Thủy sản tăng tốc phát triển

29/11/2018 - 07:42

 - Năm 2018, ngành thủy sản đặt mục tiêu tăng 75 tỷ đồng nhưng dự ước đạt mức tăng đến 239 tỷ đồng (đạt 390% kế hoạch). Với nhận định thị trường xuất khẩu thuận lợi, giá nguyên liệu có thể tiếp tục duy trì ở mức cao, lĩnh vực thủy sản sẽ còn phát triển mạnh trong năm 2019.

Cá tra đột phá

Năm 2018 là năm mà con cá tra lập kỷ lục về giá bán, từ khi loài thủy sản được xem là “kho báu” của dòng Mekong này được triển khai nuôi đại trà. “Đây là lần đầu tiên tôi bán cá tra tại hầm được giá 38.000 đồng/kg. Doanh nghiệp cân cá xong trả tiền mặt luôn, chứ không bắt cá xong rồi “hẹn lần hẹn lựa” thanh toán tiền như trước đây. Có nơi, người dân bán cá được giá 40.000 đồng/kg. Đây là mức giá mà vài năm trước, có nằm mơ chúng tôi cũng không dám nghĩ đến” - ông Nguyễn Văn Hồng (xã Hòa Lạc, Phú Tân) phấn khởi.

Trong điều kiện giá tiêu thụ tăng, thị trường xuất khẩu mở rộng, năm nay được xem là thời kỳ bứt tốc của ngành thủy sản. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), giá trị sản xuất khu vực I (nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản) năm 2018 ước đạt 18.960 tỷ đồng, tăng 2,04% (tương đương 379 tỷ đồng) so năm 2017. Nếu như trồng trọt chỉ tăng 109 tỷ đồng (kế hoạch tăng 210 tỷ đồng), chăn nuôi thậm chí còn giảm 1,3 tỷ đồng (kế hoạch tăng 90 tỷ đồng) thì thủy sản tăng đến 293 tỷ đồng, vượt xa so kế hoạch tăng 75 tỷ đồng.

Trong mức tăng trưởng ấn tượng của thủy sản, cá tra vẫn giữ vai trò trọng yếu. Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, diện tích thủy sản thu hoạch cả năm 2018 khoảng 1.726ha, tăng gần 12,8% so cùng kỳ, trong đó cá tra 1.138ha, tăng hơn 13,6%. Nếu như diện tích thu hoạch của doanh nghiệp có xu hướng giảm (đạt khoảng 675ha, chiếm 59,31% diện tích thu hoạch cá tra, giảm 147ha so năm 2017) thì diện tích thả nuôi của hộ dân tăng tích cực. Số lồng bè thu hoạch cũng tăng khi đạt khoảng 4.310 cái (tăng 202 cái), trong đó lồng bè cá tra là 280 cái, tăng 15 cái so cùng kỳ. Nhờ diện tích thả nuôi tăng nên sản lượng thủy sản nuôi trồng thu hoạch năm 2018 đạt khoảng 444.000 tấn, tăng hơn 17% (tương đương 65.000 tấn) so năm 2017. Trong đó, sản lượng nuôi ao, hầm khoảng 387.000 tấn (tăng gần 19%), riêng cá tra 346.000 tấn (tăng 20,33%). Đối với nuôi lồng bè, sản lượng khoảng 57.000 tấn, tăng gần 3.000 tấn so cùng kỳ.

Thủy sản tăng tốc phát triển

Bộ NN&PTNT đề ra chỉ tiêu xuất khẩu cá tra đạt trên 2 tỷ USD năm 2018 và hoàn toàn khả thi. Trong đó có sự đóng góp lớn của nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu thủy sản ở An Giang.

Cơ hội sản xuất giống

Cùng với “cơn sốt” cá tra nguyên liệu thì nhu cầu tiêu thụ con giống cũng tăng theo. Tận dụng cơ hội này, An Giang đã đẩy mạnh triển khai “Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL” nhằm đáp ứng nhu cầu con giống chất lượng cao khu vực. Theo Sở NN&PTNT, diện tích sản xuất giống thủy sản cả năm 2018 đạt khoảng 1.110ha, tăng 205ha (22,65%) so năm 2017, trong đó, cá tra 918ha, tăng 200ha (28,38%). Số lượng con giống sản xuất khoảng 2,7 tỷ con (tăng 23,12%), trong đó cá tra 2,1 tỷ con (chiếm 77,78%), tăng gần 20% so cùng kỳ.

Theo dự báo, năm 2019, giá cá tra nguyên liệu sẽ tiếp tục ổn định ở mức cao nên quy mô nuôi và sản lượng thu hoạch tăng mạnh. Nhu cầu con giống theo đó cũng sẽ tăng, công tác sản xuất giống có nhiều thuận lợi. Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, tỉnh sẽ đẩy mạnh triển khai “Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL”, đồng thời nâng cấp Trung tâm Giống thủy sản An Giang thành trung tâm cấp vùng, cung ứng cho khu vực ĐBSCL. Số lượng con giống năm 2019 sẽ tăng 200 triệu con so năm 2018, diện tích nuôi thương phẩm tăng 105ha, kéo theo sản lượng tăng khoảng 30-40%, dự kiến sản lượng thu hoạch tăng khoảng 60.000 tấn. Bên cạnh cá tra, An Giang tiếp tục phát triển mạnh các loại thủy sản hiện có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và một phần xuất khẩu như: tôm càng xanh, cá điêu hồng, cá sặc rằn, ếch…

Việc triển khai “Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL”, do An Giang chủ trì, phối hợp với các tỉnh thực hiện được xem là giải pháp khắc phục những yếu kém trong sản xuất giống cá tra lâu nay như: sản xuất tự phát, chạy theo số lượng, chất lượng chưa đảm bảo... Thực hiện đề án, các chi hội sản xuất giống cá tra, hộ nuôi cá thể và doanh nghiệp sẽ có sự phối hợp chặt chẽ với các viện, trường, nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước để áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong ương tạo và sản xuất giống chất lượng, tận dụng tốt thời cơ thuận lợi của thị trường cá tra.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN