Lễ khánh thành cầu Kênh 3600
Phóng viên (P.V): Thoại Sơn vinh dự trở thành huyện NTM từ năm 2018, được Hội kỷ lục Việt Nam trao Bằng xác lập kỷ lục “Huyện đầu tiên trong cả nước đạt 3 danh hiệu: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới và huyện NTM; đến nay đang trên hành trình xây dựng huyện NTM nâng cao, ông có thể chia sẻ về quá trình tạo nên sự thay đổi và phát triển như hôm nay?
Ông Dương Ngọc Lắm: Đây là chủ trương lớn của Đảng, nhà nước nhằm xây dựng nông thôn ngày càng đổi mới và phát triển có định hướng, lộ trình để nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn phù hợp với sự phát triển đô thị hóa nông thôn. Chính vì vậy, thời gian qua huyện đã khẩn trương triển khai các nội dung theo Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện đến toàn thể hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư để tạo tính lan tỏa, sự đoàn kết tạo nên sức mạnh chung.
Sự phát triển kinh tế - xã hội của nông thôn diễn ra nhanh chóng, theo định hướng quy hoạch, có trọng tâm, trọng điểm, hạn chế tình trạng sản xuất tự phát cục bộ, áp dụng triệt để khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích cực. Đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao vai trò quản trị và hoạt động của hợp tác xã và tổ liên kết. Cơ cấu kinh tế chuyển biến theo hướng giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm.
Cơ sở vật chất về điện, đường, trường, trạm, nước… được khai thác có hiệu quả và phục vụ người dân tốt hơn. Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn lồng ghép, trong đó huy động sự đóng góp của doanh nghiệp, nhà hảo tâm và người dân. Các công trình đầu tư cho NTM luôn đem lại hiệu quả cao, không gây lãng phí và đảm bảo cân đối vốn xây dựng cơ bản, không để nợ. Đó còn là chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục - thể thao và môi trường ngày càng cải thiện và nâng chất. Các hoạt động văn hóa - văn nghệ, bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn và phát huy, môi trường sinh thái được bảo vệ. Các chính sách đền ơn đáp nghĩa và thực hiện an sinh xã hội luôn được quan tâm, thực hiện ngày càng hiệu quả, nhất là giải quyết tốt việc làm cho lao động nông thôn.
P.V: Từ thực tế, Huyện ủy, UBND huyện đã tự đánh giá và rút ra những bài học kinh nghiệm nào về kết quả đạt được, cũng như những mặt hạn chế trong quá trình xây dựng NTM nâng cao tại địa phương?
Ông Dương Ngọc Lắm: Qua thực hiện chương trình, nông dân đã thật sự trở thành chủ thể trong xây dựng NTM, được thụ hưởng những thành quả của sự đổi mới. Nhiều mô hình, cách làm ăn mới được hình thành và phát triển. Các phong trào khuyến học - khuyến tài, chăm lo xây dựng trường lớp được sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Đời sống văn hóa nông thôn khởi sắc, thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng hơn 4,2 lần so 10 năm trước đây. Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn trong huyện hiện còn khoảng 1,3 lần.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng NTM địa phương cũng gặp không ít khó khăn. Đó là tiến độ xây dựng NTM thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn phân bổ còn hạn chế, trong khi nhiều xã có rất nhiều chỉ tiêu cần vốn hỗ trợ của nhà nước. Một số chỉ tiêu tuy đạt nhưng tỷ lệ chưa cao hoặc thiếu bền vững, như: Bảo hiểm y tế, cảnh quan môi trường và thu nhập. Chuyển dịch cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp chưa thật sự đột phát. Việc liên kết trong sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân đã được hình thành, bước đầu đem lại kết quả nhất định.
Tỷ trọng nông nghiệp chiếm phần lớn trong cơ cấu kinh tế, chủ yếu vẫn còn ở quy mô vừa và nhỏ, giá trị sản xuất và hiệu quả kinh tế chưa cao, thiếu ổn định. Các lĩnh vực thế mạnh của huyện chưa được đầu tư đúng mức nên chưa khai thác hết tiềm năng kinh tế, nguồn thu còn nhiều khó khăn chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển ở địa phương. Giá cả các mặt hàng nông, thủy sản thiếu ổn định, thị trường đầu ra đôi lúc gặp khó khăn, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây khó khăn cho quá trình chuyển dịch cơ cấu nội ngành.
P.V: Thoại Sơn sẽ trở thành huyện NTM nâng cao vào khoảng thời gian nào, địa phương có những kế hoạch cụ thể ra sao, thưa ông?
Ông Dương Ngọc Lắm: Hiện nay, Thoại Sơn đang xây dựng đề án huyện NTM nâng cao dựa trên bộ tiêu chí của Trung ương, gồm: 9 tiêu chí, 39 chỉ tiêu. Qua đánh giá, huyện đạt 5/9 tiêu chí, 30/39 chỉ tiêu. Mục tiêu của huyện phấn đấu đến năm 2023 đạt chuẩn huyện NTM nâng cao. Cụ thể, năm 2022, duy trì nâng chất 14/14 xã NTM nâng cao và có 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu là xã Định Thành và đạt thêm 8 chỉ tiêu huyện NTM nâng cao. Năm 2023, duy trì nâng chất các xã NTM nâng cao, 1 xã NTM kiểu mẫu, xây dựng đạt thêm 1 xã NTM kiểu mẫu là xã Vĩnh Trạch và đạt thêm 1 tiêu chí (4 chỉ tiêu) huyện NTM nâng cao. Sau đó, hoàn chỉnh hồ sơ trình Văn phòng điều phối Trung ương thẩm định để được công nhận huyện NTM nâng cao.
Huyện sẽ phấn đấu có trên 95% người dân tham gia bảo hiểm y tế, 100% tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 90% số hộ sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn quốc gia. Có 99,7% số hộ dân sử dụng điện an toàn. Có 100% cơ sở sản xuất - kinh doanh thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường, có trên 80% chất thải rắn được thu gom, xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn. Cơ cấu ngành chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành thương mại dịch vụ, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 là 85 triệu đồng/người/năm, giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất đến năm 2025 đạt 230 triệu đồng/ha. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), mỗi năm phấn đấu có từ 3 - 5 sản phẩm được xếp hạng 3 sao cấp huyện và tỉnh trở lên.
Cùng với đó là phấn đấu có 90% trường học đạt chuẩn quốc gia, trong đó 14/14 xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao có ít nhất 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, có 1 trường THPT đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; củng cố vững chắc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, THCS mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 2. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 70%, tỷ lệ hộ gia đình văn hóa đạt 95%, hoàn thành ít nhất 95% số ấp, tổ an ninh nhân dân đạt chuẩn văn hóa…
Sau khi xây dựng thành công huyện NTM nâng cao, huyện tiếp tục thực hiện NTM kiểu mẫu ở các xã và hướng tới xây dựng NTM thông minh theo Bộ tiêu chí của Trung ương sẽ được phê duyệt để thực hiện trong giai đoạn 2026-2030.
P.V: Xin cám ơn ông. Nhân dịp Xuân Nhâm Dần 2022, kính chúc Đảng bộ và nhân dân huyện Thoại Sơn năm mới gặt hái nhiều thành quả mới, thắng lợi mới!
TRÚC PHA (Thực hiện)