Thay đổi sản xuất để thoát nghèo

06/05/2021 - 06:00

 - Trên cùng diện tích đất, khi thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cùng kỹ thuật canh tác phù hợp, hiệu quả kinh tế tăng lên nhiều lần. Hỗ trợ nông dân Khmer thay đổi thói quen sản xuất, nâng cao thu nhập trên chính mảnh ruộng của họ được xem là giải pháp giảm nghèo bền vững.

Nhờ những dự án hỗ trợ, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số Khmer vươn lên khấm khá

“Tiếp sức” đúng lúc

Châu Lăng là một trong những xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer sinh sống trên địa bàn huyện Tri Tôn. Những năm qua, từ nguồn vốn Chương trình 135 và nhiều nguồn vốn xã hội hóa, hàng trăm hộ Khmer của xã được hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất mới, như: trồng nấm rơm trong nhà, nuôi lươn, nuôi bò, kỹ thuật trồng rau màu an toàn... Nhờ vậy, thu nhập của các hộ gia đình tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tăng từ 20-25%/năm. Bình quân mỗi năm, có ít nhất 15% số hộ gia đình trong xã Châu Lăng thoát nghèo.

Cuối năm 2020, UBMTTQVN tỉnh đã triển khai Dự án nhân rộng mô hình phát triển chăn nuôi bò cái sinh sản, tạo sinh kế để hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn xã Châu Lăng. Theo dự án, mỗi hộ dân nhận 1 con bò giống lai Sind sinh sản, do Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bến Tre cung ứng. Bò giống khỏe mạnh, được tiêm phòng và kiểm dịch đầy đủ của ngành chuyên môn. Hình thức hỗ trợ là cho hộ gia đình vay vốn không tính lãi suất, để mua 1 con bò cái giống đảm bảo tiêu chuẩn từ 8 tháng trở lên, mức vay 15 triệu đồng/con. Tổng số hộ được thụ hưởng là 27 hộ nghèo và hộ cận nghèo người DTTS Khmer của xã Châu Lăng với tổng kinh phí của dự án là 405 triệu đồng.

Dự kiến, sau 3 năm thực hiện dự án, khi bò sinh sản, các hộ dân sẽ tiếp tục bàn giao bò con cho các hộ nghèo khác để cùng nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo. Trước khi nhận bò, các hộ dân được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, quản lý bò giống sinh sản. Đây là nguồn hỗ trợ kịp thời, động viên hộ nghèo, cận nghèo người DTTS Khmer ở huyện Tri Tôn phát triển sản xuất, ổn định đời sống, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Phát huy lợi thế tự nhiên

Tri Tôn có những làng nghề nấu đường thốt nốt nổi tiếng của đồng bào DTTS Khmer. Để giúp các hộ dân phát huy nghề truyền thống, tăng thu nhập từ chính lợi thế địa phương, làng nghề nấu đường thốt nốt đang được đầu tư mở rộng. Từ nguồn vốn quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân huyện Tri Tôn đã giải ngân 251 triệu đồng cho 29 hội viên, nông dân tham gia dự án sản xuất đường thốt nốt tại xã Châu Lăng và Lê Trì. Hội Nông dân còn phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tri Tôn phát vay cho 270 hộ nghèo, cận nghèo, sinh viên trên địa bàn xã Châu Lăng để phát triển sản xuất, học tập nâng cao kiến thức.

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình anh Chau Sinh (hộ Khmer ở ấp An Hòa, xã Châu Lăng) đã khôi phục được nghề nấu đường thốt nốt, cuộc sống ngày càng sung túc hơn. “Trước đây, cuộc sống khó khăn, thiếu vốn đầu tư nên công việc nấu đường khó khăn. Nhờ được vay 45 triệu đồng vốn ưu đãi của ngân hàng, gia đình tôi mua được đầy đủ dụng cụ nấu và chủ động nguyên liệu cho nghề nấu đường thốt nốt. Ngoài 20 cây thốt nốt của gia đình, tôi còn mua thêm vài chục cây thốt nốt của bà con trong phum, sóc để lấy nước mở rộng nghề nấu đường truyền thống, góp phần tăng thu nhập, sớm trả hết nợ ngân hàng, thoát khỏi cảnh nghèo túng” - anh Chau Sinh phấn khởi.

Chị Néang Kim Eng là một trong những điển hình vượt khó phát triển kinh tế gia đình ở xã Châu Lăng. Chị Kim Eng cho biết, khi mới lập gia đình ra ở riêng, chị chỉ có 5 công đất trồng lúa (5.000m2). Do thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật canh tác nên năng suất thấp, đời sống khó khăn. Được hỗ trợ tập huấn, tham quan, học tập kinh nghiệm canh tác, chị đã mạnh dạn áp dụng kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, sử dụng giống lúa chất lượng cao…

Hiệu quả dần thấy rõ, năng suất vụ sau cao hơn vụ trước. Khi đã có vốn liếng, chị Kim Eng thuê thêm đất ruộng để mở rộng sản xuất. Với hướng đi đúng đắn, trồng lúa có kỹ thuật, gia đình chị mua thêm được 3,5ha đất ruộng. Tăng lợi nhuận từ cây lúa, người phụ nữ Khmer này còn mở rộng chăn nuôi heo để tạo thêm nguồn thu thường xuyên. Bình quân mỗi năm, chị Kim Eng nuôi từ 3-4 lứa, mỗi lứa khoảng 19-20 con heo, thu thêm lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.

Với mô hình trồng lúa kết hợp chăn nuôi heo, nhiều năm nay, chị Néang Kim Eng luôn đạt danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp. Chị là một trong số ít nữ nông dân người DTTS Khmer được Chủ tịch UBND tỉnh An Giang tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi” giai đoạn 2016-2020.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Lăng Nguyễn Thị Mỹ Hạnh cho biết, không chỉ nỗ lực lao động, sản xuất, vươn lên làm giàu cho chính gia đình mình, bà con DTTS Khmer trong xã còn đoàn kết, giúp đỡ nhau trong sản xuất, cải thiện thu nhập đáng kể. “Phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi và hỗ trợ giúp nhau giảm nghèo ở xã Châu Lăng đã thay đổi diện mạo đời sống ở nông thôn, khơi gợi trong mỗi gia đình hội viên ý chí vươn lên làm giàu, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương” - bà Hạnh nhấn mạnh.

Đến nay, xã Châu Lăng có 356 hội viên là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có 296 hội viên là người DTTS Khmer. Đặc biệt, có những nông dân Khmer đạt doanh thu từ 200-900 triệu đồng/năm, như: ông Chau Cheng (ấp Tà On), Chau Sắk (ấp Phnôm Pi), Chau Sônl (ấp An Hòa), Chau Chanh (ấp Bằng Rò)…

NGÔ CHUẨN