Thay đổi tư duy thích ứng dịch bệnh lâu dài

02/11/2021 - 04:30

 - Tư duy mới là xem dịch COVID-19 như một phần của cuộc sống; không kỳ thị, phân biệt đối xử với F0, F1. Thay vì cố gắng “Zero COVID” (không COVID) thì chuyển qua tư duy sống “không sợ COVID”.

Tỉnh đoàn hỗ trợ quà cho người cách ly tại nhà có hoàn cảnh khó khăn

Giảm gánh nặng tâm lý cho người dân

Là một viên chức nhà nước, chị L. (khóm Bình Thới 1, phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) luôn tự ý thức phòng dịch. Khoảng đầu tháng 10-2021, cảm thấy trong người không khỏe, có triệu chứng nóng, sốt, chị L. mua 3 bộ kit test nhanh SARS-CoV-2 về tự kiểm tra cho cả nhà. Kết quả thật bất ngờ khi bản thân chị L. dương tính với SARS-CoV-2, còn chồng và con âm tính. “Tôi cũng không biết nguồn lây từ đâu. Khi báo cho y tế địa phương, họ đến xét nghiệm tầm soát, truy vết thì phát hiện thêm một số trường hợp dương tính. Các trường hợp F0 đều không có triệu chứng, được đưa đi điều trị tại khu cách ly Trường Cao đẳng Nghề An Giang. Các trường hợp tiếp xúc gần (F1) cũng được đưa đi cách ly tập trung nhưng sau đó không ai dương tính” - chị L. kể.

Điều trị khỏi bệnh trở về nhà, chị L. cho rằng, COVID-19 không có gì đáng sợ, chỉ cần giữ gìn sức khỏe, ăn uống đủ chất, thường xuyên uống nước cam, nước chanh tươi thì bệnh sẽ khỏi nhanh. “Nhiều người không hiểu, cứ nghe F0 là sợ hãi, lo lắng. Bản thân tôi đã tiêm đủ 2 liều vaccine nên khi bị nhiễm COVID-19 thì khỏi bệnh nhanh hơn. Những F0 khỏi bệnh là cơ thể họ đã có miễn dịch, chính những người chưa tiêm vaccine và chưa từng nhiễm bệnh mới có nguy cơ nhiều hơn” - chị L. phân tích.

Dù rất bình tĩnh ứng phó, không lo sợ trước COVID-19 nhưng điều làm chị L. cảm thấy áy náy là “liên lụy” những người đã tiếp xúc gần với mình. “Quá trình điều tra dịch tễ, mình phải khai báo trung thực những trường hợp tiếp xúc gần trong vòng 14 ngày để lực lượng chức năng dễ truy vết. Tuy nhiên, ai thành F1 cũng phải cách ly tập trung, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của họ, làm mình rất ái ngại. Nếu như ngành chức năng mạnh dạn cho F0 triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng được điều trị tại nhà, F1 được cách ly tại nhà thì người nhiễm bệnh cũng đỡ áy náy và lo lắng hơn” - chị L. kiến nghị.

Chuyên gia Lê Ngọc Sơn (Chủ tịch mạng lưới chuyên gia từ Cộng hòa liên bang Đức về xử lý khủng hoảng, Berlin Crisis Solutions - BCS) cho biết, việc quản lý F1, F0 ở nhà là mô hình khá thành công ở Đức và một số quốc gia. Nếu F0 không nặng thì không phải đến bệnh viện, ưu tiên các giường bệnh cho những bệnh nhân nặng, để không làm quá tải hệ thống y tế. Cách làm của Đức là có đội ngũ bác sĩ thường xuyên gọi điện thoại có hình ảnh để tư vấn cho bệnh nhân, đồng thời cũng là cách kiểm tra, giám sát. Cách làm này vừa giảm tải cho hệ thống y tế, giảm tải hệ thống hành chính ở các khu cách ly, đồng thời tạo tâm lý thoải mái, an tâm cho người dân.

Cần sự ổn định lâu dài

Theo chuyên gia Lê Ngọc Sơn, có thể chia việc chống dịch COVID-19 ra làm 3 giai đoạn: tiền vaccine, tiêm vaccine và hậu vaccine. Trong đó, Việt Nam đang bước vào giai đoạn 2, đẩy mạnh tiêm chủng vaccine toàn dân, thiết lập các điều kiện cần thiết để chấp nhận và thích nghi với trạng thái bình thường mới, chấp nhận sự tồn tại của virus SARS-CoV-2 để thích ứng lâu dài. Trong đó, vaccine vẫn là phương án hữu hiệu, quan trọng nhất. Để hình thành tư duy thích ứng với trạng thái bình thường mới, phải chấp nhận từ bỏ tư duy cũ, đồng thời coi việc đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách… là hành động văn minh trong lối sống mới.

Chuyên gia Lê Ngọc Sơn cho rằng, dịch COVID-19 là một thực tế không ai mong muốn nhưng phải đối mặt và vượt qua. Thay vì chạy theo dịch, chúng ta cần chủ động phòng, chống dịch bằng cách chủ động về vaccine, đẩy mạnh tuyên truyền để cộng đồng thay đổi những thói quen, nâng cao ý thức phòng dịch; thực hiện ổn định các chính sách về phục hồi kinh tế, các loại hình kinh doanh, thông suốt hệ thống giao thông. Việc quản lý dịch bệnh phải dựa trên thông tin khoa học, chứng cứ khoa học, làm thế nào để hạn chế được sự lây lan, nhưng vẫn đảm bảo phát triển kinh tế, hài hòa trong các mục tiêu, để đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng do COVID-19 gây ra.

Theo các chuyên gia, với tiến độ phủ vaccine khá nhanh, An Giang cũng như vùng ĐBSCL có điều kiện để sống thích ứng lâu dài với dịch bệnh, như: TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An đang làm. PGS Đỗ Văn Dũng (Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, sự bao phủ vaccine làm thay đổi tư duy về chống dịch. Nếu không có vaccine, tính trung bình, cứ 100 người nhiễm, thì 5 người nặng nằm ICU và 2 người tử vong. Khi có vaccine, tỷ lệ bệnh nặng và tử vong giảm rất nhiều. Do vậy, khi xuất hiện ổ dịch, ca nhiễm mới, cứ bình tĩnh ứng phó theo hướng “khoanh vùng nhỏ nhất”, chứ không nên can thiệp sâu bằng các biện pháp hành chính cứng nhắc trên diện rộng, gây gián đoạn sản xuất - kinh doanh, làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, lưu thông hàng hóa, tác động tiêu cực đến doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, đời sống người dân.

NGÔ CHUẨN