Thú chơi khinh khí cầu

14/03/2024 - 19:35

 - Với người dân Việt Nam, đặc biệt là vùng chậm phát triển, khinh khí cầu là những mảng màu rực rỡ nhưng xa xôi, rất khó với tới. Chẳng người dân An Giang nào nghĩ rằng sẽ có dịp nhìn tận mắt, sờ tận tay chiếc khinh khí cầu khổng lồ, ngay tại xứ mình. Vậy mà, điều đó đã thành hiện thực, thậm chí lặp lại đến 2 lần, trong vòng 2 năm.

Lần thứ nhất, khinh khí cầu về đến huyện miền núi Tri Tôn nhân dịp Lễ 2/9/2022. Mọi người khắp nơi lũ lượt đổ nghẹt cứng mọi ngả đường, chỉ để “mục sở thị” khinh khí cầu to cỡ nào, bay ra sao. Tiếc rằng, dịp lễ thì ngắn, mà sức gió lại nhiều nên khinh khí cầu chẳng thể bay cao trong ánh mắt mong đợi của hàng ngàn người. Nhưng dẫu sao, người dân miền Tây cũng có dịp tiếp cận, chụp ảnh chung với khinh khí cầu “bảy sắc cầu vồng”, để có cái kể nhau nghe, để mở mang trải nghiệm sống.

Cuối tháng 2/2024, một lễ hội khinh khí cầu lại được tổ chức tại An Giang. Lần này ngay thành phố trung tâm Long Xuyên, càng tạo điều kiện cho người dân đô thị được ngắm nhìn, không phải đi xa. Mang tiếng là người thành phố, chứ nào giờ có ai được dịp xem khinh khí cầu gần thật gần thế này đâu!

Nào ngờ, giống như lần trước, thời tiết không ủng hộ. Ông Hoàng Quốc Tài (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Xuất nhập khẩu thương mại dịch vụ Sài Gòn Chiến Thắng) tiếc nuối: “Thời tiết tốt nhất để bay khinh khí cầu là trời không mưa, sức gió dưới 12km/giờ và nhiệt độ dưới 40oC. Theo kinh nghiệm quốc tế và trong nước, khinh khí cầu hoạt động tốt nhất trong khoảng thời gian từ 6 - 9 giờ và 17 - 20 giờ 30 phút. Đây là thời điểm gió lặng, dưới cấp 3 (khoảng 12 - 19km/giờ)”.

Ngắm hàng chục chiếc khinh khí cầu trải khắp khu đô thị rộng lớn, ông Tài tự hào kể về hành trình tiếp cận bộ môn thú vị này: “Năm 2002, tôi đi xem World Cup ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Lần đầu tiên, tôi nhìn thấy khinh khí cầu trên bầu trời Busan (Hàn Quốc). Quá háo hức, tôi quyết định bỏ ra 400USD để trải nghiệm bay. Hơn 30 phút bay ấy đã làm thay đổi mọi dự định trong tôi, để lại rất nhiều dư âm thú vị. Tôi bắt đầu tìm hiểu về thú chơi khinh khí cầu. Năm 2004, tôi đưa chúng về Việt Nam. Sau 20 năm, khinh khí cầu xuất hiện ở 26 tỉnh, thành phố trong cả nước, thông qua hàng loạt sự kiện lớn, nhỏ”.

Mang trong mình gốc gác của vùng đầu nguồn An Giang, ông Tài luôn mong mỏi bà con địa phương được trải nghiệm nhiều hơn với khinh khí cầu. Môn thể thao này xưa nay vốn chỉ dành cho giới quý tộc, thượng lưu. Kể cả ở những nước phát triển, chỉ khoảng 1% dân số tiếp cận được. Chưa kể, điều kiện thời tiết, mặt bằng, khách tham quan… chi phối, nên quá trình tổ chức sự kiện khinh khí cầu cần được chuẩn bị kỹ lưỡng, tính toán chặt chẽ. Không chỉ trau dồi kỹ năng, người chơi còn phải trang bị bản đồ so sánh gió, nhiệt độ, mua dữ liệu của khí tượng thủy văn, dự báo thời tiết 6 đài… Đây là những cơ sở thu thập diễn biến thời tiết, giúp họ chọn ngày bay phù hợp. Nhưng rủi ro thời tiết luôn tiềm ẩn, như câu chuyện của 2 lần bay tại An Giang vừa qua.

Chúng tôi nhìn thấy khao khát cháy bỏng được bay trên bầu trời của người chơi khinh khí cầu. Hễ êm gió, họ lại “bung đồ nghề” ra chơi, vừa để ghi nhận giờ bay, tích lũy nâng cấp lên mức độ cao hơn, vừa thỏa mãn nhu cầu tham quan của người dân. Theo ông Tài, thông thường công ty chỉ ký hợp đồng bay khinh khí cầu trong buổi sáng. Trên thực tế, bất cứ khi nào trời đẹp, cả đội vẫn tổ chức bay. Để sản xuất 1 chương trình, cần kinh phí khoảng 1 tỷ đồng. Trong khuôn khổ 1 - 2 ngày diễn ra sự kiện, thêm ít giờ bay, đồng nghĩa với việc thêm nhiều khoảnh khắc trải nghiệm cho mọi người.

Anh Nguyễn Quốc Trưởng (36 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) kiên nhẫn ngồi canh chừng quả bóng hơi khổng lồ căng gió để người dân tới lui chụp ảnh lưu niệm. Đam mê níu kéo anh gắn bó với khinh khí cầu cả chục năm nay. Việt Nam chưa có lớp đào tạo phi công bay khinh khí cầu, anh sang nước ngoài học, tham gia hàng loạt sự kiện để tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng. Giờ, anh tiếp tục truyền lửa đam mê đến các thế hệ kế tiếp, tham gia đào tạo kỹ thuật viên, thành lập câu lạc bộ khinh khí cầu cấp 1…

“Trên 16 tuổi có thể tham gia môn này, còn đủ sức khỏe thì còn duy trì. Muốn trở thành kỹ thuật viên khinh khí cầu cấp 1, chỉ cần học khoảng 1 tuần. Nhưng muốn làm phi công bay khinh khí cầu cấp cao hơn, cần được đào tạo bài bản, nhiều tháng. Tố chất cần thiết nhất là sự kiên nhẫn, lòng đam mê, yêu thích du lịch đó đây. Đa số chúng tôi hành nghề tự do. Khi diễn ra sự kiện thì mọi người quy tụ về. Người chơi còn được tập huấn thuần thục về phòng, chống cháy nổ, cứu hộ cứu nạn, do liên quan đến khí đốt, sự kiện diễn ra nơi công cộng, thu hút đông người tham quan” - anh chia sẻ.

Trước khi rời đi, ông Tài gửi lời nhắn nhủ đến chúng tôi: “Việt Nam mình đẹp lắm, hiếu khách và đặc biệt an toàn, vô cùng phù hợp với môn khinh khí cầu. Chúng tôi đang vận động thành lập Liên đoàn Hàng không quốc gia Việt Nam, gồm nhiều bộ, ban, ngành tham gia, để bộ môn có điều kiện phát triển mạnh hơn trong thời gian tới. Nếu người dân có nhu cầu học bay khinh khí cầu, chúng tôi rất ủng hộ, hỗ trợ tích cực”.  

GIA KHÁNH