Tịnh Biên vươn tầm đô thị biên giới từ khâu giải quyết việc làm

05/12/2022 - 07:04

 - Theo Quyết định 3844/QĐ-UBND, ngày 27/12/2017 của UBND tỉnh, đến năm 2035, huyện Tịnh Biên (tỉnh An Giang) được quy hoạch nâng cấp thành thị xã. Đây được xem là đô thị cửa khẩu giao thương quốc tế, có vị trí trọng yếu về quốc phòng - an ninh; là trung tâm kinh tế, văn hóa, hành chính, thương mại, du lịch (DL), công nghiệp có vai trò thúc đẩy sự phát triển vùng phía Tây tỉnh An Giang; là trung tâm DL tầm quốc gia; một đô thị xanh, phát triển bền vững. Đó là hành trình dài, với từng bước đi vững chắc, trước hết là giải quyết bài toán về việc làm.

Ông Nguyễn Tấn Chức (ngụ xã Nhơn Hưng) chia sẻ, khi biết thông tin này, ông và nhiều người cao tuổi địa phương rất phấn khởi. Từng cá nhân, từng gia đình như ông nỗ lực hơn nữa trong chấp hành chủ trương, pháp luật của Đảng và nhà nước, động viên con em học tốt, thành đạt. “Tuy nhiên, trong niềm vui, có nỗi lo. Nỗi lo là lao động địa phương không có việc làm, phải đi xa mưu sinh, làm sao dốc sức phát triển kinh tế huyện nhà. Tôi đề nghị tìm công ty, doanh nghiệp về kinh doanh trên địa bàn, để người dân có công ăn việc làm ổn định” - ông Chức bày tỏ.

Cùng nỗi trăn trở ấy, ông Nguyễn Văn Lũy (ngụ xã An Phú) chia sẻ: “Như nhiều nơi khác, Tịnh Biên gặp thực trạng hàng loạt thanh niên bỏ địa phương đi làm ăn ở TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương. Khi thiếu việc làm, ảnh hưởng bởi dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, các lao động này thất nghiệp, trở về địa phương, kinh tế gia đình càng thêm khó khăn. Tôi đề nghị tạo điều kiện cho huyện Tịnh Biên có khu công nghiệp, kêu gọi đầu tư từ các công ty lớn để tạo việc làm, giúp lao động bám trụ địa phương. Có như thế mới vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa giữ vững quốc phòng - an ninh tuyến biên giới”.

Theo Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên Phạm Thành Nhơn, trên địa bàn huyện hiện có Khu công nghiệp Xuân Tô (tổng quy hoạch 150ha, đã tạo mặt bằng sạch, đầu tư hạ tầng 51ha). Đầu năm 2022, Thường trực Huyện ủy, UBND huyện gửi công văn đề nghị tỉnh xem xét, tính lại công năng của khu công nghiệp này. Tỉnh yêu cầu giữ chức năng khu công nghiệp, phục vụ kêu gọi đầu tư các ngành công nghiệp sạch, bảo vệ môi trường (như: may mặc, chế biến thực phẩm không gây ô nhiễm môi trường).

“Tin vui là gần đây, địa phương đã mời gọi được 2 nhà đầu tư đăng ký vào Khu công nghiệp Xuân Tô. Một nhà đầu tư Thái Lan dự kiến đầu tư lĩnh vực may mặc xuất khẩu, tổng vốn 300 tỷ đồng; dự kiến năm 2024 đưa vào hoạt động, cần khoảng 10.000 lao động. Địa phương tiến hành khảo sát nhu cầu đào tạo lao động ở người dân 14 xã, thị trấn, nhận phản hồi từ 5.000 lao động mong muốn được làm việc tại đây. Một nhà đầu tư khác ở TP. Hà Nội đăng ký đầu tư trên 10ha đất, tổng vốn đầu tư 400 tỷ đồng, cũng cần 10.000 lao động. Ngoài ra, địa phương đang rà soát hồ sơ, có cơ chế linh hoạt để tiếp tục triển khai Cụm công nghiệp An Nông, phục vụ ngành chế biến lương thực - thế mạnh của tỉnh, huyện. Trong nhiệm vụ, quyền hạn cho phép, huyện Tịnh Biên phối hợp tỉnh sớm đưa các dự án đầu tư vào vận hành”- ông Phạm Thành Nhơn chia sẻ.

Trong chuyến tiếp xúc cử tri tại xã An Phú cuối tháng 11 vừa qua, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân, đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang nhận định, Tịnh Biên là huyện khó khăn của tỉnh. Dù đã có nhiều khởi sắc, nhưng nhìn chung vẫn là huyện miền núi, biên giới, dân tộc, vùng căn cứ cách mạng, gặp không ít khó khăn. Địa phương chuẩn bị lộ trình lên thị xã là điều đáng mừng. Quan trọng là khi đô thị hóa vùng nông thôn, tức là nâng chất lượng cuộc sống, nâng trình độ văn minh của nhân dân, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn. Địa phương phải chuẩn bị sẵn tâm thế tiếp cận được điều kiện của đô thị, không nên để nợ quá nhiều tiêu chí, hoặc nâng lên một cách khiên cưỡng. Tất cả phải giúp phát triển Tịnh Biên đúng nghĩa là một đô thị biên giới.

“An Giang nói chung, huyện Tịnh Biên nói riêng vẫn còn gặp bài toán khó: Làm thế nào để sản xuất nông nghiệp có giá trị, thu nhập nông dân cao hơn, đỡ bấp bênh hơn; người dân được làm việc tại chỗ, vừa phát triển kinh tế, vừa chăm lo gia đình. Điều này, không chỉ một ngày, một bữa có thể thay đổi được. Địa phương từ tỉnh đến cơ sở đã có nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cụ thể. Cùng với đó, người dân huyện Tịnh Biên luôn anh hùng trong suốt thời chiến, nay đến thời bình không lý nào không vươn lên phát triển quê hương. Do đó, cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân huyện nhà cần suy nghĩ thêm về trách nhiệm, nghị lực, ý chí của mình” - bà Võ Thị Ánh Xuân gợi mở.

Chia sẻ thêm với Đảng bộ, chính quyền và người dân huyện Tịnh Biên, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân đề nghị địa phương soát xét lại hệ thống chính trị, MTTQ, đoàn thể, đội ngũ cán bộ ở từng mặt mạnh, mặt yếu; chú trọng nâng cao năng lực, nâng tầm lãnh đạo, nâng sức chiến đấu trong tình hình mới. Khi được thụ hưởng các nguồn lực của Trung ương, địa phương cần tranh thủ tận dụng cơ hội đầu tư, phát triển một cách bài bản, vững chắc. Đặc biệt, quá trình phát triển kinh tế, cần chú trọng nâng cao chất lượng cuộc sống thật sự cho người dân, nhất là vùng căn cứ cách mạng, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, song hành với bảo vệ an ninh biên giới. 

Tại kỳ họp thứ 7 (chuyên đề) ngày 20/5/2022, HĐND tỉnh (khóa X) thông qua Nghị quyết tán thành chủ trương thành lập TX. Tịnh Biên thuộc tỉnh An Giang; thành lập các phường thuộc TX. Tịnh Biên. 7 đơn vị hành chính sẽ nâng cấp lên phường: Thị trấn Tịnh Biên, thị trấn Chi Lăng, thị trấn Nhà Bàng, xã An Phú, Thới Sơn, Nhơn Hưng, Núi Voi.

 

GIA KHÁNH