Trách nhiệm lưu thông hàng hóa

10/08/2021 - 06:55

 - Trong điều kiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc lưu thông hàng hóa cần được ưu tiên hàng đầu nhằm giúp nông dân bán được nông sản, đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm và hàng hóa khác của người dân, doanh nghiệp (DN). Từng sở, ngành, địa phương cần cộng đồng trách nhiệm trong vấn đề này.

Cần xây dựng “luồng xanh” cho vận chuyển ghe lúa. Ảnh: N.C

Tháo gỡ vướng mắc

Dù hiện nay, An Giang đã qua đợt cao điểm thu hoạch rộ lúa hè thu 2021 nhưng lượng lúa trên đồng vẫn còn khá nhiều. Theo kết quả theo dõi ảnh viễn thám của Trường Đại học Cần Thơ, sản lượng lúa của An Giang còn khoảng 600.000 tấn, nếu tính luôn 460.000 tấn của tỉnh Kiên Giang và khoảng 440.000 tấn của tỉnh Đồng Tháp thì sản lượng của 3 tỉnh khoảng 1,4 triệu tấn. Dĩ nhiên, tỉnh An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp không thể tiêu thụ hết và cũng không đủ kho chứa để trữ toàn bộ lượng lúa này mà cần sự hợp tác, hỗ trợ thu mua từ các DN ở TP. Cần Thơ, tỉnh Long An, Tiền Giang…

Tín hiệu tích cực là các tỉnh vùng ĐBSCL đã có trao đổi, thống nhất hỗ trợ thông luồng đối với hàng hóa nông sản. Thương lái, tài công ghe, người theo ghe, tài xế xe và phụ xe qua lại giữa các tỉnh thu mua, vận chuyển hàng hóa được yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, không phải cách ly tập trung khi đi mua nông sản trở về mà chỉ cần tự cách ly phòng dịch.

Tại An Giang, ngoài diện tích lúa đang được đẩy nhanh tiến độ thu hoạch thì lượng nếp còn khá nhiều. Theo UBND huyện Phú Tân, trong tổng diện tích 23.855ha lúa, nếp xuống giống vụ hè thu 2021, diện tích nếp chiếm 18.293ha. Đến nay, huyện Phú Tân còn khoảng 18.800ha chưa thu hoạch, phần nhiều là nếp, dự kiến phải đến giữa tháng 9-2021 mới thu hoạch dứt điểm. Ngoài diện tích liên kết với Tập đoàn Lộc Trời và một số DN, nông dân cần được hỗ trợ tiêu thụ trong điều kiện mưa giông thường xuyên, ảnh hưởng chất lượng nếp.

Bên cạnh lượng lúa, nếp thì ngay trong tháng 8-2021, An Giang sẽ thu hoạch khoảng 83.000 tấn rau màu, trong đó tiêu thụ nội địa khoảng 30% (tương đương 25.000 tấn), còn lại khoảng 58.000 tấn cần tiêu thụ ngoài tỉnh. Đặc thù rau, củ, quả dễ hư hỏng, cần được tiêu thụ tươi nên cần tạo thuận lợi cho DN, thương lái thu mua, vận chuyển ngay trong đêm để kịp phân phối đến các chợ đầu mối, chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng tiện ích vào sáng sớm, kịp đến tay người tiêu dùng.

Nhiều DN đề nghị các địa phương cần vận dụng và có hướng dẫn thống nhất thực hiện Công văn 800/UBND-KTN, ngày 30-7-2021 về cho phép các phương tiện vận tải thủy, bộ vận chuyển hàng hóa, gồm: lúa, gạo, nếp, cá, rau, củ và trái cây được phép lưu thông trong khung giờ từ 18 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau với điều kiện, người điều khiển phương tiện vận chuyển các loại hàng hóa này phải đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Một khó khăn khác là đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm khi thực hiện quy định giãn cách và cấm ra đường từ 18 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau. “Để kịp hoàn thành giết mổ, cung ứng thịt đến các điểm chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích vào sáng sớm, các cơ sở giết mổ phải hoạt động từ khuya, nhân viên giết mổ, vận chuyển sản phẩm thịt phải đi làm việc ban đêm. Cần xem giết mổ là hoạt động cấp thiết cung cấp thực phẩm cho người dân, ưu tiên kiểm soát phòng dịch và cho phép người tham gia đi làm ban đêm, sáng sớm”- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trương Kiến Thọ phân tích.

