Thoại Sơn củng cố, nâng chất hội viên nông dân

03/08/2022 - 07:07

 - Các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) có nhiều giải pháp thiết thực để củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hội viên. Nhờ đó, tổ chức hội không ngừng lớn mạnh, xứng đáng là điểm tựa tin cậy của hội viên, nông dân.

Thực hiện Kế hoạch 83-KH/HU, ngày 31/5/2022 của Ban Thường vụ Huyện ủy Thoại Sơn về nâng cao chất lượng đoàn viên, hội viên giai đoạn 2022-2025, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện xây dựng kế hoạch nâng chất hội viên nông dân năm 2022 và những năm tiếp theo để triển khai, quán triệt đến các chi, tổ hội và hội viên nông dân các xã, thị trấn. Mục tiêu cụ thể, hàng năm kết nạp được 1.000 hội viên mới trở lên; 100% cán bộ, hội viên nông dân được tuyên truyền, phổ biến, học tập về các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước. Tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt thường kỳ và các hoạt động của hội đạt 80% trở lên.

Đồng thời, có 85% hội viên nông dân trở lên được tiếp cận và tham dự các lớp tập huấn những kiến thức cần thiết, về thông tin, thị trường, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất - kinh doanh (SXKD) nông nghiệp và các vấn đề về văn hóa, xã hội...

Hội viên Hội Nông dân huyện Thoại Sơn ngày càng nâng lên về chất lượng

Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Thoại Sơn đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động thông qua các phong trào thi đua mang lại lợi ích thiết thực, tạo được sự hấp dẫn, thu hút nông dân tham gia hội. Công tác vận động, tập hợp, phát triển, quản lý và nâng cao chất lượng hội viên nông dân được chú trọng củng cố, phát triển. Hình thức tập hợp ngày càng đa dạng, phong phú, như: Chi, tổ hội nghề nghiệp, tổ liên kết sản xuất, tổ tiết kiệm và vay vốn, các loại hình câu lạc bộ nông dân…

Từ đó, chất lượng hội viên được nâng lên về nhận thức chính trị, pháp luật và trình độ SXKD. Hội viên nông dân cũng là lực lượng chính tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng hội vững mạnh, góp phần quan trọng phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội.

6 tháng đầu năm, Hội Nông dân huyện và cơ sở tập trung củng cố, rà soát, cập nhật lại danh sách hội viên thực tế (quản lý bằng phần mềm vi tính theo đề án quản lý cán bộ, hội viên) đã phát triển được 568/1.100 hội viên (đạt 51,6 %), giảm 406 hội viên. Hiện, số hội viên nông dân trong toàn huyện là 7.925 hội viên.

Nhiều hội viên đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, như: Mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường (xã Vọng Đông); mô hình sản xuất dưa lê, dưa lưới trong nhà màng (thị trấn Phú Hòa); mô hình nuôi lươn không bùn mật độ cao (xã An Bình, Vĩnh Trạch); mô hình tưới phun tự động có máy đo ẩm độ trên cây ăn trái (xã Tây Phú)…

Nhìn chung, việc ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất được Hội Nông dân huyện quan tâm và giữ vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng các mô hình tiêu biểu nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Hội Nông dân các cấp đã xây dựng kế hoạch và đăng ký thực hiện các mô hình dân vận khéo, xây dựng nông thôn mới nâng cao tại địa phương. Cụ thể là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi mô hình đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái; sản xuất lúa chất lượng cao…

Điển hình như anh Tạ Ngọc Vương (ngụ xã Vĩnh Chánh) đã mạnh dạn chuyển đổi từ 8 công đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng nhãn Ido. Hiện, vườn nhãn đã cho trái hơn 5 năm. Từ đó, đời sống gia đình anh Vương ngày càng ổn định và khấm khá hơn. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh còn giúp đỡ nhiều hội viên, nông dân phát triển mô hình trồng nhãn để có thu nhập ổn định.

“Cách đây khoảng 6 năm, tôi đến quận Ô Môn (TP. Cần Thơ), thấy ở đây có mô hình trồng nhãn Ido vừa dễ trồng, lại có năng suất cao, giá cả ổn định, đầu ra cũng dễ dàng. Nắm bắt cơ hội, tôi mạnh dạn chuyển đổi 8 công đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng nhãn Ido. Sau khoảng 15 tháng, vườn nhãn đã cho trái, mỗi năm thu hoạch bình quân từ 16-18 tấn, giá bán từ 20.000-25.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu về trên 200 triệu đồng”  - anh Tạ Ngọc Vương cho biết.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thoại Sơn Nguyễn Đình Chưởng, phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi của huyện Thoại Sơn tiếp tục phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, có sức lan tỏa lớn. Để phong trào phát huy hiệu quả sâu rộng hơn, ngoài việc tuyên truyền, vận động nông dân đổi mới sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị thì việc đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, như: Hỗ trợ về vốn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, giúp nông dân xây dựng các mô hình phát triển SXKD đang được quan tâm.

Thời gian tới Hội Nông dân huyện Thoại Sơn tập trung nâng cao chất lượng hội viên thông qua tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào “Nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.

Bên cạnh đó, phát huy hiệu quả nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp và nguồn vốn khác, các chương trình, dự án của hội. Tăng cường phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp bảo lãnh cung ứng vật tư đầu vào, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp của nông dân. Chủ động phối hợp với các ngành, doanh nghiệp và nhà khoa học hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản. Đồng thời, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ mở rộng thị trường để bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân...

PHƯƠNG LAN