Thực hiện chuỗi giá trị lúa gạo và phát triển kinh tế tập thể

08/01/2024 - 07:22

 - Đó là nội dung trọng tâm trong phát biểu tham luận của Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Nguyễn Văn Nhiên tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Qua đó, khẳng định vai trò của Hội Nông dân tỉnh trong tăng cường liên kết với doanh nghiệp (DN) thực hiện chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao, tham gia phát triển kinh tế tập thể tại địa phương.

Theo ông Nguyễn Văn Nhiên, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác - liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, gắn liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, quy trình sản xuất an toàn, hiện đại… là hướng đi tất yếu giúp nông dân bắt kịp xu thế hội nhập. Qua đó, giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh của thị trường trong nước và quốc tế, góp phần thực hiện chủ trương tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

An Giang là tỉnh có diện tích đất trồng lúa lớn nhất cả nước với 230.000ha, sản lượng 4 triệu tấn/năm; 80% là lúa chất lượng cao. Phát huy lợi thế đó, Hội Nông dân tỉnh đẩy mạnh hỗ trợ hội viên, nông dân hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

Cụ thể, các cấp hội phối hợp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho nông dân, xây dựng mô hình trình diễn để nông dân tham quan, học tập. Phối hợp DN cung ứng vật tư đầu vào chất lượng, thân thiện với môi trường cho nông dân. Tổ chức hoạt động quảng bá, giới thiệu, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản…” - ông Nguyễn Văn Nhiên thông tin.

Hội nông dân tham gia đẩy mạnh hoạt động liên kết chuỗi giá trị nông sản

Thực hiện Nghị quyết 04-NQ/HNDTW của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VII) về đẩy mạnh xây dựng chi - tổ hội nông dân nghề nghiệp, Hội Nông dân tỉnh liên kết DN vận động hội viên tham gia theo nguyên tắc “5 tự, 5 cùng”, tuân thủ quy định chung của hợp đồng đã ký kết.

Đến nay, toàn tỉnh có 168 chi hội nông dân nghề nghiệp, 1.172 tổ hội nông dân nghề nghiệp với gần 13.000 thành viên; thành lập 297 câu lạc bộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, doanh nhân nông thôn… với trên 83.000 nông dân giỏi tham gia; góp phần thành lập, duy trì và phát triển của 1.100 tổ hợp tác, 219 hợp tác xã nông nghiệp và 2 liên hiệp hợp tác xã trong toàn tỉnh

Hội nông dân các cấp phối hợp 30 DN liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa cho nông dân, diện tích 96.000ha. Điển hình là chương trình phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời vận động nông dân liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo tại các vùng nguyên liệu, tổng diện tích hơn 40.000ha. Trong đó, đã thực hiện cơ giới hóa đồng bộ trên cánh đồng mẫu lớn, xây dựng mô hình “Sản xuất lúa thân thiện với môi trường”, “Lộc Trời 123”, quy hoạch vùng nguyên liệu, xuống giống rải vụ gieo sạ quanh năm, đăng ký mã số vùng trồng…

Thông qua hoạt động liên kết với Tập đoàn Lộc Trời, hàng ngàn cán bộ kỹ thuật cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nông dân, hỗ trợ bà con thực hiện quy trình canh tác, chuyển giao kỹ thuật; cung ứng giống, phân, thuốc và dịch vụ nông nghiệp; chốt giá khi thu hoạch, bao tiêu theo hợp đồng đã ký kết; hướng dẫn nông dân thanh toán theo phương thức không dùng tiền mặt… Đây là chương trình liên kết dựa trên nguyên tắc đảm bảo lợi ích cho nông dân và DN, giúp nông dân không còn lo lắng điệp khúc “được mùa, mất giá”.

Để thực hiện hiệu quả hơn nữa việc liên kết chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao, góp phần phát triển mô hình kinh tế tập thể tại An Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn đề xuất: “Các cấp hội cần tích cực phát huy vai trò cầu nối, giúp nông dân liên kết với DN. Bản thân DN cần đi sâu, liên kết chặt chẽ hơn với tổ chức hội nông dân, vận động nông dân tham gia liên kết sản xuất tốt hơn. Khi mối liên kết này được xây dựng bền chặt, cả 2 bên đều có lợi. DN có được vùng sản xuất nguyên liệu chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu thị trường, trong khi nông dân tăng thu nhập từ mảnh ruộng của mình”.

Bên cạnh hoạt động hỗ trợ nông dân liên kết với DN, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục tuyên truyền, triển khai hiệu quả Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 46-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới...

“Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy vai trò cầu nối liên kết giữa nông dân với DN, nhà khoa học và Nhà nước. Phối hợp chặt chẽ với tổ chức, cá nhân hỗ trợ nông dân chuyển giao khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới vào sản xuất và tiêu thụ. Phát triển hình thức liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị; vận động hội viên, nông dân tích tụ ruộng đất, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất để tổ chức sản xuất quy mô lớn.

Cùng với đó, các cấp hội tích cực tham gia vào Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân trong những năm tới” - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Nguyễn Văn Nhiên xác định.

THANH TIẾN