Trao vốn khởi nghiệp cho vợ chồng anh Sĩ
Theo anh Sĩ, làm cối đá là nghề truyền thống của thị trấn Núi Sập. Sau nhiều năm bôn ba xứ người, anh chọn đây là mô hình khởi nghiệp để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, sản phẩm anh Sĩ làm ra không tốn nhiều thời gian như trước. Với số vốn ít ỏi ban đầu (3,5 triệu đồng), anh trang bị 2 máy mài, cắt đá.
Sau gần 1 năm chào hàng, những sản phẩm đầu tiên bán được tiếp thêm động lực cho thanh niên này. Đã có lúc gặp nhiều khó khăn, thử thách, nhưng anh Sĩ không từ bỏ, kiên trì với con đường khởi nghiệp. Anh Sĩ cho biết, trước đây cha anh cũng làm nghề cối đá, nhưng theo phương pháp thủ công, dùng tay đục đẽo rất tốn sức, lại mất nhiều thời gian. Một ngày, ông làm ra khoảng 1-2 cái cối. Nếu không thật sự yêu nghề thì khó mà bám trụ.
Hơn 1 năm sau, anh Sĩ nhanh chóng mở rộng quy mô sản xuất cối đá, nâng số vốn lên hơn 60 triệu đồng, cất nhà mới khang trang. “Tôi sắm thêm 12 cái máy phục vụ tất cả công đoạn làm cối đá. Nhờ vậy, tôi không còn mất quá nhiều thời gian tạo ra sản phẩm như xưa. Sản phẩm được giao cho vựa tạp hóa ở thị trấn Núi Sập, giá từ 150.000-160.000 đồng/cái. Nhiều nhất vẫn là giao hàng cho huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, TP. Châu Đốc. Ngoài ra, tôi còn bỏ mối cối đá ở tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp, TP. Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh…” - anh Sĩ chia sẻ.
Đợt dịch bệnh COVID-19 vừa rồi, công việc của anh Sĩ hơi chựng lại, nhưng giờ đã ổn định. “Với thu nhập trung bình hơn 15 triệu đồng/tháng từ nghề làm cối đá, gia đình tôi có thể sống “khỏe”. Không muốn dừng lại ở đó, tôi và vợ quyết định khởi nghiệp trồng ổi Đài Loan và trồng cỏ nuôi dê.
Nghĩ là làm, trước khi bắt tay vào dự án mới, tôi tìm hiểu, học kinh nghiệm nhiều người nuôi dê thành công ở địa phương, đến những huyện lân cận, thậm chí là ngoài tỉnh. Rất may mắn, mọi người nhiệt tình chia sẻ “bí quyết” nuôi dê thành công cho tôi. Mỗi ngày học hỏi, ghi chép thêm một điều hay, đến khi thật sự tự tin, tôi mới bắt tay vào thực hiện” - anh Sĩ tâm sự.
Khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của anh Sĩ, Huyện đoàn Thoại Sơn giới thiệu, hỗ trợ lập hồ sơ vay vốn từ Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp tỉnh. Được hỗ trợ 50 triệu đồng, anh Sĩ dành 35 triệu đồng mua 10 con dê nái và 1 con dê đực, còn lại dùng làm chuồng vững chắc.
Chọn cỏ voi xanh Đài Loan để trồng, chị Nguyễn Thị Diệu (sinh năm 1987, vợ anh Sĩ) bộc bạch: “Đợi tháng sau, cỏ phát triển xanh tốt, vợ chồng tôi sẽ bắt dê về chuồng. Tôi luôn tin tưởng và ủng hộ chồng trong mọi việc. Cũng như khi khởi nghiệp từ cối đá, nhiều người cho rằng vợ chồng tôi chỉ tốn công vô ích, vì nghề đã dần mai một. Nhưng chúng tôi không bỏ cuộc. Từ chiếc cối đá xưa được làm hoàn toàn bằng thủ công, vợ chồng tôi cố gắng nâng tầm lên nhờ thiết bị máy móc hỗ trợ”.
Anh Sĩ cho biết, mô hình trồng cỏ nuôi dê đòi hỏi nguồn thức ăn dồi dào. Hiện, anh đang trồng 300m2 cỏ. “Dê tơ nuôi khoảng 3 tháng có thể phối giống, 5 tháng sau bắt đầu sinh sản. Dê tơ từ lúc được sinh, nuôi thêm 3-4 tháng là có thể xuất bán, trọng lượng 15kg/con. Dê mẹ đẻ lứa đầu được 1 con, từ lứa thứ 2 có thể đẻ được 2 con. Nếu chịu khó nuôi, lấy công làm lời, khi xuất bán, 1 con dê tơ có giá khoảng 4-5 triệu đồng. Dê để nuôi càng lâu, giá bán càng cao. Qua tính toán, số lượng 10 dê mẹ, tôi sẽ thu hồi vốn trong năm đầu” - anh Sĩ tự tinh.
Còn ổi Đài Loan, vợ chồng anh Sĩ đang trồng 300 gốc, khoảng 6 tháng sau thu hoạch trái chiến. Trước khi trồng với diện tích lớn, anh Sĩ trồng thử nghiệm 50 gốc ổi, hiện đang cho trái rất sai. Với giá bán 10.000 đồng/kg, mỗi tháng vợ chồng anh kiếm được vài triệu đồng. “Nếu 300 gốc ổi đồng loạt thu hoạch thì mỗi tuần, tôi bán được khoảng 1 tấn ổi, thu lại 4-5 triệu đồng, đáp ứng “lấy ngắn nuôi dài”. Đó là lý do tôi bắt tay trồng ổi song song với việc nuôi dê” - anh Sĩ nói chắc nịch.
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh An Giang Trương Thanh Thúy cho biết: “Từ nguồn Quỹ Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp, chúng tôi trợ lực 50 triệu đồng cho vợ chồng anh Sĩ khởi nghiệp, lãi suất 0,55%/tháng, giải ngân trong 24 tháng. Qua đánh giá thực tế, tôi nhận thấy mô hình khởi nghiệp của anh Sĩ rất triển vọng. Không chỉ chịu khó học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, vợ chồng anh còn siêng năng, sáng tạo. Tôi tin trong thời gian không xa, cả hai sẽ thực hiện được ước mơ của mình!”.
PHƯƠNG LAN