Phát huy hiệu quả chuỗi liên kết
Trong lĩnh vực trồng trọt, tính đến ngày 30/4, toàn tỉnh có 30 DN trong và ngoài tỉnh tham gia liên kết với khoảng 25 HTX, 2 Liên hiệp HTX và các tổ nhóm nông dân trồng lúa, nếp. Từ đầu năm đến nay, diện tích liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, nếp hơn 50.461ha. Trong đó, vụ đông xuân 2023 - 2024, có hơn 32.197ha thực hiện liên kết (đã kết thúc thu mua);
Về rau màu có 14 DN, HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ rau màu các loại với diện tích trên 1.032ha, thu mua đạt 100%. Có 13 DN, HTX và thương lái liên kết, tiêu thụ cây ăn trái các loại với diện tích 4.663ha. Trong đó, xoài liên kết với diện tích 1.713,6ha, còn lại 2.950ha liên kết trồng sầu riêng, mít, chuối, nhãn, cây có múi... Diện tích thu mua xoài đến nay hơn 829ha.
Tăng mối liên kết sản xuất – tiêu thụ giữa doanh nghiệp với nông dân
Trong lĩnh vực chăn nuôi, hiện toàn tỉnh có 8 xã thuộc 5 huyện, thành phố, gồm: TX. Tịnh Biên, huyện Thoại Sơn, Châu Phú, Tri Tôn và TP. Châu Đốc tham gia nuôi gia công heo thịt, gà thịt và vịt thịt cho Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam. Trong đó, heo thịt 10.100 con ở 3 trại, xuất chuồng 5.100 con; gà thịt 355.000 con nuôi ở 6 trại, xuất chuồng 355.000 con; vịt thịt 90.000 con nuôi ở 2 trại, xuất chuồng 90.000 con.
Với thế mạnh thủy sản, hiện tỉnh có 19 DN liên kết tiêu thụ cá tra với diện tích 778,7ha (trong đó, liên kết với 99 hộ nuôi, diện tích 293,8ha và tại các vùng nuôi DN với diện tích 484,8ha). Ngoài ra, thương lái địa phương còn liên kết lâu dài với nông dân các loại thủy sản khác, như: Lươn 21,06ha; ếch 2ha; cá lóc 3,42ha.
Tăng hỗ trợ doanh nghiệp
Trong mối liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa, nếp, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa vụ đông xuân 2023 - 2024 với diện tích 16.070ha. Hiện, tiếp tục hỗ trợ công ty triển khai kế hoạch liên kết vụ hè thu 2024 (đã triển khai 9.321ha). Đến nay, tỉnh hỗ trợ Tập đoàn Lộc Trời nâng chất/thành lập mới 37 HTX nông nghiệp và 2 Liên hiệp HTX nông nghiệp có nhân sự Tập đoàn Lộc Trời.
“Tỉnh còn hỗ trợ Công ty Cổ phần Lương thực A An (Tập đoàn Tân Long) khảo sát, trao đổi thông tin giữa công ty và các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện Thoại Sơn và Tri Tôn, để thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa theo đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Kết quả, vụ đông xuân 2023 - 2024, công ty thực hiện ký hợp đồng liên kết với HTX nông nghiệp Vọng Đông, diện tích 100ha và HTX nông nghiệp Sơn Hòa 500ha” - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Tôn Thất Thịnh cho biết.
Gần đây, trái xoài ở An Giang có chỗ đứng vững chắc ở các thị trường nước ngoài khó tính. Để đạt kết quả đó, tỉnh tăng cường hỗ trợ Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (tỉnh Long An) liên kết sản xuất xoài hạt lép theo hướng hữu cơ với HTX GAP Cù Lao Giêng (huyện Chợ Mới).
Công ty mua xoài hạt lép để xuất khẩu sang Hàn Quốc liên kết sản xuất, tiêu thụ xoài theo chuỗi giá trị với HTX. Tiếp nối kết quả đó, Chi cục Phát triển nông thôn hỗ trợ công ty liên kết sản xuất với HTX nông nghiệp Long Bình (huyện An Phú) tiêu thụ và xuất khẩu 18 tấn xoài keo sang thị trường Hàn Quốc và tiến tới chinh phục nhiều thị trường trên thế giới.
Triển khai hiệu quả liên kết sản xuất và tiêu thụ, thúc đẩy xuất khẩu
Tỉnh còn hỗ trợ ký kết hợp tác 1 chuỗi liên kết tiêu thụ giống cá tra giữa Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (tỉnh Đồng Tháp) và Chi hội nghề nuôi thủy sản Phú Thuận. Công ty ký bao tiêu sản phẩm cá tra giống của Chi hội cá tra giống Phú Thuận sản xuất với giá cao hơn 4.000 đồng/kg so giá thị trường đối với cá được tiêm vaccine ngừa bệnh thận mủ với diện tích khoảng 15ha.
Ngoài ra, trong 4 tháng đầu năm 2024, tỉnh hỗ trợ các DN liên kết có triển vọng xây dựng vùng nguyên liệu tại tỉnh, như: Công ty TNHH xuất nhập khẩu Đại Dương Xanh, Công ty TNHH TM&DV Nông Phát Đạt, Công ty TNHH Cường Hùng Tiến, HTX trái cây sinh học OCOP (TP. Cần Thơ)… liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với diện tích từ 50ha mỗi vụ/mùa.
Khó khăn cần tháo gỡ
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tôn Thất Thịnh cho biết, vụ hè thu 2024, các DN đang triển khai liên kết trồng lúa, nếp với diện tích 18.264ha. Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục hỗ trợ DN triển khai liên kết thụ hè thu 2024 theo kế hoạch đề ra. Dự kiến vụ hè thu 2024, Tập đoàn Tân Long sẽ liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa với diện tích 1.100ha.
Theo đánh giá của tỉnh, công tác chỉ đạo, điều hành phát triển, nâng chất HTX gắn với thực hiện liên kết sản xuất với DN ở một số địa phương chưa thực sự quyết liệt, đồng bộ; chưa có giải pháp, lộ trình cụ thể để hoàn thành chỉ tiêu thành lập mới HTX giai đoạn 2023 - 2025.
Quy mô sản xuất của nông dân nhỏ, rời rạc, tâm lý nông dân vẫn còn e dè, chưa mạnh dạn liên kết theo nhóm hoặc qua tổ chức đại diện để cùng sản xuất với diện tích lớn, tạo sản phẩm đồng nhất. Đồng thời, do yếu tố thị trường quyết định rất lớn đến giá cả sản phẩm, giá cả biến động vượt ngoài dự tính của DN, HTX... Công tác vận động, tuyên truyền nông dân tham gia hợp tác, liên kết gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện thỏa thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ của DN không đảm bảo, diện tích thực tế triển khai thấp hơn nhiều so diện tích đăng ký ban đầu, gây nhiều khó khăn trong công tác vận động nông dân của các cơ quan quản lý Nhà nước, đoàn thể ở địa phương. Công tác thu mua lúa, nếp, thanh toán và khấu trừ công nợ còn chậm, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nông dân, HTX.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Tôn Thất Thịnh cho biết, để triển khai hợp đồng liên kết hiệu quả và đạt kế hoạch, ngành nông nghiệp tỉnh thường xuyên nhắc nhở để công ty, DN tham gia hợp đồng liên kết cải thiện, thực hiện các nội dung, như: Giảm thời gian thanh toán tiền mua lúa cho nông dân, có chính sách chi hoa hồng cụ thể cho HTX, tuân thủ thời gian thu hoạch đúng theo biên bản chốt giá để thực hiện liên kết được tốt hơn...
CHÂU AN