Thương hiệu Quốc gia khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt

26/11/2020 - 08:03

Không chỉ khẳng định vị thế của sản phẩm, của doanh nghiệp, hoạt động hiệu quả của Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam đã góp phần thúc đẩy sự thăng hạng mạnh mẽ, đưa Việt Nam lọt vào nhóm các nước có thương hiệu mạnh.

Đó là chia sẻ của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Lễ Công bố sản phẩm đạt danh hiệu Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2020 do Bộ Công Thương tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội tối 25-11.

Tăng sức cạnh tranh cho thương hiệu Việt

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam (THQG) là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ gắn với 3 giá trị: “Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực tiên phong” với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, Thương hiệu Quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm. Chương trình đã được Chính phủ giao Bộ Công Thương quản lý, thực hiện với mục đích xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về sản phẩm hàng hóa, đa dạng, phong phú về dịch vụ, tăng cường sức cạnh tranh cho các thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. 


Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại lễ trao giải.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, qua 17 năm, Chương trình đã góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng doanh nghiệp về vai trò quan trọng của thương hiệu trong việc gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế của doanh nghiệp trên thị trường thông qua 3 tiêu chí: Chất lượng; Đổi mới sáng tạo và Năng lực tiên phong.

Các doanh nghiệp THQG đã khẳng định vị thế hàng đầu vững chắc trong lĩnh vực hoạt động của mình, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, cả về lợi nhuận và doanh thu, giữ vững thị trường nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu dù gặp phải không ít khó khăn, thách thức trong thời gian qua, nhất là trong bối cảnh dịch Covid 19 diễn biến khó lường trên toàn thế giới

Theo số liệu báo cáo của 124 doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG kỳ này, tổng doanh thu năm 2019 của các doanh nghiệp này đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng, tổng doanh thu xuất khẩu đạt hơn 137.000 tỷ đồng, tổng nộp ngân sách nhà nước trên 200.000 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hơn 471.000 lao động. Các hoạt động xã hội của các doanh nghiệp này đạt giá trị trên 9.500 tỷ đồng và nộp bảo hiểm xã hội trên 20.000 tỷ đồng. 

“Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát ở nước ta, đa số các doanh nghiệp THQG đều triển khai các hoạt động chung tay cùng cộng đồng với số tiền và hiện vật quyên góp lên tới trên 80 tỷ đồng. Chương trình rất tự hào đã truyền cho các doanh nghiệp động lực phát triển tích cực và mục tiêu phấn đấu chân chính vì niềm tự hào đại diện cho THQG Việt Nam”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Cùng với đó, các hoạt động hỗ trợ và tuyên truyền, quảng bá cho Chương trình THQG và các sản phẩm đạt THQG được triển khai có hiệu quả góp phần tăng cường sự nhận biết của các nhà phân phối và người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam

Người đứng đầu Bộ Công Thương khẳng định, hoạt động xét chọn THQG năm 2020 được tổ chức triển khai khoa học, khách quan, nghiêm túc và tuân thủ chặt chẽ theo quy trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

Kỳ xét chọn THQG lần thứ 7 năm 2020 được triển khai với nhiều điểm mới trong chính sách cũng như quy trình xét chọn. Năm 2020 là năm đầu tiên Bộ Công Thương triển khai Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg ngày 8-10-2019 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 33/2019/TT-BCT ngày 22-11-2019 của Bộ Công Thương. Việc đổi mới trong chính sách cũng như quy trình xét chọn nghiêm ngặt của Chương trình THQG Việt Nam, kết hợp cùng với những hoạt động hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, sẽ giúp doanh nghiệp ngày càng vững mạnh, chiếm lĩnh vị trí cao trên thị trường quốc tế.


Ông Trần Quý Thanh, Chủ tịch tập đoàn Tân Hiệp Phát vinh dự đón nhận Cup vinh danh Thương hiệu Quốc gia do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao tặng.

