Thay đổi cuộc sống cư dân vùng núi

20/05/2021 - 05:19

 - Đặc thù của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer vùng Bảy Núi là thường sống quây quần trong các phum, sóc cặp chân núi hoặc xa đường giao thông chính, lưới điện khó phủ rộng khắp. Khi hỗ trợ điện mặt trời vào sinh hoạt và sản xuất, cuộc sống người dân nơi đây ít nhiều thay đổi.

Hàng trăm hộ dân hưởng lợi

Sống ở một góc sườn núi Dài, ông Huỳnh Văn Boong cùng nhiều hộ gia đình Khmer ngụ ấp Rò Leng (xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) không có điện lưới sử dụng. Ông đầu tư mua chiếc bình ắc quy nhưng chỉ dám thắp 1 bóng điện duy nhất vào ban đêm bởi khi hết điện, phải đem bình xuống chân núi, đi một quãng đường khá xa để sạc.

Được Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) hỗ trợ 50% chi phí lắp điện mặt trời trên mái nhà, ông Boong đối ứng 50% còn lại (khoảng 1,5 triệu đồng) để lắp đặt tấm pin có công suất 0,3kWp cùng bộ sạc điện, giúp ông có điện xài miễn phí quanh năm. Trên sườn núi Dài, hiện có 13 hộ gia đình được GreenID hỗ trợ 50% chi phí đầu tư lắp pin điện mặt trời, giúp các hộ có điện thắp sáng, xem ti-vi, một số hộ đầu tư tấm pin công suất lớn còn chạy máy bơm nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Hỗ trợ tấm pin điện mặt trời cho các hộ vùng núi, vùng xa

Thống kê từ năm 2020 đến nay, GreenID đã phối hợp với Ban Quản lý Dự án (BQLDA) phát triển năng lượng bền vững (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hỗ trợ được 500 hộ dân ở 4 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer vùng Bảy Núi (huyện Tri Tôn, Tịnh Biên) lắp đặt điện mặt trời với tổng công suất 1.500kWp.

Giám đốc điều hành GreenID Ngụy Thị Khanh cho biết, mục tiêu của dự án là nâng cao khả năng tiếp cận điện của các hộ chưa có điện lưới, góp phần thúc đẩy ứng dụng các giải pháp xanh cho cộng đồng. Cơ chế hỗ trợ tài chính được áp dụng dựa vào kết quả, mỗi hộ gia đình phải tự chi đối ứng 50% chi phí lắp đặt pin điện mặt trời và được dự án hỗ trợ 50%.

Theo bà Khanh, GreenID đã phối hợp với BQLDA phát triển năng lượng bền vững xác định tiêu chí các hộ gia đình thuộc đối tượng áp dụng để triển khai mô hình. Nhóm năng lượng xanh thực hiện các hoạt động truyền thông cho cộng đồng trước khi ứng dụng các giải pháp. Dựa trên đăng ký của các hộ gia đình, nhóm thợ địa phương sẽ chịu trách nhiệm lắp đặt pin điện mặt trời.

“Tại địa bàn dự án, hầu hết các hộ gia đình đều sinh sống ở khu vực sườn núi và ấp xa trung tâm nên việc vận chuyển thiết bị, đi lại gặp nhiều khó khăn, việc lắp đặt mất nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại rất rõ rệt, ai cũng vui vì có nhiều gia đình khó khăn được hưởng lợi từ dự án” - bà Khanh đánh giá.

Ứng dụng sản xuất

Đặc thù vùng Bảy Núi là thừa nắng, thừa gió nhưng lại thiếu điện sinh hoạt, sản xuất, thiếu nước tưới vào mùa khô. Do vậy, mô hình thử nghiệm “Kết hợp sản xuất nông nghiệp và điện mặt trời” do GreenID phối hợp với BQLDA phát triển năng lượng bền vững An Giang và các đối tác triển khai thực hiện mang lại nhiều kỳ vọng.

