Thanh niên hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản

04/08/2021 - 07:01

 - Đợt giãn cách xã hội để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 lần này trùng thời điểm thu hoạch của nhiều loại nông sản, nhất là trái cây. Đa phần các loại nông sản khó trữ lại mà cần phải tiêu thụ ngay, nên nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Từ tình hình đó, Tỉnh đoàn đã triển khai nhiều hoạt động, chương trình kết nối, tìm đầu mối tiêu thụ nhằm giải quyết phần nào khó khăn đầu ra cho nông sản.

Mở đầu hoạt động này là hỗ trợ tiêu thụ bắp cho nông dân ở huyện Phú Tân, Châu Phú. Bắp sau khi được thu hoạch, Tỉnh đoàn An Giang sẽ liên hệ với các đơn vị vận tải, các nhà hảo tâm, kết nối đầu mối vận chuyển bắp từ các địa phương về trụ sở Tỉnh đoàn. Sau khi các xe chở bắp được tập kết tại sân của Tỉnh đoàn, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) cùng tham gia phân loại bắp, cho vào từng túi, với số lượng từ 10kg, 14kg, 20kg, giá bán hỗ trợ cho nông dân 7.000 đồng/kg…

Để hạn chế tiếp xúc, tập trung đông người, phía trước sân và phía sau Tỉnh đoàn An Giang (gần chợ Mỹ Bình), nhiều túi bắp và thùng đựng tiền được bố trí sẵn. Người dân đến hỗ trợ mua bắp chỉ cần bỏ 100.000 đồng vào thùng tiền cho mỗi bọc 14kg hoặc có thể gửi tiền nhiều hơn nếu có ý muốn giúp nông dân.

“Thấy trên mạng xã hội Facebook Tỉnh đoàn An Giang chia sẻ thông tin hỗ trợ tiêu thụ bắp cho nông dân nên tới mua. Tôi thấy cách làm của Tỉnh đoàn rất hay, vừa giúp nông dân tiêu thụ nông sản, vừa giúp người dân có thể mua được nông sản ngon, giá cả hợp lý” - một người dân cho biết.

Hỗ trợ nông dân ở các địa phương tiêu thụ nông sản

Nhằm tăng liên kết để phát triển đầu ra cho nông sản, Tỉnh đoàn An Giang phối hợp Tỉnh đoàn Đồng Tháp và Food Bank Việt Nam thực hiện chương trình “Bắp nghĩa tình - Chung tay vượt qua đại dịch COVID-19”. Qua đó, hỗ trợ nông dân ở các địa phương tiêu thụ được 20 tấn bắp và số lượng bắp này được chuyển tặng người dân ở TP. Hồ Chí Minh.

Ngoài việc kết nối tiêu thụ bắp, Tỉnh đoàn An Giang còn kết nối giúp nông dân trồng sả, thanh long, chanh… giải quyết được đầu ra khi nông sản đến kỳ thu hoạch. Vừa qua, Tỉnh đoàn An Giang còn tạo một Fanpage “Hỗ trợ tiêu thụ nông sản An Giang” trên mạng xã hội Facebook nhằm thông tin, kết nối tiêu thụ nông sản An Giang. Các cá nhân, đơn vị có thể chia sẻ nhu cầu mua hoặc bán nông sản ngay tại Fanpage này.

Bí thư Tỉnh đoàn Lâm Thành Sĩ cho biết, hiện nay, Tỉnh đoàn đã chuyển sang hình thức kết nối tiêu thụ, giới thiệu nông sản. Khi người có nhu cầu mua bán, có thể trực tiếp liên hệ với nông dân, Tỉnh đoàn sẽ kết nối, giới thiệu. Khi có thông tin nông sản cần tiêu thụ, trực tiếp các xã, phường, thị trấn đoàn và ĐVTN sẽ cung cấp thông tin cho Fanpage, gồm: hình ảnh nông sản, khối lượng, giá cả, địa chỉ, điện thoại liên lạc nông dân… Như vậy, Fanpage sẽ thông tin rộng rãi và dễ kết nối hơn.

Ở huyện miền núi Tri Tôn, thời gian qua do dịch bệnh COVID-19, việc vận tải, đi lại bị hạn chế, giá nông sản xuống thấp nên ảnh hưởng đến khâu tiêu thụ. Huyện đoàn Tri Tôn đã kết nối với người mua và làm đầu mối tiêu thụ giúp nông dân.

Theo Phó Bí thư Huyện đoàn Tri Tôn Lê Huỳnh Ngọc Lý, bắt đầu thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc vận chuyển, đi lại được kiểm soát chặt chẽ hơn, nên một số thương lái không đến thu mua. Trước tình hình đó, Huyện đoàn cùng các đơn vị kêu gọi hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản. Hiện, đã hỗ trợ tiêu thụ được 17 tấn bắp, 120kg nấm rơm. Huyện đoàn đang tiếp tục kêu gọi hỗ trợ nông dân xã Ô Lâm tiêu thụ đậu phộng và khoai mì giúp nông dân xã Vĩnh Phước.

“Khách hàng muốn mua nông sản sẽ đăng ký số lượng và được đơn vị thông báo thời gian nhận hàng cụ thể, địa điểm nhận tại Nhà Thiếu nhi huyện Tri Tôn. Khi nào nông sản giao tới sẽ được thông báo đến từng khách hàng để tránh việc tập trung đông người. Hàng hóa được lên đơn và để sẵn, chỉ đến nhận và để tiền vào thùng, không ai tiếp xúc ai, vừa an toàn, vừa giúp nông dân tiêu thụ được nông sản” - chị Lý thông tin.

“Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã và đang triển khai nhiều hoạt động rất thiết thực, trong đó có chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân rất ý nghĩa. Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19, ai cũng gặp khó khăn nên việc san sẻ, hỗ trợ nhau vượt qua giai đoạn khó khăn đều rất đáng trân quý.

ÁNH NGUYÊN