Tìm lối mở cho cây ăn trái

13/10/2023 - 06:09

Cây ăn trái cho năng suất, sản lượng, giá trị cao hơn nhiều loại cây ngắn ngày khác. Nếu liên kết được doanh nghiệp (DN) xây dựng vùng nguyên liệu, chú trọng cấp mã số vùng trồng (code) để xuất khẩu và tiêu thụ nội địa thì sẽ mở lối cho các vườn cây ăn trái phát triển.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) An Giang, đến nay, diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 19.545ha (chiếm 91,28% tổng diện tích cây lâu năm), tăng 786ha so cùng kỳ năm 2022; tổng sản lượng cả năm 2023 ước đạt 266.057 tấn. Trong đó, chủ lực vẫn là xoài 12.633ha, chuối 987ha, nhãn 495ha, mít 1.683ha, cây có múi 1.583ha (bưởi 514ha, cam 295ha, quýt 185ha, chanh 569ha).

Trong số 12.633ha xoài, diện tích đang cho trái 10.647ha, năng suất 21,19 tấn/ha, ước sản lượng cả năm 225.645 tấn, chủ yếu là xoài keo, cát Hòa Lộc và xoài ba màu. Với 987ha chuối, có 80ha trồng mới, diện tích đang cho sản phẩm là 750ha, ước tổng sản lượng năm 2023 là 14.000 tấn. Trong 495ha nhãn, diện tích cho trái là 290ha, năng suất 8,9 tấn/ha. Đối với 1.583ha cây có múi, cam cho trái 230/295ha, quýt 140/185ha, bưởi 300/514ha, chanh 400/559ha, năng suất 13 - 20 tấn/ha.

Đối với sầu riêng, diện tích cho trái đạt 90ha trong tổng diện tích 390ha, năng suất bình quân 30 - 31 tấn/ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Thoại Sơn, Chợ Mới, Châu Thành, Tri Tôn, Phú Tân và Châu Phú. Với mít, có 750ha cho trái trong diện tích 1.683ha, năng suất 30 - 31,6 tấn/ha, sản lượng năm 2023 khoảng 22.500 tấn. Còn lại, cây ăn trái khác sản lượng ước khoảng 13.789 tấn.

9 tháng của năm 2023, ước tổng sản lượng cây ăn trái thu hoạch được 214.321 tấn, gồm: Xoài 128.882 tấn, mít 12.403 tấn, cây có múi 8.991 tấn, nhãn 1.685 tấn, chuối 8.366 tấn... Dự kiến 3 tháng cuối năm, sản lượng đạt 118.256 tấn, cao điểm thu hoạch là tháng 11 và tháng 12/2023. Trong đó, xoài 52.283 tấn, chuối 3.633 tấn, nhãn 390 tấn, cây có múi hơn 3.492 tấn (bưởi 847 tấn, cam, quýt 2.008 tấn, chanh 637 tấn), sầu riêng 25 tấn, mít 1.809 tấn.

Kết nối nâng cao giá trị trái cây

Đến nay, hầu hết diện tích chuối cấy mô có hợp đồng tiêu thụ với các DN xuất khẩu trái cây tại TP. Hồ Chí Minh. Trong 17.537ha diện tích cây ăn trái đang cho sản phẩm năm 2023, có 8 DN có kế hoạch liên kết và tiêu thụ với diện tích 2.180ha, đạt 12,43%, nhưng diện tích đã triển khai ký hợp đồng thực tế cao hơn (2.288,6ha xoài, đạt gần 105% diện tích kế hoạch).

Trong đó, Công ty TNHH Nông nghiệp Hoàng Phan 350ha, Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu 140ha (xoài Thái) tại TP. Châu Đốc, Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp 200ha (huyện Chợ Mới 100ha, huyện An Phú 100ha), Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang 500ha (xoài keo tại huyện An Phú), Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời 200ha (xoài cát Hòa Lộc vỏ dầy), Công ty TNHH TM-DV Ánh Dương Sao 31,3ha…

Chi Cục trưởng Chi cục TT&BVTV An Giang Nguyễn Văn Hiền cho biết, nhằm hướng đến tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc nông sản, đơn vị tăng cường hướng dẫn và hỗ trợ cấp mã số vùng trồng (code). Đến nay, lũy kế toàn tỉnh đã cấp 441 mã số, với tổng diện tích vùng trồng 18.599,31ha, trong đó lúa 159 mã số, diện tích 9.829,76ha; cây ăn trái 274 mã số, diện tích 8.716,76ha; rau màu 7 mã số, diện tích 51,79ha, 1 mã số cây dược liệu (cây chúc), diện tích 1ha; 23 mã số cơ sở đóng gói. Đa phần mã số được cấp là mã số vùng trồng xuất khẩu (403 mã số, diện tích 16.618,91ha), còn lại là mã số vùng trồng nội địa (38 mã số, diện tích 1.980,4ha).

Đối với cây ăn trái, Chi cục TT&BVTV tiếp tục phối hợp tốt với địa phương đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng tại những nơi chưa có; rà soát thay thế người đứng tên của các mã số vùng trồng, hướng dẫn thay đổi tên người đứng mã số trước đây khi cần thiết; tập huấn cho nhà vườn hiểu thêm về phương thức tiến hành cấp mã số vùng trồng phục vụ cho sản phẩm tiêu thụ tại các thị trường như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc...

Chi cục TT&BVTV còn tổ chức tập huấn cho nhà vườn, hợp tác xã, tổ hợp tác về phòng trừ sâu bệnh hại trên cây ăn trái, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật “4 đúng” và vệ sinh vườn, bao bì, hướng dẫn ghi chép sổ tay nhật ký canh tác tại các vùng trồng có gắn kết với DN. Đồng thời, hướng dẫn nông dân cắt cành, tạo tán, sử dụng các biện pháp kỹ thuật quản lý cây trồng mùa mưa bão nhằm hạn chế rụng trái, đổ ngã.

Ngành nông nghiệp tăng cường các biện pháp kỹ thuật đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất cây ăn trái; đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi liên kết với DN chế biến, xuất khẩu để bao tiêu sản phẩm, hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện Kế hoạch phát triển vùng sản xuất chuyên canh và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025.

HOÀNG XUÂN