Thu nhập ổn định từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

02/07/2021 - 03:48

 - Thực hiện chủ trương chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ, thu nhập ổn định, nông dân nhiều địa phương đã chuyển sang trồng cây sen, cây tía tô. Đây là 2 trong nhiều sản phẩm cây trồng góp phần nâng cao đời sống người nông dân.

Từ cây sen…

Một trong những yếu tố giúp nông dân mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng xoài, mít, cam, quýt, bưởi, vú sữa hoàng kim, sầu riêng, thanh long, mãng cầu, sen, tía tô… là do có đầu ra và thu nhập tốt. Quá trình chuyển đổi trong hơn 5 năm qua cho thấy, tất cả các loại cây trồng đều có thị trường tiêu thụ, cho thu nhập ngày càng cao. “Tôi chọn cây sen để chuyển đổi cơ cấu cây trồng vì sản phẩm từ cây này cho đầu ra ổn định. Sen là loại cây dễ trồng, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thân thiện môi trường. Mong ước của tôi là trồng sen kết hợp với mô hình du lịch “homestay” để nâng cao thu nhập cho gia đình, tạo điểm tham quan, du lịch cho quê hương” - anh Trương Văn Dũng (ấp An Thị, xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) chia sẻ.

Ngoài thu hoạch sản phẩm, sen còn phục vụ tham quan du lịch

Hơn 5 năm trước, có thời điểm giá lúa IR50404 rớt còn 4.100 đồng/kg, 2ha đất ruộng nhà anh Dũng sản xuất không hiệu quả. Lúc này, qua xem báo, đài, anh Dũng phát hiện nhiều nông dân ở Đồng Tháp đã chuyển sang trồng cây sen để lấy ngó, gương, hạt, lá. Ở cây sen, từ lá đến thân, rễ đều có thể bán được. Nhìn thấy hiệu quả này, anh Dũng đã sang các huyện của tỉnh Đồng Tháp tham quan, học hỏi kinh nghiệm, sau đó mua giống về triển khai trồng 2ha. Từ ngày trồng sen đến giờ, cuộc sống gia đình anh ngày càng ổn định.

“Có thời điểm, 7 gương sen bán được 130.000 đồng, đó là giá sen lụa. Các công ty ở TP. Hồ Chí Minh đặt hẳn một chi nhánh tại đây để thu mua. Trồng sen thì ngày nào cũng có thu nhập. Ngoài bán sen lụa, người trồng sen còn bán ngó, nhờ đó mà thu nhập rất tốt” - anh Dũng chia sẻ thêm.

…đến cây tía tô

Chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng các loại cây ăn trái, ăn lá cho thu nhập ổn định. Trong khi nhiều nông dân ở huyện Tri Tôn, Tịnh Biên chọn cây chuối, cây xoài, sầu riêng, cam, quýt để trồng thì nông dân huyện Chợ Mới ngoài chọn những loại cây vừa nêu, bà con còn trồng thêm cây tía tô. Qua trồng thử nghiệm trong 3 năm cho thấy, thu nhập từ loại cây ăn lá này rất ổn định.

“Tía tô thu hoạch bằng cách ngắt lá rồi cuộn tròn, đưa vào dụng cụ chứa để xuất khẩu. Kích cỡ lá đạt chuẩn có chiều ngang từ 8-13cm, giá thu mua tại ruộng 12.000 đồng/kg, lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/công/vụ” - ông Ngô Minh Tấn (xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới) chia sẻ.

Trồng tía tô, ngoài tiêu thụ trong nước, nông dân còn đưa loại cây trồng này xuất khẩu sang các nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản. Đây là loại rau thơm có mùi vị cay đặc trưng, rất tốt cho sức khỏe. Lá tía tô còn có khả năng ngăn ngừa một số bệnh nguy hiểm. Tại các nước phát triển, lá tía tô được người dân sử dụng ăn sống trong bữa ăn hàng ngày, như: gói kèm với sushi, ăn với các món nướng hay trộn làm món salad...

Trồng cây tía tô lấy lá xuất khẩu, mô hình cho thu nhập ổn định

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, từ năm 2017-2020, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 12.230ha diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái chủ lực, như: xoài, chuối, mít, sầu riêng, dâu, nhãn, bưởi, cam, quýt. Thực tế cho thấy, quá trình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái và các sản phẩm chủ lực đã giúp An Giang hình thành được các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung quy mô lớn, cụ thể: huyện Tri Tôn, Tịnh Biên có cây ăn trái; huyện Châu Phú, Chợ Mới, An Phú, TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc có rau màu; huyện Phú Tân, Châu Phú có cây lúa nếp. Những sản phẩm này đều gắn với liên kết, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản, đảm bảo chất lượng và nhu cầu thị trường, giúp sản xuất ngày càng hiệu quả, đời sống nông dân từng bước được nâng lên.

“Chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây cho giá trị kinh tế cao là chủ trương đúng. Ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục thực hiện chủ trương này theo hướng chú trọng chất lượng, hiệu quả canh tác. Ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân trên địa bàn mạnh dạn đi vào con đường làm ăn hợp tác để sản phẩm nông nghiệp làm ra có thị trường tiêu thụ ổn định, chất lượng, đảm bảo đủ đáp ứng cho các đơn hàng lớn mà khách hàng nước ngoài đặt. Có như vậy thì quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mới thành công” - ông Nguyễn Sĩ Lâm lưu ý.

Bài, ảnh: MINH HIỂN