Tiếp tục bảo vệ, thu hoạch diện tích lúa hè thu

13/07/2022 - 07:10

 - Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), vụ hè thu 2022, toàn vùng Nam Bộ xuống giống được 1,57 triệu ha lúa, giảm 20.000ha so với vụ năm trước. Trong đó, vùng ĐBSCL xuống giống gần 1,5 triệu ha, giảm 156.000ha; vùng Đông Nam Bộ xuống giống 82.000ha, giảm 3.600ha. Diện tích vụ hè thu giảm chủ yếu do chuyển đổi sang trồng cây rau màu hàng năm, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản.

Đến nay, toàn vùng ĐBSCL đã thu hoạch trên 400.000ha lúa hè thu, năng suất bình quân đạt từ 6-6,5 tấn/ha. Như vậy, còn gần 1,2 triệu ha lúa chưa thu hoạch, vụ hè thu năm nay công việc còn khá nặng nề. Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương tiếp tục quan tâm chăm sóc, kiểm soát sâu bệnh và tổ chức thu hoạch kịp thời các diện tích lúa hè thu còn lại để hạn chế rủi ro lúa đổ ngã trong mùa mưa, làm giảm năng suất và chất lượng. Phải theo dõi và kịp thời hỗ trợ, giải quyết khó khăn trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, mặc dù phải sản xuất trong tình hình khó khăn, như: Thị trường, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao… nhưng phải ghi nhận sự nỗ lực của các địa phương và bà con nông dân đã hoàn thành các chỉ tiêu về diện tích, năng suất. Giá phân bón tăng rất cao, nhưng nông dân đều vượt qua khó khăn, chăm sóc lúa phát triển tốt. “Đáng mừng nhất là cơ cấu giống, ngày càng bám sát thị trường, đặc biệt trong vụ hè thu, nhóm lúa chất lượng cao được đẩy mạnh.

Trong bối cảnh này, địa phương và nông dân đã chủ động giảm chi phí. Hiện nay, muốn cạnh tranh được ở mặt hàng lúa gạo bắt buộc phải nâng cao chất lượng và giảm chi phí, vì năng suất gần như đã tới ngưỡng. Việc giảm chi phí, nhất là chi phí phân bón đã giúp kiểm soát sâu bệnh ít hơn” - ông Lê Quốc Doanh thông tin.

Hội nghị sơ kết sản xuất vụ hè thu 2022

Đồng thời, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) sẽ phối hợp với các tỉnh để chủ động bố trí thời vụ sản xuất, diện tích gieo sạ và thời gian xuống giống vụ thu đông 2022 phù hợp theo từng tiểu vùng để tránh ảnh hưởng của lũ vào cuối vụ, triều cường và các điều kiện sản xuất bất lợi.

Cục phó Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng lưu ý, trong sản xuất vụ thu đông 2022, cần lưu ý theo dõi diễn biến của lũ, bão và tăng cường kiểm soát tình hình sản xuất lúa hè thu để có kế hoạch cụ thể cho vụ thu đông. Ngoài ra, cũng cần lưu ý chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân 2022-2023, dự kiến sản xuất lúa niên vụ 2023. Chú ý, kết thúc xuống giống lúa thu đông vào ngày 20/8, tối đa là ngày 30/8, tránh ảnh hưởng đến vụ lúa đông xuân 2022-2023. Đỉnh lũ chính vụ năm 2022 có khả năng xuất hiện vào giữa tháng 10, đỉnh lũ ở mức xấp xỉ và cao hơn báo động 1, thấp hơn trung bình nhiều năm nhưng cao hơn năm 2021.

Theo dự báo của Tổng cục Thủy lợi, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, trong vụ thu đông và vụ mùa 2022 đều nhận định không có lũ lớn, ở báo động 1 hoặc cao hơn một ít. Năm nay, dự báo lũ không cao, tuy nhiên không được chủ quan, vì vẫn còn mưa, triều cường. Các địa phương, nhất là ở những tỉnh, như: Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng… vẫn phải rà soát, gia cố lại hệ thống đê bao, bảo vệ sản xuất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, thời gian vừa qua, tỉnh tập trung chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dần từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Đồng thời, tăng cường mối liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp (DN), giảm dần diện tích nhóm lúa năng suất cao sang nhóm giá trị cao. Giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tỉnh đã đăng ký với Bộ NN&PTNT triển khai chương trình “1 phải, 5 giảm” trong 10 năm qua, thu được nhiều lợi ích: Chi phí của người nông dân giảm đi, lợi nhuận tăng lên; đảm bảo môi trường sinh thái; nâng cao chất lượng nông sản.

“Trước đây, ở An Giang, vụ thu đông tập trung phát triển sản xuất trong vùng đê bao, diện tích tăng lên. Tuy nhiên, gần đây, đã tập trung cơ chế luân phiên xả lũ, đảm bảo môi trường sinh thái, cũng như duy trì dinh dưỡng đất. Đồng thời, ở một số địa phương khó khăn, khan hiếm nước, như: Huyện Tri Tôn, Tịnh Biên và một số địa phương giáp với tỉnh Kiên Giang… chuyển đổi sang rau màu, cây ăn trái để hạn chế việc sử dụng nước” - ông Trần Anh Thư thông tin.

Thời gian qua, An Giang đảm bảo các chỉ tiêu năng suất, diện tích của Bộ NN&PTNT đưa ra, hướng đến chuyển đổi nông nghiệp bền vững. Đặc biệt, ngành hàng lúa gạo, cây ăn trái… đang hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã ở từng tiểu vùng sản xuất giúp nông dân đạt được lợi nhuận, nông nghiệp tăng trưởng.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm, trong vụ hè thu, thu đông vẫn chịu ảnh hưởng rất lớn của thời tiết, nên năng suất bị ảnh hưởng. Do vậy, trong thời gian qua, ngành nông nghiệp đã triển khai nhiều chương trình giúp nông dân áp dụng hiệu quả trong sản xuất, nhất là “1 phải, 5 giảm”, đặc biệt là tưới ướt, khô xen kẽ.

Qua đó, giúp cây lúa cứng cáp hơn, hạn chế tối đa tình trạng đổ ngã trong mùa mưa bão, đảm bảo chất lượng. Việc mời gọi DN liên kết để đảm bảo sản lượng tiêu thụ lớn, đồng loạt của cả vùng ĐBSCL trong mùa mưa bão là rất quan trọng. Đến nay, tỉnh đã mời 30 DN kinh doanh lương thực, trên 20 DN tiêu thụ rau màu, cây ăn trái để liên kết sản xuất.

“Từ nay, đến thời điểm thu hoạch, tỉnh sẽ hướng dẫn các DN đến từng địa phương để gặp nông dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã. Qua đó, thuận tiện trong vận chuyển, thu mua kịp thời trong mùa bão lũ sắp tới. Mới đây, tỉnh đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời về vùng trồng nếp ở huyện Phú Tân. Trước mắt, thí điểm 10.000ha đạt tiêu chuẩn Châu Âu, để chuẩn bị xuất khẩu. Việc đa dạng sản phẩm từ lúa gạo, hy vọng nếp của An Giang sẽ phát triển trở lại” - ông Nguyễn Sĩ Lâm cho hay.

ÁNH NGUYÊN