Ông Chau Hon (ấp An Hòa, xã Châu Lăng) là hộ đầu tiên được chọn thử nghiệm mô hình. Ông Hon cho biết, vùng đất này trước đây thiếu nước, cuộc sống rất khó khăn. Từ khi nhà nước làm hệ thống thủy lợi, bơm nước từ sông lớn vào thì 1 năm làm được 3 vụ lúa, cuộc sống đỡ khó khăn hơn nhưng vẫn vất vả. Thấy trồng rau màu cho lợi nhuận cao hơn, ông đào ao trữ nước, lên liếp trồng rau màu 2 công đất (2.000m2).

Đầu năm 2020, đại diện GreenID đến trao đổi và đưa Công ty CS về đầu tư thử nghiệm mô hình “Kết hợp sản xuất nông nghiệp và điện mặt trời” trên đất của ông Chau Hon. Sau khi bàn bạc, ông Chau Hon thống nhất cải tạo chuyển đổi 800m2 đất trồng lúa, trong đó cho doanh nghiệp thuê 400m2 để thử nghiệm mô hình. Gia đình ông được trả tiền thuê đất 12 triệu đồng/năm. Dự án và doanh nghiệp đầu tư tiền làm nhà màng và lắp đặt pin điện mặt trời. Ông được phép trồng rau màu trong nhà màng nhưng phải tuân thủ quy trình kỹ thuật do dự án hướng dẫn. Toàn bộ rau màu thu hoạch, gia đình ông được bán và thu lợi nhuận.

Hệ thống điện mặt trời trên 400m2 đất nông nghiệp của ông Chau Hon có vốn đầu tư hơn 911 triệu đồng, do Công ty CS góp 76%, GreenID 24%. Với công suất 45kWp, trung bình mỗi ngày, hệ thống sản xuất được 103kWh điện, bán lên hệ thống điện lưới. Bên trong nhà màng dưới hệ thống pin điện mặt trời, gia đình ông Chau Hon trồng thử nghiệm dưa leo từ tháng 2-2021. Cây trồng trong nhà lưới dưới các tấm pin phát triển tốt hơn ruộng đối chứng bên ngoài, tỷ lệ đậu trái khá ổn định.

Bình quân mỗi ngày, gia đình ông thu hoạch hơn 40kg dưa leo, bán giá 6.000 đồng/kg cho thương lái. Trái có mẫu mã đẹp và dài, tươi ngon, được bạn hàng đánh giá cao. Ước tính mỗi lứa dưa trồng 2,5 tháng, gia đình có thu nhập 8-10 triệu đồng, canh tác 4 vụ/năm sẽ cho lợi nhuận 30-35 triệu đồng, cao gấp cả chục lần so trước đây. Nếu cộng thêm tiền cho doanh nghiệp thuê mặt bằng để sản xuất điện mặt trời, tổng thu nhập sẽ đạt 42-47 triệu đồng/năm. Sau khi đủ thời gian rút vốn, hộ gia đình còn được hưởng phần điện bán lên điện lưới, tạo thu nhập ổn định, lâu dài.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trương Kiến Thọ cho rằng, các nhà đầu tư đưa điện mặt trời về nông hộ đã trực tiếp thúc đẩy chuyển đổi cây trồng, tạo ra “lợi ích kép”. Có những loại cây trồng được đánh giá là phát triển tốt phía dưới tấm pin điện mặt trời (được bố trí giãn cách), mở ra mô hình mới về kết hợp năng lượng sạch và chuyển đổi cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế, thật sự có ý nghĩa trên vùng đất khô cằn, thiếu nước sản xuất.

“Mong rằng, Nhà nước có chính sách phù hợp hơn khuyến khích ngân hàng - nhà đầu tư nhỏ - nông hộ tham gia rộng rãi mô hình điện mặt trời kết hợp sản xuất nông nghiệp, đem lại lợi ích lớn cho nông dân cũng như nền nông nghiệp nước nhà” - Giám đốc điều hành GreenID Ngụy Thị Khanh kỳ vọng.

NGÔ CHUẨN