Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Thoại Sơn, 6 tháng đầu năm 2021, toàn huyện có 24 HTX nông nghiệp, với 1.048 thành viên, diện tích phục vụ của HTX đạt 5.266ha. Trong đó, có 8/12 HTX, đạt 67% số HTX gắn kết với Tập đoàn Lộc Trời theo chuỗi giá trị gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương (góp vốn, nhân sự điều hành, hỗ trợ kỹ thuật). Doanh thu bình quân một HTX nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 đạt 1,74 tỷ đồng, lãi bình quân 125 triệu đồng, thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên 3,5 triệu đồng/tháng.
Về tổ hợp tác (THT) nông nghiệp, có 110 THT nông nghiệp đang hoạt động, tăng 4 THT, có 1.443 thành viên, với diện tích 14.359ha phục vụ trong và ngoài thành viên. Nhìn chung, các THT đều hoạt động tương đối tốt, mỗi tổ hoạt động 1-2 lĩnh vực, chủ yếu là sản xuất giống, dịch vụ nông nghiệp bơm tiêu chống úng, khoảng 50% THT hoạt động hiệu quả và đem lại lợi nhuận cho từng thành viên.
Hợp tác xã Tây Bình (xã Vĩnh Chánh) hướng dẫn nông dân trồng và tìm đầu ra cho rau màu
Về ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương, từ đầu năm đến nay, Thoại Sơn có 3 HTX nông nghiệp sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật (Drone), gồm: HTX nông nghiệp Sơn Hòa, Vọng Đông và Sơn Tân. Bên cạnh đó, có 2 HTX nông nghiệp đăng ký mô hình ứng dụng công nghệ cao.
Đó là HTX nông nghiệp Vĩnh Khánh đăng ký mô hình ứng dụng công nghệ tưới phun từ hệ thống năng lượng mặt trời cho rau màu gắn với liên kết tiêu thụ, HTX nông nghiệp Tây Phú đăng ký mô hình ứng dụng công nghệ phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái. Về liên kết tiêu thụ, đầu năm đến nay, có 16 HTX nông nghiệp trên địa bàn đã liên kết tiêu thụ với các công ty, doanh nghiệp, như: Công ty TNHH MTV Lương thực Thoại Sơn, Công ty Agimex Kituko, Công ty Ngọc Quang Phát, Công ty Đại Dương Xanh... với diện tích 5.937ha.
Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện Thoại Sơn, các mô hình HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện từng bước được củng cố và hoạt động hiệu quả hơn sau khi Luật HTX năm 2012 ra đời. Các HTX nông nghiệp được tổ chức lại hoạt động theo hướng mới, là cầu nối trong thực hiện các chủ trương của nhà nước về kinh tế tập thể, tạo ra giá trị vật chất (lợi nhuận) phục vụ phát triển kinh tế, cung ứng các dịch vụ sản xuất nông nghiệp cho khu vực nông thôn; tạo tính đoàn kết trong cộng đồng ở nông thôn, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập và sử dụng thời gian nhàn rỗi của người dân. Đồng thời là cầu nối trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật nhằm ứng dụng vào sản xuất, giúp các thành viên nâng cao năng lực sản xuất.
Máy bay tự động phun xịt thuốc
Định hướng phát triển HTX nông nghiệp trong thời gian tới, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thoại Sơn Lữ Thị Kim Dung cho biết, huyện tiếp tục tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho toàn bộ hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ về HTX để cùng nhau phát triển. Tổng hợp thực tiễn, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển HTX, trong đó, tập trung các vấn đề quản lý nhà nước, con người, tín dụng, đất đai, thuế, đầu tư hạ tầng, xúc tiến thương mại, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Cùng với đó, kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động hệ thống bộ máy quản lý nhà nước từ huyện đến cơ sở, đảm bảo các xã đều có cán bộ hoặc công chức, viên chức chuyên trách về HTX. Nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX, xây dựng HTX hiệu quả, điển hình, huy động các nguồn lực xã hội để phát triển HTX thông qua các nguồn lực trong và ngoài nước từ các chương trình, dự án nâng cao năng lực HTX như dự án VnSAT.
Ngoài ra, phối hợp Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho HTX nông nghiệp theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT, các tổ chức đoàn thể trong việc hỗ trợ các HTX thực hiện liên kết tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp theo Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND, ngày 22-7-2019 của UBND tỉnh An Giang.
Bài, ảnh: TRÚC PHA