Tri Tôn giải phóng mặt bằng cho công trình giao thông

15/05/2025 - 06:40

 - Giải phóng mặt bằng là khâu quan trọng nhất để thi công công trình, đặc biệt là công trình trọng điểm. Xác định điều này, huyện Tri Tôn đã tập trung cao độ, linh hoạt cách làm, nêu cao tinh thần gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên, bảo đảm tiến độ thực hiện dự án.

Huyện Tri Tôn đang thực hiện hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng

Những năm gần đây, bộ mặt huyện Tri Tôn dần thay đổi khi hàng loạt dự án giao thông được triển khai đồng bộ. Những tuyến đường huyết mạch kết nối Tri Tôn với huyện Thoại Sơn, Châu Thành, TX. Tịnh Biên (tỉnh An Giang) và huyện Hòn Đất, Giang Thành (tỉnh Kiên Giang) đều được đầu tư, nâng cấp. Điều này không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, mà còn thúc đẩy phát triển du lịch, thu hút đầu tư; công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn.

Quá trình triển khai thi công, nhất là giai đoạn giải phóng mặt bằng, gặp không ít khó khăn, do liên quan đến hàng trăm hộ dân sinh sống lâu năm. Nhưng với quyết tâm cao, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân trao trả mặt bằng. Điển hình như công trình nâng cấp sửa chữa mở rộng Đường tỉnh 941, đoạn từ cầu 15 đến đường 3/2 (thị trấn Tri Tôn), chia làm 2 khu vực. Khu vực 1, từ cầu 16 đến ngã 3 giao với đường 3/2; khu vực 2, từ cầu 15 đến cầu 16, tổng chiều dài gần 2km. Riêng khu vực 2, quá trình thi công mở rộng ảnh hưởng đến gần 200 hộ dân. Trong đó, khoảng 20 hộ tiểu thương nằm sát đường không có bồi thường về vật kiến trúc và đất. 

Đảng ủy, UBND và các đoàn thể thị trấn Tri Tôn tích cực tuyên truyền, vận động, giải thích người dân hiểu, nắm chủ trương. Các hộ dân còn được UBND thị trấn ưu tiên xét giới thiệu vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Mỗi hộ được vay 50 - 100 triệu đồng đầu tư, phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, 100% người dân ủng hộ, giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Ông Nguyễn Văn Trấn (thị trấn Tri Tôn) cho biết: “Khi đoàn của thị trấn Tri Tôn đến vận động, tôi đã hiến 6m đất chiều ngang, dài 2m để thực hiện công trình. Ngoài ra, tôi cùng chính quyền địa phương vận động hộ lân cận di dời để thực hiện công trình mở rộng mặt đường, giúp phương tiện lưu thông dễ dàng hơn”.

Công trình nâng cấp, mở rộng Đường tỉnh 948 (giai đoạn 2), kết nối huyện Tri Tôn qua TX. Tịnh Biên là công trình trọng điểm, thuộc tuyến quốc phòng - an ninh vùng biên giới và dân tộc. Đoạn 1 (từ ranh TX. Tịnh Biên đến nút giao tuyến tránh thị trấn Tri Tôn, thuộc xã Châu Lăng) tổng chiều dài trên 1,5km; 84 hộ dân có đất trong khu vực này. Đoạn 2 (tuyến tránh thị Trấn Tri Tôn, thuộc xã Châu Lăng), tổng chiều dài gần 4,3km, 102 hộ dân có đất trong khu vực này.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho giải phóng mặt bằng, Hội đồng Bồi thường huyện Tri Tôn tham mưu UBND huyện ban hành các quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ công trình nâng cấp, mở rộng Đường tỉnh 948. Trong đó, đoạn 1 đã tiến hành bồi thường xong, kinh phí hơn 21,7 tỷ đồng. Đối với đoạn 2, UBND huyện Tri Tôn đã bồi hoàn, tổng kinh phí trên 61,6 tỷ đồng. Ông Trần Văn Tươi (ngụ khóm I, thị trấn Tri Tôn) chia sẻ: “Công trình đi qua toàn bộ diện tích đất ruộng của gia đình tôi, khoảng 1ha. Nhà nước đã bồi hoàn, chia thành 2 đợt. Nếu so với giá cả thị trường thì hơi thiệt thòi, nhưng đây là lợi ích chung của cộng đồng nên gia đình tôi chấp hành với tinh thần vui vẻ, để tuyến đường sớm thi công, đưa vào sử dụng”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Võ Thanh Tuấn cho biết, thời gian qua, huyện được Trung ương, tỉnh quan tâm đầu tư và nâng cấp nhiều tuyến đường huyện thành đường tỉnh. Bên cạnh đó, nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến đường, đặc biệt Đường tỉnh 958, Đường tỉnh 941 vừa hoàn thành năm 2024. Hiện nay, Đường tỉnh 948 từ TX. Tịnh Biên về huyện Tri Tôn đang được đầu tư, nâng cấp, có 186 hộ dân huyện Tri Tôn bị ảnh hưởng do công tác giải phóng mặt bằng.

Hội đồng Bồi thường huyện tham mưu UBND huyện ra các quyết định phê duyệt phương án bồi thường. Bước đầu, có 150 hộ thống nhất, 36 hộ chưa đồng ý. “Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND, Hội đồng Bồi thường kết hợp địa phương vận động, thuyết phục nhiều lần để người dân hiểu chủ trương. Đồng thời, hỗ trợ một phần kinh phí di dời các vật kiến trúc cho người dân. Từ đó, người dân hiểu và nhận tiền bồi hoàn. Đến cuối tháng 3/2025, có thêm 35 hộ giao mặt bằng. UBND huyện Tri Tôn đã giao Hội đồng Bồi thường kết hợp tổ công tác tỉnh tiếp tục làm việc và tháo gỡ vướng mắc để hộ dân còn lại sớm giao mặt bằng thi công” – ông Tuấn thông tin thêm.

Trong quá trình triển khai giải phóng mặt bằng, UBND huyện Tri Tôn luôn thực hiện đúng trình tự, thủ tục trong công tác kiểm kê; lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đồng thời, thực hiện nguyên tắc công khai và dân chủ phương án bồi thường, hỗ trợ, để mọi đối tượng liên quan đến đều biết, đi đến thống nhất.

ĐỨC TOÀN