Núi Cấm. Ảnh: T.T
An Giang hiện có 15 khu, điểm du lịch, đặc biệt Khu du lịch (KDL) núi Sam (TP. Châu Đốc) và KDL cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) đã được Chính phủ xác định là khu, điểm DL cấp quốc gia theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được phê duyệt.
Là tỉnh đa dân tộc, đa tôn giáo, với 4 dân tộc cùng chung sống lâu đời, góp phần tạo ra những giá trị văn hóa phong phú, đa dạng, thể hiện qua các lễ hội văn hóa dân tộc, các làng nghề thủ công truyền thống, công trình kiến trúc văn hóa độc đáo.
Có tín ngưỡng thờ mẫu nổi tiếng khắp cả nước - Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (diễn ra vào tháng 4 (âm lịch) hàng năm) là một trong những lễ hội lớn, thu hút hàng triệu du khách đến chiêm bái, tạ lễ mỗi năm.
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam. Ảnh: T.T
Một góc dự án Khu du lịch văn hóa tâm linh Bà Chúa Xứ - cáp treo núi Sam Ảnh: THANH HÙNG
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Để cụ thể hóa nghị quyết, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1954, kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động UBND tỉnh về kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng du lịch tỉnh An Giang (giai đoạn 2016-2020), định hướng đến năm 2025. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 1 KDL văn hóa tâm linh hỗn hợp quy mô lớn; có nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn 3 - 4 sao; có các khu vui chơi, giải trí quy mô vừa; có các trung tâm mua sắm hiện đại; có hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông hiện đại; có mạng wifi được phủ sóng tại các khu, điểm du lịch trung tâm để phục vụ du khách.
Đến 2025, có thêm ít nhất 1 KDL văn hóa tâm linh hỗn hợp quy mô lớn; có nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn 5 sao; có các khu vui chơi, giải trí quy mô lớn tại các KDL trọng điểm và các thành phố lớn như: Long Xuyên, Châu Đốc.
Lễ hội đua bò Bảy Núi Ảnh: T.H
Tỉnh đã xác định việc xây dựng hạ tầng du lịch phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đảm bảo khai thác lợi thế vùng, gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đảm bảo quốc phòng- an ninh. Chú trọng áp dụng hình thức xã hội hóa đầu tư theo đối tác công - tư (PPP) trong đầu tư hạ tầng du lịch.
Việc thu hút vốn phát triển du lịch theo hướng “du lịch văn hóa tâm linh” kết hợp du lịch sinh thái nông nghiệp để khai thác tối đa các tiềm năng của tỉnh. Trong đó, chú trọng thu hút đầu tư các dự án khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, khách sạn… để “giữ chân du khách”.
Việc thu hút vốn đầu tư nhằm phát triển du lịch bền vững, có trọng tâm; chú trọng nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên cơ sở gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Hồ ông Thoại (Thoại Sơn) Ảnh: THANH HÙNG
Với những tiềm năng sẵn có, cùng sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, nỗ lực của các cấp, ngành đã góp phần thu hút khách du lịch đến An Giang. Nếu năm 2010 có 4,5 triệu lượt khách (khách quốc tế 48.000 lượt) thì đến năm 2018 có khoảng 8,5 triệu lượt khách đến An Giang. Ngành du lịch đã đóng góp rất lớn vào GRDP năm 2018 của tỉnh, với doanh thu 4.800 tỷ đồng (tăng 29,73% so năm 2017).
|
Nghị quyết số 19, ngày 19-7-2018 của HĐND tỉnh ban hành quy định chính sách hỗ trợ, đầu tư, phát triển du lịch tỉnh An Giang. Theo đó, hỗ trợ thực hiện các dự án đầu tư phát triển dịch vụ du lịch, như: được hỗ trợ từ 40 triệu đồng/phòng ngủ đến 60 triệu đồng/phòng ngủ khi xây dựng cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 3 - 5 sao; hỗ trợ tối đa 500 triệu đồng/dự án khi xây dựng nhà hàng kết hợp bán đặc sản An Giang đạt chuẩn phục vụ du lịch; hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng/dự án khi xây dựng khu mua sắm đạt chuẩn phục vụ du lịch; hỗ trợ tối đa 2 tỷ đồng/dự án đầu tư khai thác du lịch sông nước. Đối với các dự án phát triển du lịch cộng đồng, sẽ hỗ trợ từ 50 - 80 triệu đồng/dự án kinh doanh loại hình nhà có phòng cho khách du lịch thuê.
|
THU THẢO