Tịnh Biên phát triển hạ tầng du lịch

01/09/2021 - 05:54

 - Là địa phương có nhiều ưu thế trong phát triển du lịch (DL), như: DL tâm linh, DL sinh thái, DL cộng đồng... Huyện Tịnh Biên (tỉnh An Giang) đã và đang nỗ lực nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của mình, trong đó tập trung kêu gọi, huy động các nguồn lực xã hội, thu hút nhà đầu tư nhằm từng bước cải thiện, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển DL.

Những tiềm năng lớn

Là huyện miền núi, biên giới, Tịnh Biên được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam, thắng cảnh, núi non hùng vĩ rất thuận lợi cho việc phát triển DL. Nổi bật trong đó có: núi Cấm, núi Két, rừng tràm Trà Sư... Huyện còn có nhiều khu di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh được nhiều người biết đến, như: chùa Hòa Thạnh, hầm bí mật Văn phòng Huyện ủy, chốt thép Nhơn Hưng, miễu Bà Chúa xứ Bàu Mướp, chùa Thới Sơn... và nhiều điểm tham quan thu hút hàng nghìn du khách mỗi năm. Giai đoạn 2016 - 2020, huyện Tịnh Biên đón nhận hơn 16,7 triệu lượt du khách, trong đó có 72.480 lượt khách quốc tế. Doanh thu từ các hoạt động DL đạt 1.526 tỷ đồng.

Tịnh Biên cũng là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer sinh sống. Điều này đã tạo ra những giá trị văn hóa dân tộc phong phú, đa dạng cho địa phương, thể hiện rõ qua các lễ hội văn hóa dân tộc, làng nghề thủ công truyền thống, công trình kiến trúc văn hóa độc đáo. Ngoài ra, huyện Tịnh Biên còn có đường biên giới giáp với Vương quốc Campuchia dài gần 20km, yếu tố này tạo ra lợi thế và tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế cửa khẩu, DL thông qua Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên. Đây còn là tiền đề vững chắc để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại dịch vụ trong tương lai.

Du lịch tâm linh là loại hình du lịch đang phát triển ở huyện Tịnh Biên

Theo UBND huyện Tịnh Biên, tận dụng tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huyện tăng cường mời gọi đầu tư, phát triển các loại hình DL. Đến nay, đã mời gọi 7 dự án đầu tư với diện tích 930.565m2, vốn đầu tư 1.603 tỷ đồng. Nhiều dự án đi vào hoạt động đã tạo được dấu ấn trong sự phát triển DL địa phương. Trong đó có thể kể đến Khu DL thiên cảnh sơn núi Cấm; Khu dịch vụ hành hương núi Cấm; dự án Khu DL sinh thái và nghỉ dưỡng Trà Sư; Khu DL sinh thái Thành Đô...

Bên cạnh đó, huyện còn đầu tư, phát triển hạ tầng DL, hạ tầng giao thông để tạo thuận lợi cho du khách đến tham quan; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu hình ảnh địa phương với nhiều hình thức khác nhau; tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn chuyển đổi hành vi ứng xử văn hóa trong kinh doanh; tích cực duy trì an ninh trật tự, an toàn giao thông và an toàn thực phẩm tại các khu, điểm DL...

Phát triển hạ tầng du lịch

Dù có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng nhìn chung việc phát triển DL trên địa bàn huyện Tịnh Biên còn một số hạn chế, như: các khu, điểm DL trọng điểm bước đầu đã xây dựng thương hiệu, nhưng năng lực cạnh tranh chưa cao. Tình trạng chèo kéo du khách gây mất an ninh trật tự, vệ sinh môi trường... tại các khu, điểm DL chưa được xử lý triệt để. Sản phẩm và dịch vụ DL tuy có phát triển nhưng sự phối hợp giữa các ngành trong việc đầu tư khai thác còn chậm.

Ngoài ra, công tác xúc tiến, quảng bá chưa đi vào chiều sâu; chưa đủ nguồn lực để tham gia các đợt xúc tiến trong và ngoài nước. Đồng thời, chưa tạo được chuỗi liên kết giữa khu, điểm DL với các điểm tham quan, đặc biệt là các khu di tích lịch sử - văn hóa...

Những tồn tại, hạn chế nêu trên đã tác động không nhỏ đến sự phát triển DL trên địa bàn huyện Tịnh Biên. Để thúc đẩy phát triển ngành kinh tế mũi nhọn này, UBND huyện Tịnh Biên đã triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của UBND tỉnh An Giang về phát triển hạ tầng DL tỉnh giai đoạn 2021-2025 với nhiều giải pháp trọng tâm. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, huyện Tịnh Biên trở thành một trong những điểm DL hấp dẫn nằm trong quy hoạch tổng thể các tour, tuyến của tỉnh. Thu hút khách DL mỗi năm đạt 5 - 10%, đến năm 2025 Tịnh Biên đón trên 4 triệu lượt du khách. Kế hoạch còn đưa ra mục tiêu tăng tỷ lệ lưu trú đạt 5-10%, doanh thu đạt trên 360 tỷ đồng. Ngoài ra, phấn đấu đến 2025, trên địa bàn huyện được công nhận thêm Khu DL sinh thái rừng tràm Trà Sư cấp tỉnh và 1 điểm DL.

Để thực hiện mục tiêu trên, UBND huyện Tịnh Biên triển khai giải pháp về xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển DL; ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực hạ tầng DL; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh... Địa phương cũng quan tâm đến các giải pháp về đầu tư, phát triển hạ tầng DL. Trong đó tập trung thực hiện các nhóm giải pháp về hạ tầng giao thông; hạ tầng dịch vụ, bao gồm các cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng, khu ăn uống, khu vui chơi giải trí, nâng cấp khu, điểm DL... cùng các giải pháp về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông.

Huyện Tịnh Biên còn tiếp tục tăng cường xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu cho DL Tịnh Biên; xây dựng hình ảnh và định vị DL Tịnh Biên là điểm đến “An toàn, thân thiện, hấp dẫn”. Bên cạnh đó, huyện cũng triển khai giải pháp bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh trật tự tại khu, điểm DL. Đồng thời, tăng cường mời gọi đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng thương mại hiện đại trên địa bàn...

ĐỨC TOÀN