Thực hiện đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao tại Châu Phú

21/01/2025 - 05:40

 - Năm 2024, huyện Châu Phú thí điểm 50ha thực hiện đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao tại xã Thạnh Mỹ Tây. Năm 2025, huyện Châu Phú sẽ mở rộng diện tích thực hiện trên các tiểu vùng theo kế hoạch.

Công tác tuyên truyền, học tập kinh nghiệm thực hiện đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao được quan tâm thực hiện

Những năm qua, huyện Châu Phú chú trọng thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từng bước hình thành các vùng sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của huyện. Qua kết quả thực hiện các khâu đột phá về phát triển nông nghiệp do Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, huyện Châu Phú đã hình thành được 10/14 vùng sản xuất tập trung (đạt 71,43% kế hoạch). Ngành nông nghiệp huyện áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm và hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho nông sản chủ lực gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Từ đó, góp phần đưa giá trị sản xuất bình quân trên 1ha diện tích đất canh tác nông nghiệp năm 2024 đạt 217,3 triệu đồng, tăng 32,3 triệu đồng/ha so năm 2020.

Thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030, trên cơ sở Quyết định 703/QĐ-UBND, ngày 2/5/2024 về phê duyệt kế hoạch thực hiện đề án trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, với diện tích 152.198ha, trong đó Châu Phú đăng ký thực hiện 22.983ha diện tích lúa chuyên canh chất lượng cao. Năm 2024, huyện Châu Phú đã thí điểm 50ha diện tích thực hiện đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao tại xã Thạnh Mỹ Tây. Kết quả, vụ thu đông đạt 6,6 tấn/ha; đã mở 40 lớp triển khai kế hoạch đề án và tập huấn, với hơn 1.420 người tham gia. Năm 2025, toàn huyện có 7.388,1ha đăng ký thực hiện đề án, triển khai ở 10 xã, thị trấn. Đến nay, đã chọn, thực hiện 16 mô hình liên quan, trong đó có 5 mô hình từ nguồn kinh phí của tỉnh và 11 mô hình do các xã, thị trấn chọn thí điểm nhân rộng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú Lê Quốc Phong cho biết, thời gian gần đây, yêu cầu của thị trường ngày càng cao, quy định của các nước nhập khẩu ngày càng nghiêm ngặt, đòi hỏi chất lượng hàng hóa phải được đảm bảo, trong đó có việc giảm thiểu sử dụng vật tư đầu vào có nguồn gốc hóa học và sản xuất giảm phát thải khí nhà kính. UBND huyện Châu Phú đã chỉ đạo các ngành huyện và UBND các xã, thị trấn quán triệt, triển khai nghiêm túc kế hoạch thực hiện đề án. Đồng thời, tập trung thông tin, tuyên truyền với nội dung, hình thức đa dạng, dễ tiếp cận, để người dân hiểu rõ về mục tiêu, ý nghĩa và các nhiệm vụ thực hiện đề án; tổ chức các điểm trình diễn, mở các lớp tập huấn, giúp nông dân tham quan, học tập, áp dụng vào sản xuất, mở rộng diện tích. Thực hiện tốt các chính sách khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ để nhân rộng mô hình “Cánh đồng lớn”, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất theo chuỗi liên kết; chỉ đạo các ngành chuyên môn củng cố, nâng chất và thành lập mới các tổ hợp tác, hợp tác xã để đại diện nông dân tham gia liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp trong vùng thực hiện đề án; chủ động phối hợp các ngành chuyên môn tỉnh tìm kiếm, mời gọi doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ.

Theo đó, ngành nông nghiệp huyện tăng cường phối hợp các ngành chuyên môn và UBND các xã, thị trấn hướng dẫn, hỗ trợ nông dân triển khai các giải pháp kỹ thuật ứng dụng “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”, SRP, tưới ngập khô xen kẽ, giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất, cấp mã số vùng trồng. Tăng cường thực hiện chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ mới, cơ giới hóa vào sản xuất, thực hiện các mô hình điểm, mô hình mẫu, các lớp tập huấn, hội thảo… Ngành chuyên môn sẽ tuyên truyền nông dân tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa cấp xác nhận, giống lúa chất lượng cao, lúa thơm đặc sản trong sản xuất. Triển khai thực hiện các tiêu chí: Giảm lượng lúa giống gieo sạ, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, lượng nước tưới theo quy định, yêu cầu thực hiện đề án.

Các ngành chuyên môn sẽ tăng cường kết nối với các công ty, doanh nghiệp, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, theo dõi chuỗi liên kết tiêu thụ giữa người dân với doanh nghiệp. Tuyên truyền và thực hiện các chính sách khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ để nhân rộng các mô hình liên kết, kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất theo chuỗi liên kết. Phối hợp hỗ trợ củng cố và thành lập mới các tổ hợp tác, hợp tác xã đại diện nông dân liên kết với doanh nghiệp trong vùng thực hiện đề án...

MỸ LINH