Người di cư tại khu vực Grodno, biên giới Belarus - Ba Lan, ngày 8-11-2021. Ảnh: AFP-TTXVN
Tổng thống Nga đưa ra ý kiến trên trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 11-11. Đây là cuộc điện đàm thứ 2 giữa hai nhà lãnh đạo trong vòng 2 ngày qua.
Theo tuyên bố của Điện Kremlin, trong cuộc điện đàm, hai bên đã thảo luận tình hình ở biên giới Belarus-Ba Lan, nơi hàng trăm người di cư đang bị mắc kẹt trong điều kiện thời tiết giá rét. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhanh chóng tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng phù hợp với những quy định của quốc tế đối với vấn đề nhân đạo. Tổng thống Putin cho rằng điều quan trọng là khôi phục liên lạc giữa các nước EU và Belarus để giải quyết vấn đề này.
Hiện EU vẫn từ chối tiếp xúc trực tiếp với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, đồng thời cảnh báo mở rộng các biện pháp trừng phạt Minsk. Về phía Belarus, Tổng thống Lukashenko ngày 11-11 tuyên bố Minsk sẽ đáp trả nếu EU áp đặt bất kỳ biện pháp trừng phạt mới nào đối với nước này, trong đó có việc ngừng vận chuyển khí đốt sang châu Âu qua đường ống dẫn khí đốt xuyên quốc gia Yamal-Europe.
Năm ngoái, EU đã quyết định ngừng tài trợ cho các dự án tại Belarus nhằm củng cố cơ sở hạ tầng ở biên giới và xây dựng các nơi tạm trú cho người di cư trái phép. Động thái này diễn ra trong bối cảnh các nước phương Tây áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt đối với Belarus liên quan tình hình chính trị tại nước này. Đáp lại, Belarus đã đình chỉ thỏa thuận giữa nước này với EU về vấn đề người di cư, trong đó Minsk có nhiệm vụ ngăn người di cư bất hợp pháp đi qua lãnh thổ nước này để vào EU.
Căng thẳng giữa Ba Lan và Belarus gia tăng thời gian gần đây. Vacsava chỉ trích Minsk để cho các đoàn người di cư tự do di chuyển đến biên giới để đáp trả việc các nước EU áp đặt trừng phạt Belarus. Phía Belarus luôn bác bỏ cáo buộc này. Ba Lan hiện đã triển khai 15.000 binh sĩ dọc biên giới với Belarus, dựng hàng rào thép gai và cho xây dựng một bức tường ở khu vực biên giới này.
Một nhóm đại diện của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) đã đến thăm một trại trị nạn của người di cư tại khu vực biên giới Belarus-Ba Lan ngày 11-11 để kiểm tra điều kiện sống và cung cấp viện trợ cho họ. Người đứng đầu UNHCR Filippo Grandi cho rằng ưu tiên hiện nay là ngăn ngừa nguy cơ tử vong và chuyển những người di cư này đến những địa điểm an toàn hơn ở Belarus.
Theo TRẦN QUYÊN (Báo Tin Tức)