Rút ngắn thời gian tối đa
Cuối tuần qua, tại ấp Sóc Triết (xã Cô Tô, Tri Tôn) diễn ra sự kiện đặc biệt: lễ khởi công xây dựng 16 cây cầu thuộc Chương trình cầu nông thôn của Tạp chí Nông Thôn Việt. Vị trí tổ chức lễ khởi công cũng là nơi sẽ đặt nền móng cho chiếc cầu nông thôn bắc qua kênh Huệ Đức, nối bờ Tỉnh lộ 943 với bờ bên kia sông của ấp Sóc Triết. Cây cầu là niềm vui lớn của người dân bên sông, giảm bớt cách trở, khó khăn khi được kết nối thuận tiện với trung tâm xã Cô Tô.
Khởi công xây dựng cầu
Bà Nguyễn Thị Quốc Hương, Phó Tổng Biên tập kiêm Phó Trưởng ban Tổ chức Chương trình cầu nông thôn của Tạp chí Nông Thôn Việt cho biết, Tri Tôn là huyện thứ 12 ở ĐBSCL được chương trình đầu tư xây dựng cầu nông thôn, cũng là địa phương có tốc độ triển khai nhanh nhất. “Xuất phát điểm của Chương trình cầu nông thôn chỉ là ý tưởng vận động xây dựng vài cây cầu ở 2 huyện Đức Huệ và Vĩnh Hưng (tỉnh Long An) năm 2016, giúp các xã nơi đây hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Sau đó, hoạt động này được nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhiệt tình ủng hộ, tạo thành phong trào lan tỏa lớn, thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia tài trợ. Từ Long An, chương trình mang những chiếc cầu xây dựng ở Đồng Tháp, rồi An Giang. Đến nay, chương trình đã hỗ trợ được 157 cây cầu nông thôn, với sự tham gia tài trợ 172 tỷ đồng từ hơn 20 doanh nghiệp. Tiêu chí của chương trình là lựa chọn những huyện biên giới, khó khăn trong đi lại để tài trợ cầu. Đối với huyện Tri Tôn, từ lúc khảo sát đến khi khởi công xây dựng chỉ có 1 tháng. Việc triển khai nhanh nhờ quyết tâm, nhiệt tình rất lớn của lãnh đạo huyện và các địa phương” - bà Hương nhận xét.
Bà Hương cho biết, những tình cảm của An Giang giúp Chương trình cầu nông thôn càng thêm ý nghĩa. “Mong muốn của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là xây dựng được những cây cầu nhanh nhất, tiết kiệm nhất nhưng chất lượng cũng cao nhất để người dân sử dụng được lâu dài, hiệu quả. Với sự đồng hành của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân huyện Tri Tôn, tôi tin các tiêu chí này sẽ đạt được” - bà Hương nhấn mạnh.
Thu hút nhiều nguồn lực tham gia
16 cây cầu thuộc Chương trình cầu nông thôn của Tạp chí Nông Thôn Việt được xây dựng tại 8 xã của huyện Tri Tôn, gồm: Núi Tô, Cô Tô, Ô Lâm, An Tức, Lương An Trà, Châu Lăng, Lương Phi và Lê Trì. Từ vận động của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tài trợ 10 tỷ đồng, Tập đoàn HANAKA tài trợ 2 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Prowtech International Vina tài trợ 1,5 tỷ đồng, phần còn lại (khoảng 3 tỷ đồng) do huyện Tri Tôn sử dụng ngân sách địa phương và vận động xã hội hóa. “Với chương trình này, tôi cảm thấy rất vui vì cảm giác bà con sông nước miền Tây được quan tâm. Ý nghĩa của những chiếc cầu không chỉ ở giá trị vật chất mà còn thắm đượm tình người. VPBank sẽ cố gắng đồng hành cùng chương trình với mong muốn có thêm nhiều chiếc cầu bắc qua sông, giúp bà con đi lại thuận tiện, phát triển kinh tế cũng như kết nối với các vùng khác” - ông Trương Thái Dương, Giám đốc Miền Nam của VPBank, chia sẻ.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm cho biết, để đảm bảo tiến độ thi công nhanh, tiết kiệm và chất lượng tốt nhất, huyện đã vận động, mời gọi được nhiều công ty, tổ chức, cá nhân từ thiện trong và ngoài tỉnh đảm nhận nhiệm vụ thi công xây dựng cầu, như: Công ty TNHH MTV Quốc Thiên (Vĩnh Long), Công ty TNHH MTV Xây dựng Thanh Khiết (xã Lương An Trà, Tri Tôn), ông Nguyễn Văn Được (đội xây cầu từ thiện huyện Châu Phú), ông Nguyễn Văn Ngợi (Tám Ngợi, đội xây cầu từ thiện xã Vĩnh Chánh, Thoại Sơn), ông Nguyễn Văn Năm (Năm Rô, đội xây cầu từ thiện huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang), ông Hai On (Huỳnh Văn On, Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Thành Tân, tỉnh Kiên Giang). “Với huyện đặc thù nông nghiệp, điều kiện kinh tế - xã hội của Tri Tôn vẫn còn khó khăn, nhất là đi lại của người dân. Việc được đầu tư xây dựng cùng lúc 16 cây cầu nông thôn là niềm vui rất lớn của huyện, góp phần hoàn thành đề án xây dựng cầu nông thôn cũng như thúc đẩy nông thôn mới trên địa bàn huyện. Trước hết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tri Tôn trân trọng cảm ơn nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - “linh hồn” của Chương trình cầu nông thôn, Ban Biên tập Tạp chí Nông Thôn Việt, các đơn vị tài trợ, các nhà hảo tâm đã đóng góp cho những công trình nhiều ý nghĩa này”-ông Cao Quang Liêm bày tỏ.
Để đáp lại tấm lòng của các nhà hảo tâm, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn đề nghị các đơn vị thi công tập trung đảm bảo kỹ thuật, chất lượng, tiến độ công trình và đảm bảo tuyệt đối an toàn; đề nghị người dân, doanh nghiệp nhiệt tình tham gia phối hợp, chia sẻ để công trình đảm bảo tiến độ tốt nhất. Đối với các xã, thị trấn, các ngành huyện, ông Cao Quang Liêm đề nghị phải thể hiện trách nhiệm cao nhất, hỗ trợ đơn vị thi công để “chúng ta vui mừng gặp lại nhau khi những chiếc cầu đã hoàn thành đón Xuân Canh Tý 2020”.
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN