TP Hồ Chí Minh: Gần 200 ca mắc tay chân miệng trong một tuần

09/04/2024 - 14:49

Ngày 9/4, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh thông tin, từ đầu năm đến nay, Thành phố ghi nhận 1.968 trường hợp mắc tay chân miệng.

Riêng trong tuần từ 14 (từ ngày 1 - 7/4), Thành phố ghi nhận 184 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 51,1% so với trung bình 4 tuần trường. Các địa phương có số ca mắc tay chân miệng cao trong tuần gồm huyện Nhà Bè, Quận 6 và Quận 8.

Chú thích ảnh

Bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 khám cho bệnh nhi bị tay chân miệng.

Bác sĩ khuyến cáo, để phòng chống bệnh tay chân miệng, phụ huynh cần vệ sinh cá nhân, ăn chín, uống chín, không dùng chung đồ dùng cá nhân (khăn, bàn chải đánh răng, chén bát, đũa muỗng…). Rửa tay xà phòng sau thay quần áo, tã lót trẻ, sau tiếp xúc phân, nước tiểu, nước bọt, trước và sau chế biến thức ăn; rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà, thanh vịn, nắm cửa…

Hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước trước và sau ăn, sau chơi đồ chơi, sau khi đi vệ sinh, khi tay bị bẩn. Cách ly trẻ bệnh trong 8 - 10 ngày, nghỉ học, tránh làm vỡ mụn nước gây lây lan bệnh.

Khi thấy trẻ có biểu hiện sốt, nổi hồng ban mụn nước ở tay chân, mông, loét miệng, thêm xuất hiện một trong các triệu chứng giật mình chới với, ói nhiều, sốt cao khó hạ, thở bất thương, run tay chân, đi loạng choạng, ngồi không vững, nuốt khó, da nổi bông (vân tím), xanh tái, lơ mơ, co giật… hãy đưa ngay trẻ tới bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết thêm, trong tuần 14, Thành phố cũng ghi nhận 119 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, giảm 6,7% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 14 là 2.442 ca. Các địa phương có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm Quận 1, Quận 7 và quận Tân Phú.

Ngành y tế khuyến cáo, cách phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất là diệt muỗi và phòng muỗi đốt một trong những tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết chính. Người dân ngăn ngừa muỗi sinh sản bằng cách đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không đẻ được trứng. Thả cả hoặc con mê sô vào các dụng cụ chứa nước lớn để diệt loăng quăng. Vệ sinh các dụng cụ chứa nước nhỏ thường xuyên như: Xô, chậu, lu, khạp… Phát quang vườn rậm và thu gom các vật dụng phế thải có thể chứa nước  như chai, lọ mảnh chai, lon, vỏ dừa, bình đựng hoa cúng, bánh xe vứt bỏ…

Phòng muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài tay khi đi ra ngoài, ngủ trong mùng kể cả ban ngày. Xua đuổi muỗi vào nhà bằng bình xịt muỗi, nhang muỗi, kem xua đuổi muỗi, bắt muỗi bằng vợt điện muỗi… Sử dụng rèm che cửa có tẩm hóa chất diệt muỗi. Phối hợp với chính quyền để phun đủ các đợt phun hóa chất diệt muỗi.

Theo TTXVN