Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Đẩy cao một bước phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh

15/02/2021 - 17:30

 - Chiều 15-2 (mùng 4 Tết), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống COVID-19.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu An Giang

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tình hình dịch bệnh tại cuộc họp. Ảnh: VGP

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: VGP

Tham dự có lãnh đạo một số bộ, 26 địa phương tại các điểm cầu truyền hình trực tuyến. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình và Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước chủ trì hội nghị tại điểm cầu An Giang.

Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, từ ngày 25-1 đến 11 giờ ngày 15-2, cả nước đã ghi nhận 642 trường hợp mắc trong nước tại  13 tỉnh, thành phố gồm: Hải Dương (465), Quảng Ninh (59), TP.Hồ Chí Minh (36), Hà Nội (32), Gia Lai (27), Bình Dương (6), Bắc Ninh (5), Điện Biên (3), Hưng Yên (3), Hòa Bình (2), Bắc Giang (2), Hải Phòng (1), Hà Giang (1). Tổng số tích lũy trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 của Việt Nam là 2.234, trong đó có 1.302 ca trong nước.

Nhìn chung tình hình dịch tại các tỉnh, thành phố đã cơ bản được kiểm soát. Ổ dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất đã được khống chế với các giải pháp phòng chống dịch quyết liệt; tính từ thời điểm ghi nhận 29 ca mắc (ngày 8-2), cao nhất trong ngày tại TP. Hồ Chí Minh, 7 ngày vừa qua thành phố chỉ ghi nhận rải rác từ 1 đến 2 ca trong ngày, riêng 2 ngày gần đây không có ca mắc.

Trong số các tỉnh, thành phố, tình hình dịch tại tỉnh Hải Dương tương đối phức tạp, có 10/12 huyện có ca nhiễm, nhưng các huyện cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh. Riêng huyện Cẩm Giàng còn phức tạp, có khả năng kéo dài do có khu công nghiệp lớn, với 60.000 công nhân, giao lưu đi lại giữa các địa phương lớn. Ngoài ra, tại huyện Cẩm Giàng có Công ty Kuroda Kagaku có 12 ca mắc và hiện hơn 400 công nhân của công ty đã cách ly tập trung.

Bộ Y tế và các địa phương đã rất chủ động, quyết liệt triển khai ngay các hoạt động phòng chống dịch. Tuy nhiên, nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn còn rất lớn đặc biệt tại các thành phố lớn, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh khi chỉ còn 1 ngày nữa là hết Tết, các cơ quan, xí nghiệp và người dân sẽ đi làm trở lại. 

Bộ Y tế cho rằng, khi phát hiện các địa phương có trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng cần thực hiện quyết liệt các biện pháp xử lý dịch nhanh hơn một mức, cao hơn một mức; khẩn trương, tăng tốc thực hiện truy vết, phát hiện, cách ly, xét nghiệm, khoanh vùng, xử lý triệt để.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, dịch COVID-19 đợt 3 diễn biến nhanh, trong thời gian ngắn, nhưng với sự chủ động của ngành y tế và các địa phương đã triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp cần thiết phòng, chống dịch. Nhờ đó, đến nay, dịch COVID-19  đã cơ bản được kiểm soát. Đặc biệt, các lực lượng phòng, chống dịch, nhất là Bộ Y tế và các địa phương đã làm việc xuyên Tết không nghỉ.

 

Để kiểm soát dứt điểm dịch bệnh, sớm ổn định đời sống và sản xuất, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nhất là 20 tỉnh trong đó có 13 tỉnh xuất hiện dịch và 7 tỉnh có khu vực biên giới tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 05 phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của địa phương mình một cách chặt chẽ kịp thời. 

Đặc biệt thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, nhất là đeo khẩu trang nơi công cộng, không tụ tập đông người; thực hiện nghiêm yêu cầu phòng, chống dịch tại các nhà máy, công sở, xí nghiệp, cơ sở sản xuất. Các nhà máy, cơ sở phải có phương án phòng, chống dịch trước khi bắt đầu sản xuất, kinh doanh trở lại. Các địa phương, ngành y tế tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm; thúc đẩy các hoạt động trực tuyến.

Thủ tướng chỉ đạo các địa phương xét nghiệm lại các chuyên gia vào Việt Nam; quản lý chặt chẽ hơn nữa các khu vực cách ly, phong tỏa; không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo. Đồng thời, giao lực lượng Quân đội đảm nhiệm quản lý tại các khu cách ly tập trung.

Hệ thống y tế bố trí nguồn lực cho việc chủ động xét nghiệm những người làm công việc có nguy cơ lây nhiễm cao, nhất là các bệnh viện. Đồng thời, yêu cầu khai báo y tế, siết chặt khai báo tại các cơ sở lưu trú; cần hoàn thiện quy trình chuẩn xử lý các ca nghi mắc. 

Ngoài ra, tăng cường áp dụng các biện pháp về công nghệ thông tin để theo dõi, phòng ngừa COVID-19. Các đơn vị công nghệ tiếp tục hoàn thiện công cụ khai báo y tế thuận lợi nhất cho người dân, các cơ quan, tổ chức dễ dàng thực hiện; xây dựng chế tài cần thiết để người dân cài đặt ứng dụng Bluezone trên cơ sở không lộ lọt thông tin cá nhân.

Thủ tướng giao Bộ Y tế nghiên cứu đề xuất các biện pháp chống dịch trong tình hình mới; xem xét quyết định cụ thể việc lựa chọn phương án, đối tác, loại vắcxin nhập khẩu, sớm đưa vắcxin về Việt Nam; thúc đẩy nhanh việc nghiên cứu, sử dụng vắcxin trong nước; phối hợp với Bộ Tài chính xem xét nguồn tài chính cần thiết. Bộ Y tế cần xác định đối tượng cần ưu tiên tiêm phòng vắcxin, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, đảm bảo đủ nguồn lực, nhu yếu phẩm phục vụ người dân; đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm, nông sản của người dân, không để ứ đọng. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, không để xảy ra tình trạng lây nhiễm qua nhập cảnh trái phép.

L.H