“Sau hơn 9 tháng phát động và triển khai hoạt động xét chọn, Hội đồng THQG đã công nhận 124 doanh nghiệp với tổng số 283 sản phẩm đạt danh hiệu Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2020. Đây là những doanh nghiệp đáp ứng hệ thống các tiêu chí THQG Việt Nam và là những nghiệp tiêu biểu, đại diện cho thương hiệu Việt Nam”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn do dịch COVID-19 bùng phát, kỳ xét chọn THQG lần thứ 7 năm 2020 vẫn thu hút được sự quan tâm tham gia của hơn 1.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Điểm nhấn của Chương trình năm 2020 là số lượng doanh nghiệp và số lượng sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia tăng với tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay, tăng 27 doanh nghiệp so với năm 2018 (chỉ có 97 doanh nghiệp).

Số lượng các doanh nghiệp mới tham gia Chương trình có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia cũng tăng mạnh với 39 doanh nghiệp, chiếm 31,4% trên tổng số doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia. Bên cạnh đó, kết quả năm nay tiếp tục ghi nhận con số đáng tự hào, đó là 17 doanh nghiệp đã có 7 lần liên tiếp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia kể từ kỳ xét chọn đầu tiên năm 2008.

"Đây là minh chứng cho sức hút và tầm ảnh hưởng của Chương trình đối với doanh nghiệp trong việc xúc tiến xuất nhập khẩu sản phẩm hàng hóa và dịch vụ cũng như phát triển thị trường nội địa”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Phản ánh hiệu quả của các cơ chế, chính sách 

Tham dự và phát biểu tại Lễ Công bố, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao sự nỗ lực cùng những đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp THQG Việt Nam trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. 

Theo Phó Thủ tướng, các doanh nghiệp THQG Việt Nam không chỉ thể hiện xuất sắc ở nhiệm vụ kinh doanh, phát triển kinh tế mà nêu cao tinh thần trách nhiệm xã hội, chung tay cùng với cả nước phòng, chống đại dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả bão lụt, bảo đảm việc làm cho trên 470 nghìn lao động, bảo đảm an sinh và ổn định xã hội; thể hiện giá trị nhân văn, phát triển văn hóa doanh nghiệp, góp phần nâng cao hình ảnh quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế. 


Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao kết quả của chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam những năm qua. 

Hoạt động hiệu quả của Chương trình THQG Việt Nam đã góp phần thúc đẩy sự thăng hạng mạnh mẽ của THQG Việt Nam trong thời gian qua, đưa Việt Nam lọt vào nhóm các nước có thương hiệu mạnh. 

Theo tổ chức Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá tăng 29% từ 247 tỉ USD năm 2019 lên 319 tỷ năm 2020, đồng thời tăng thêm 9 hạng từ hạng 42 lên hạng 33 thế giới và Việt Nam được đánh giá là trường hợp thăng hạng nhanh trên thế giới.

Cùng với sự phát triển của Thương hiệu quốc gia Việt Nam, giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng gia tăng mạnh mẽ, theo xếp hạng của Forbes Việt Nam, tổng giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu cả nước đạt trên 9,3 tỉ USD.

“Sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia phản ánh sự hiệu quả của các cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước. Chính phủ cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực và quyết tâm hơn nữa trong xây dựng Chính phủ hành động, đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, làm hết sức mình để doanh nghiệp Việt Nam có thể lớn mạnh, vươn ra thế giới, cạnh tranh với doanh nghiệp trên toàn cầu”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương phối hợp có hiệu quả với các bộ, ngành khác tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp; trong đó các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia tham gia tích cực hơn nữa trong xây dựng, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam.

Lãnh đạo Chính phủ cũng lưu ý các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam cần khai thác tốt tiềm năng, tận dụng lợi thế để thúc đẩy xuất khẩu thông qua giá trị thương hiệu, kết hợp xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp với THQG Việt Nam.

“Tôi cũng đề nghị, các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam cần tiếp tục theo đuổi các tiêu chí của Chương trình là: “Chất lượng - Đổi mới, Sáng tạo - Năng lực tiên phong”, nỗ lực hơn nữa để ngày càng xứng đáng và đóng vai trò là những doanh nghiệp đi đầu, dẫn dắt, tạo hiệu ứng lan tỏa, là đại diện cho THQG, hỗ trợ hiệu quả sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam; khẳng định sự tin tưởng của người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt Nam. Các doanh nghiệp phải luôn tâm niệm và thấu hiểu: Tạo ra được thương hiệu rất khó, duy trì được thương hiệu khó gấp trăm nghìn lần”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo THU TRANG (Báo Tin tức)

 

Liên kết hữu ích