Lễ công bố Nghị quyết 1111 được diễn ra tại ba điểm cầu: Điểm cầu chính tại UBND Quận 2 có hơn 400 đại biểu tham dự và hai điểm cầu trực tiếp tại Quận 9 và Thủ Đức với hơn 750 người tham dự.
Ông Uông Chu Lưu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội vui mừng vì TP Hồ Chí Minh đã có thành phố trong thành phố đầu tiên của cả nước mang tên TP Thủ Đức.
Tham dự tại điểm cầu chính có các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước như: Nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; ông Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TP Hồ Chí Minh.
Ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu, khẳng định: Việc thành lập thành phố Thủ Đức không chỉ là sự kiện đặc biệt quan trọng với người dân ba quận, mà còn là cột mốc phát triển của TP Hồ Chí Minh trong hội nhập quốc tế; đề nghị TP Hồ Chí Minh sớm trình ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Thủ Đức.
“Thành phố Thủ Đức trong tương lai cần phát huy tính tự chủ, sáng tạo, thu hút đầu tư, thành hạt nhân, cực tăng trưởng mới của TP Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; đầu tư phát triển hạ tầng, thu hút lao động chất lượng cao, đảm bảo phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân, phát triển khoa học, công nghệ cao; tập trung hoàn thiện bộ máy chính quyền, sắp xếp cán bộ dôi dư”, ông Uông Chu Lưu cho biết thêm.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu (giữa) trao Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh cho lãnh đạo TP Hồ Chí Minh,
Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, việc thành lập thành phố Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của ba quận là 2, 9 và Thủ Đức. Sau khi thành lập, thành phố Thủ Đức có 211,56 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.013.795 người. Thành phố Thủ Đức giáp quận 1, quận 4, quận 7, quận 12, quận Bình Thạnh, tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai. Bên cạnh đó, khi thành lập thành phố Thủ Đức sẽ góp phần tinh gọn bộ máy, phát huy nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Bởi thành phố Thủ Đức khi được thành lập không chỉ là động lực phát triển kinh tế, mà còn là đòn bẩy nâng cao đời sống người dân; dự kiến đóng góp 30% GDP TP Hồ Chí Minh và 7% GDP cả nước.
Theo ông Nguyễn Văn Nên, trước mắt, thành phố Thủ Đức cần ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự khi tiến hành sáp nhập Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức; đảm bảo không ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của cán bộ công chức, viên chức, người lao động, người dân và doanh nghiệp khi ngày 7-2-2021 bộ máy của TP Thủ Đức mới chính thức được thành lập. Về lâu dài, thành phố Thủ Đức sẽ mở ra thời kỳ phát triển mới, trở thành “hạt nhân” thúc đẩy, dẫn dắt kinh tế TP Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân TP Hồ Chí Minh nói chung và thành phố Thủ Đức nói riêng.
Theo HOÀNG TUYẾT (Báo Tin Tức)