còn lại cắt bỏ để đảm bảo trọng lượng phát triển trên 1,5kg/trái. 

Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu khá lớn, nhưng với những ưu điểm như trồng cây trong nhà màng sẽ giảm tối đa các loại sâu, bệnh gây hại nên việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật gần như không có. 

Trồng dưa lưới ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đảm bảo sản phẩm sạch và bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng.

Bà Trần Thị Nhàn (50 tuổi) thôn Nhật Tảo, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà (Thái Bình) cho rằng, khi đã bỏ tiền tỷ ra đầu tư nhà màng, lắp đặt các thiết bị phục vụ trồng dưa lưới công nghệ cao thì nhân công bỏ ra chăm sóc vườn dưa không nhiều...

Bà Nhàn tính toán, trung bình vốn để đầu tư cho 1.000m2 nhà màng sẽ tốn khoảng 200 triệu đồng gồm cả nhà màng và hệ thống tưới nước, bón phân tự động theo công nghệ Israel. 

Với mức đầu tư này sẽ sử dụng được từ 8-10 năm mới phải thay thế. Còn chi phí để đầu tư giống, phân bón, thuốc vi sinh và nhân công, trung bình 1.000m2 sẽ tốn khoảng 50 triệu đồng cho 1 vụ.

“Mỗi năm trồng được 3 vụ, mỗi vụ kéo dài trên dưới 70 ngày, năng suất trung bình đạt 10-12 tấn/vụ. Hiện tại giá thu mua đang dao động từ 30.000 đến 32.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí lãi trên 600 triệu đồng/năm.”, bà Nhàn tiết lộ.

Theo bà Nhàn, dưa lưới thích nghi với điều kiện khí hậu ấm áp, khô ráo, đầy đủ ánh sáng. Vốn là loại cây ưa nhiệt nên dưa lưới rất dễ trồng trong những mùa khô ráo, ít mưa. Mùa vụ thích hợp trồng dưa lưới từ tháng 2 – 10 hàng năm, thời tiết càng nóng thì trồng dưa càng đạt. 

Không nên trồng dưa lưới vào thời tiết lạnh, trời âm u vì dưa sẽ phát triển chậm, dễ bị sâu bệnh phá hoại và cho năng suất thấp. 

Đất trồng dưa lưới cần đất tơi xốp thoát nước, nên trồng dưa lưới trên các loại đất thịt nhẹ, đất cát pha, đất phù sa, trong đó đất trộn trấu là thích hợp nhất. 

Nhà màng rộng 4.000m2 trồng dưa lưới công nghệ cao của gia đình bà Nhàn (Thái Bình) nhìn vào thời điểm trời chập tối.

Bà Nhàn tiết lộ: Gần 2 năm đi vào trồng dưa lưới công nghệ cao tôi đã rút ra, trên cây dưa lưới có 4 loại côn trùng gây hại chính, gồm bọ phấn trắng, bọ trĩ, dòi đục lá và rầy mềm. Trong số bọ này thì bọ phấn trắng và bọ bọ trĩ là đáng ngại nhất. Vì các đối tượng bọ trĩ phát triển rất nhanh và rất nhanh kháng thuốc. Người trồng dưa cần thường xuyên thăm vườn để phát hiện phòng trừ sớm, phải luân phiên sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học. 

Bà Trần Thị Nhàn, thôn Nhật Tảo, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà (Thái Bình) lưu ý, cây dưa lưới cũng cần nhiều các nguyên tố vi lượng như Canxi (Ca), Mangie (Mg) hơn các loại dinh dưỡng khác. Chú ý điều chỉnh nồng độ, tỷ lệ các loại phân bón phù hợp với từng thời kỳ sinh trưởng, phát triển của cây, để dễ đạt được năng suất, chất lượng sản phẩm cao.

Theo Dân Việt