Một trang trại nuôi gia cầm ở xã Vĩnh Gia (Tri Tôn)
Yên tâm canh tác
Trong khi diện tích canh tác ở nhiều địa phương đã “đụng trần” thì Tri Tôn vẫn còn điều kiện mở rộng thêm. Hai vụ lúa đông xuân và hè thu vừa qua, Tri Tôn thắng lợi cả về diện tích, năng suất và giá bán. Hiệu quả canh tác lúa đã phần nào bù đắp những khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Hiện nay, nông dân đang tập trung xuống giống vụ thu đông 2020 - vụ lúa được dự báo có giá bán tiếp tục duy trì ở mức khá.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn Trần Văn Cường cho biết, huyện đã tập trung đầu tư hoàn thiện 68 tiểu vùng sản xuất 3 vụ với diện tích 20.377ha, có hệ thống bơm điện phục vụ tưới tiêu an toàn. Đồng thời, triển khai 6 hồ chứa nước vùng cao, trong đó có 4 hồ đang khai thác (Soài So, Soài Chek, Ô Tà Sóc và Ô Thum), 2 hồ đang triển khai thực hiện (Đắk Lây và Cô Tô). Huyện đã nâng cấp, hoàn thiện 5 trạm bơm vùng cao phục vụ 1.600ha; xây mới trạm bơm An Bình Ba Chúc, đang triển khai xây dựng trạm bơm Cô Tô I, An Tức III nhằm khai thác đất vùng cao. Hiện nay, cơ giới hóa nông nghiệp đạt trên 99% diện tích và đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Nhằm nâng cao giá trị sản xuất, tạo thêm việc làm cho người dân, Tri Tôn đã tập trung mời gọi được 16 dự án đầu tư, với tổng vốn 5.645 tỷ đồng. Hiện có hơn 20 doanh nghiệp (DN) đầu tư trong nông nghiệp (xay xát lúa gạo, chăn nuôi bò, heo, trồng cây ăn trái, dược liệu…) và từng bước gắn kết với nông dân trong sản xuất. Huyện còn có 12 tổ giống và 10 trang trại, công ty tham gia sản xuất giống, đáp ứng nhu cầu giống trong huyện và cung cấp cho nhiều nơi khác.
Nếu như năm 2015, diện tích cây ăn trái trên địa bàn huyện Tri Tôn chỉ đạt 671,2ha thì đến nay, đã đạt trên 1.400ha. Tri Tôn đã từng bước hình thành vùng chuyên canh chuối cấy mô, xoài, nhãn và cây có múi. Riêng đối với chuối cấy mô, đã có 4 DN đầu tư trồng xuất khẩu với diện tích 364ha (Vĩnh Phát, SD, Xanh Việt và Lư Gia), có tiềm năng mở rộng diện tích lớn, trong đó UBND tỉnh đã công nhận Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Vifaba của Công ty Vĩnh Phát. Tri Tôn đã hình thành vùng trồng xoài cát Hòa Lộc VietGAP 20ha ở hợp tác xã (HTX) Bến Bà Chi (đã được cấp mã CODE để xuất khẩu). Đối với cây dược liệu, diện tích tăng hàng năm, hiện đạt hơn 131ha (tần dày lá, đinh lăng, nghệ, sâm đất, thiềng liềng đen, ngải…). Hàng năm, huyện tiếp tục liên kết trồng và tiêu thụ cây dược liệu với Dược Hậu Giang (diện tích từ 15-20ha).
Khai thác lợi thế
Ông Trần Văn Cường cho biết, để tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế nông nghiệp, Tri Tôn định hướng phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, phát huy tốt vai trò tham gia của DN.
Đối với trồng trọt, Tri Tôn dự kiến chuyển 3.000ha đất ở Vĩnh Gia, Lạc Quới, Vĩnh Phước sang trồng bắp, cỏ phục vụ thức ăn chăn nuôi cho Tập đoàn TH True Milk. Huyện cũng phát triển 2.000ha chuối ở Vĩnh Phước, Vĩnh Gia, Tân Tuyến để phục vụ xuất khẩu và đáp ứng cho nhà máy bột chuối (đang xin đầu tư tại Tân Tuyến). Tri Tôn sẽ chuyển dịch 3.000ha đất ven núi vùng cao và xung quanh các hồ chứa nước sang trồng cây ăn trái, dược liệu, cây màu, lúa đặc sản địa phương phục vụ xuất khẩu và du lịch sinh thái.
Song song đó, phát triển 10.000ha trồng cây cao lương phục vụ nhà máy điện sinh khối ở Núi Tô, Lương An Trà; 10.000ha sản xuất lúa liên kết với Nhà máy gạo Hạnh Phúc (Tập đoàn Tân Long), Công ty Trịnh Văn Phú và Tập đoàn Lộc Trời; 2.000ha lúa giống (liên kết Tập đoàn Lộc Trời và các DN lúa giống của huyện)… “Ngành nông nghiệp đang phối hợp các xã, thị trấn thành lập các HTX có DN tham gia, như: Lộc Trời, Tân Long, TH True Milk, Tín Thành, HTX cây ăn trái gắn với DN Kim Nhung, Chánh Thu…” - ông Cường thông tin.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, Tri Tôn đang thu hút nhiều DN tham gia đầu tư theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Đối với chăn nuôi heo, đã hình thành các trang trại nuôi quy mô lớn, tập trung ở các xã Lương An Trà, Lương Phi, Vĩnh Phước, phát triển loại hình nuôi gia công cho Việt Thắng, CP, phấn đấu đưa tổng đàn heo đạt 27.000-30.000 con.
Trong chăn nuôi bò, hình thành 3 trại tập trung quy mô lớn ở xã Vĩnh Gia (Tập đoàn TH True Milk 20.000 con, Công ty SD 500 con), Vĩnh Phước (Công ty Minh Phước Thịnh 1.000 con); triển khai HTX nuôi liên kết với Tập đoàn TH True Milk trên địa bàn huyện, phấn đấu đưa đàn bò đạt 30.000 con. Đối với chăn nuôi gia cầm, đã và đang hình thành các trại tập trung quy mô lớn có liên kết tại Lạc Quới, Ô Lâm, Lương An Trà, Vĩnh Gia, Ba Chúc, phấn đấu đàn gia cầm đạt 500.000 con; xây dựng các mô hình nuôi gà thả vườn gắn phục vụ ẩm thực du lịch hồ Ô Thum…
NGÔ CHUẨN