Tìm chỗ dựa cho nhà nông và cây trồng

19/09/2023 - 02:56

Giá thành sản phẩm đầu ra của một số loại cây trồng thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến nông dân canh tác, trong khi giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, tiêu thụ nông sản ngày càng khó khăn… vẫn là trăn trở không dứt của nông dân miền Tây.

Thu hoạch nhãn ở xã Tân Thạnh

Có dịp về xã Vĩnh Hòa, Tân Thạnh (TX. Tân Châu, tỉnh An Giang), khách phương xa như bị “ngợp” trong mùa nhãn chín. Nhãn căng tròn, đầy ắp trong mâm trước cửa nhà người dân địa phương, trĩu nặng khắp vườn. Đâu đâu cũng là nhãn, tạo thành “thương hiệu” cho khu vực biên giới này. Nhưng đằng sau đó là nỗi lo lắng thường trực của người trồng.

“Hồi xưa, một vài người trồng nhãn, bán có giá lắm. Thấy vậy, họ truyền tai nhau, nhà nào cũng trồng vài công, chờ tới mùa thu hoạch rộ hốt bạc. Bây giờ, nhãn quá nhiều, giá tuột dần, từ 70.000 đồng/kg thời hoàng kim, giờ còn 20.000 đồng nếu mua tại vườn, 30.000 đồng nếu bán lẻ. Nhãn bị dội hàng, dội chợ, tìm đầu ra khó lắm” - một nhà vườn ở xã Tân Thạnh chia sẻ.

Gia đình nông dân này có khoảng 9 công nhãn xuồng cơm vàng (9.000m2), diện tích khá lớn so với nhiều hộ khác. Mùa nhãn kéo dài gần nửa năm, ông cho cắt bán lai rai, mỗi ngày vài chục ký theo yêu cầu thương lái. Tư duy canh tác, mua bán nông sản của ông cũng như bao nhà vườn lân cận, “tới đâu hay tới đó”, “bán được bao nhiêu ăn bấy nhiêu”, chỉ chờ mong “kích cầu” từ ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương.

Ngoài câu chuyện của người trồng nhãn ở TX. Tân Châu, các kiến nghị xoay quanh công tác kiểm tra, bình ổn giá vật tư nông nghiệp; xử lý nghiêm hành vi mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng trong lĩnh vực nông nghiệp; giải pháp hỗ trợ đầu ra cho một số giống cây trồng… tiếp tục được nông dân đặt ra cho ngành chức năng trong năm 2023.

Theo UBND tỉnh, thời gian qua, tỉnh đẩy mạnh thanh, kiểm tra hoạt động sản xuất - kinh doanh vật tư nông nghiệp, mang đến chuyển biến tích cực. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, ngành chức năng kiểm tra 295 cơ sở, phát hiện và xử lý 63 đối tượng vi phạm, số tiền phạt 1,2 tỷ đồng. Việc kiểm tra quá trình niêm yết giá, trường hợp đầu cơ tăng giá… đối với cơ sở mua bán vật tư nông nghiệp được xem là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục của ngành nông nghiệp.

Tỉnh tăng cường tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân sản xuất - kinh doanh phải niêm yết giá mua, bán hàng hóa theo Khoản 1, Điều 21 Quyết định 80/2017/QĐ-UBND, ngày 14/11/2017 của UBND tỉnh; đẩy mạnh tiếp nhận, xử lý hiệu quả nguồn tin kiến nghị, phản ánh của người dân qua đường dây nóng (niêm yết tại cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp). Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp Cục Quản lý thị trường, Sở Tài chính, Công an tỉnh và các đơn vị chức năng tiến hành thanh, kiểm tra định kỳ, đột xuất khi xác định dấu hiệu vi phạm, kiên quyết xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm.

Đối với việc hỗ trợ đầu ra cho một số giống cây trồng, ngành nông nghiệp mời gọi được các doanh nghiệp (DN) ký hợp đồng liên kết tiêu thụ cây ăn trái trên địa bàn tỉnh. Nhiều diện tích cây ăn trái còn lại cũng được vựa, thương lái thu gom, cung cấp trực tiếp lại cho DN theo kiểu cam kết. Ngoài ra, còn cung cấp cho siêu thị, giúp toàn bộ sản lượng cây ăn trái thu hoạch của tỉnh được tiêu thụ hết.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh giải quyết đầu ra cho nhóm cây ăn trái trong mùa thu hoạch rộ; mời gọi DN đầu tư nhà máy chế biến để chủ động đầu ra cho sản phẩm. Điển hình như, tỉnh đang giới thiệu Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Á Long chọn vùng, xây dựng vùng nguyên liệu xoài keo 300ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP, xây dựng nhà máy chế biến rau, củ, quả tại An Giang. Đồng thời, tiếp tục rà soát, ký biên bản phối hợp với các DN về hợp tác phát triển, thu mua vùng nguyên liệu cây ăn trái, cung cấp sản phẩm cho DN.

Mặt khác, ngành nông nghiệp hỗ trợ nhà vườn quản lý sâu bệnh, ứng dụng giải pháp tiến bộ trong sản xuất để tạo ra sản phẩm có độ đồng đều, chất lượng cao, tăng thời gian bảo quản, đáp ứng điều kiện cho việc cấp mã số vùng trồng trên cây ăn trái, tạo thuận lợi cung ứng sản phẩm cho thị trường trong và ngoài nước; hỗ trợ giới thiệu sản phẩm chất lượng lên sàn giao dịch thương mại điện tử, giúp đa dạng hóa kênh tiêu thụ sản phẩm cho người dân; hỗ trợ các địa phương phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), để tiêu thụ nông sản hiệu quả hơn.

Trái cây Việt Nam có mặt ở 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, phần lớn được sản xuất tại vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, dù là vùng sản xuất, xuất khẩu trái cây chiếm diện tích, giá trị lớn nhất cả nước, nhiều loại giống cây trồng, vật tư ở ĐBSCL đầu vào còn phụ thuộc vào nhập khẩu, vùng nguyên liệu chưa tập trung, quy mô sản xuất nhỏ, manh mún; công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch chưa phát triển đồng đều; thị trường tiêu thụ thiếu ổn định và chưa đa dạng; yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao với các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe; đối mặt với tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, chưa có nhiều doanh nghiệp thực sự tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; xuất khẩu trái cây gặp nhiều khó khăn.


AN KHANG