Cần xây dựng “luồng xanh” cho vận chuyển ghe lúa Ảnh: HOÀNG VŨ

Tập trung hỗ trợ

Qua kết nối của UBND tỉnh và một số sở, ngành, hiện có nhiều DN lớn đang tiến hành thu mua lúa với sản lượng lớn trên địa bàn An Giang. Bên cạnh Tập đoàn Lộc Trời và các đối tác thu mua khoảng 300.000 tấn lúa; Tập đoàn Tân Long, Tập đoàn T&T, Tập đoàn Louis Agro… cùng các DN trong tỉnh, dự kiến sẽ tiêu thụ hết sản lượng còn lại của vụ lúa hè thu 2021.

“Điều quan trọng là các tỉnh cần xây dựng “luồng xanh” cho vận chuyển đường thủy nội địa, chủ yếu là ghe vận chuyển lúa, đồng thời phổ biến phương pháp mua lúa không tiếp xúc nhằm tránh lây lan dịch bệnh. Ngành ngân hàng cần hướng dẫn và hỗ trợ DN lương thực được vay mua lúa và thế chấp bằng chính sản lượng lúa; hỗ trợ lãi suất cho dòng tiền mua lúa mới để chuẩn bị xuất khẩu những tháng cuối năm 2021 để không chỉ tiêu thụ lúa hè thu mà còn vụ thu đông sắp tới” - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận đề xuất.

Nhằm giúp nông dân thu hoạch và tiêu thụ nông sản thuận lợi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đề nghị UBND cấp huyện thành lập tổ phản ứng nhanh hỗ trợ thu hoạch, vận chuyển, thu mua nông sản (nếu chưa thành lập), đồng thời chỉ đạo UBND cấp xã thành lập tổ phản ứng nhanh do lãnh đạo UBND cấp xã làm tổ trưởng, thành viên, gồm: nhân viên trồng trọt và bảo vệ thực vật, nhiên viên Tập đoàn Lộc Trời, Hội Nông dân xã, câu lạc bộ nông dân xã. Các tổ này phải thiết lập số điện thoại liên lạc, thành lập nhóm Zalo để thường xuyên trao đổi thông tin về sản xuất, thu hoạch và thu mua nông sản trên địa bàn.

UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp Tập đoàn Lộc Trời và cơ quan liên quan có định hướng nhiệm vụ các tổ này, không chỉ hoạt động vụ hè thu 2021 mà còn định hướng liên kết cho các vụ sản xuất tiếp theo. Mỗi ngày, các tổ phải có báo cáo về diện tích, sản lượng, thời điểm thu hoạch lúa gửi về UBND cấp huyện tổng hợp, báo cáo Sở NN&PTNT, đồng thời gửi thông tin cho Tập đoàn Lộc Trời biết để tổ chức thu mua.

Về lâu dài, đối với các chủ máy và nhân công máy gặt đập liên hợp, đề nghị UBND cấp huyện thống kê danh sách, đưa vào danh sách tiêm vaccine trong thời gian tới. UBND cấp huyện chỉ đạo thành lập nghiệp đoàn đoàn bốc xếp phục vụ thu hoạch, vận chuyển nông sản. Trên cơ sở đó, đề nghị Tập đoàn Lộc Trời chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông An Giang nghiên cứu xây dựng phần mềm quản lý điều phối nghiệp đoàn bốc xếp nhằm phục vụ tốt nhu cầu thu hoạch, vận chuyển nông sản của tập đoàn trong thời gian tới.

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đồng ý mở rộng thêm diện tích sản xuất lúa rải vụ có liên kết sản xuất và tiêu thụ với Tập đoàn Lộc Trời tại các địa phương (thay vì khoảng 40.000ha như chủ trương hiện nay). Sản xuất rải vụ nhằm tránh thu hoạch tập trung cùng lúc, năng lực máy thu hoạch, kho chứa không đáp ứng được. Sản xuất rải vụ là giải pháp nhằm giảm rủi ro cho nông dân, đảm bảo lợi nhuận ổn định, lâu dài.

NGÔ CHUẨN

 

Liên kết hữu ích