Ông Lê Quốc Minh trình bày sự việc
Phản ánh đến Báo An Giang, ông Lê Quốc Minh, sinh năm 1978, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Hưng Minh, TP. Long Xuyên (đại diện bà Lê Thị Liễu, mẹ ông) cho biết, bà Châu Thị Thúy Nga và một số người theo dõi, làm nhục mẹ ông nhiều lần trước đám đông; đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần; gây mất trật tự công cộng tại Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể dục - thể thao tỉnh (nơi bà Liễu công tác). Có lần trời vừa tối, nhóm người này tạt chất bẩn vào nhà bà Liễu. Gia đình báo sự việc đến Công an phường Mỹ Bình, nhưng vẫn chưa tìm ra đối tượng.
“Từ năm 2018, công ty của tôi (xây dựng nhà, sản xuất dụng cụ thể dục - thể thao...) ngừng hoạt động, không còn khả năng thanh toán nợ theo bản án đã tuyên. Gia đình tôi yêu cầu trả 5 triệu đồng/tháng cho đến hết nợ, nhưng phía bà Nga không đồng ý, làm những điều pháp luật nghiêm cấm. Chúng tôi yêu cầu làm rõ động cơ, mục đích, truy cứu trách nhiệm của bà Nga và đồng bọn; chấm dứt hành vi vi phạm; buộc bà Nga trả 100 triệu đồng cho gia đình tôi theo biên nhận ngày 4/5/2023” - ông Lê Quốc Minh cho biết thêm.
Trả lời sự việc, bà Châu Thị Thúy Nga (ngụ phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) cho biết, cửa hàng vật liệu xây dựng Gia Khang II của gia đình bà mua bán hàng cho Công ty Hưng Minh từ năm 2014 - 2017. Sau giao dịch đã trả tiền nhiều lần, tất cả đều được ghi chép. Đến ngày 30/5/2017, họ xác nhận tổng nợ trên 757 triệu đồng, đưa ra phương án trả, nhưng không thực hiện nên gia đình bà khởi kiện đến tòa án. Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm 11/2022/KDTM-ST, ngày 29/7/2022 của Tòa án nhân dân (TAND) TP. Long Xuyên, buộc Công ty Hưng Minh trả cho gia đình bà trên 612 triệu đồng; đình chỉ một số yêu cầu khác.
“Đến ngày 6/3/2023, Bản án 04/2023/KDTM-PT về việc “Tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản"; "Hợp đồng vay tài sản” của TAND tỉnh quyết định: Không chấp nhận yêu cầu của Công ty Hưng Minh; buộc họ trả cho tôi trên 612 triệu đồng (nợ gốc và lãi suất) kể từ ngày tuyên án (đến nay đã hơn 4 tháng). Sau ngày bản án có hiệu lực pháp luật, gia đình tôi điện thoại đòi nợ. Bà Liễu hứa trả dần, sau nói gia đình gặp khó khăn, sẽ cùng con trả 5 triệu đồng, rồi 10 triệu đồng/tháng. Tôi không đồng ý, tiếp tục điện thoại đòi nợ. Lúc đầu bà Liễu nghe vài lần, sau đó chặn máy. Gia đình tôi khẳng định, không có việc ném chất bẩn vào nhà bà Liễu; yêu cầu phía Công ty Hưng Minh trả dứt nợ theo bản án cùng số tiền lãi chậm trả. Ngày 4/5/2023, tôi và bà Liễu thỏa thuận nhận 100 triệu đồng, cam kết không đến cơ quan bà làm khó. Bà Liễu thiếu nợ, đòi nhiều lần không trả, buộc chúng tôi phải đi tìm gặp, có lớn tiếng đòi nợ, chứ không gây mất trật tự công cộng. Vừa qua, Công an phường Mỹ Bình ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 400.000 đồng đối với gia đình tôi, do gây mất trật tự công cộng ở cơ quan. Thấy xử phạt như vậy không thỏa đáng, chúng tôi làm đơn yêu cầu rút lại quyết định này”.
Tìm hiểu sự việc cho thấy, việc mua bán vật tư xây dựng giữa Cửa hàng Gia Khang II với Công ty Hưng Minh dù không lập thành văn bản, nhưng 2 bên tự nguyện, thỏa thuận, có ghi chép nợ, được coi là xác lập hợp đồng mua bán theo quy định của pháp luật. Theo bảng đối chiếu công nợ của 2 bên, tổng nợ của Công ty Hưng Minh đến tháng 5/2017 là trên 757 triệu đồng, có phương án trả nợ. Sau đó, do phía công ty vi phạm nghĩa vụ thanh toán nợ, nên phía cửa hàng làm đơn khởi kiện, được TAND hai cấp giải quyết. Vụ việc đã qua 3 bản án, nhưng bị đơn chưa thi hành bản án. Trong thi hành án dân sự, nhà nước luôn khuyến khích người phải thi hành án tự nguyện thi hành án. Trường hợp người phải thi hành án cố tình không chấp hành, pháp luật sẽ có chế tài xử lý.
Luật sư Trần Ngọc Bản (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, Bản án 04/2023/KDTM-PT của TAND tỉnh có hiệu lực pháp luật, đương sự phải thi hành. Phía bà Nga cần làm đơn yêu cầu thi hành bản án. Pháp luật quy định, người nào thể hiện hành vi chửi bới thô bỉ, tục tĩu hoặc nhổ nước bọt vào mặt, chọi chất bẩn vào người, bị coi là cấu thành của tội “Làm nhục người khác”. Tuy nhiên, qua trình bày cho thấy khó xác định dấu hiệu của tội làm nhục người khác. Theo Điều 170, Bộ luật Hình sự 2015, cưỡng đoạt tài sản được hiểu là hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. Vấn đề này trong vụ việc không thể hiện.
Pháp luật quy định, người nào bịa đặt hoặc lan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội vu khống.
N.R