Tri Tôn tích cực hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển kinh tế

07/12/2021 - 05:55

 - Nhằm giúp hội viên đẩy mạnh phát triển kinh tế, Hội Nông dân huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) đã có nhiều giải pháp, tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận nguồn vốn vay, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ nông dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất - kinh doanh... Qua đó, tạo động lực cho hội viên, nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Trình diễn phun thuốc trừ sâu bằng máy bay không người lái. Ảnh: TRUNG HIẾU

Hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ nông dân

Hội Nông dân huyện Tri Tôn hiện có 4.866 hội viên, sinh hoạt tại 77 chi hội khóm, ấp và 4 chi hội nghề nghiệp (làm vườn). Trong năm qua, nhằm giúp hội viên, nông dân phát triển kinh tế, vươn lên giảm nghèo bền vững, Hội Nông dân huyện Tri Tôn đặc biệt chú trọng đến các hoạt động tư vấn, hỗ trợ hội viên về vốn, tiếp cận khoa học - kỹ thuật xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả; tuyên truyền, vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất…

Một trong những hoạt động nổi bật là triển khai thực hiện vận động, hỗ trợ nông dân tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân. Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tri Tôn Chau Kim Son cho biết, trong năm 2021, Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện đã vận động gần 70 triệu đồng và tiếp nhận 190 triệu đồng từ nguồn ngân sách… nâng tổng số tiền Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp huyện gần 1,5 tỷ đồng. Từ nguồn vốn, Quỹ Hỗ trợ nông dân giải ngân 571 triệu đồng cho 43 hội viên nông dân tham gia các dự án: “Sản xuất đường thốt nốt”, “Nuôi ốc bươu thương phẩm, tạo việc làm ổn định cho hội viên nông dân” và “Trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP” tại các xã: Châu Lăng, Lê Trì và Vĩnh Gia.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện phối hợp Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh, tổ chức giải ngân 450 triệu đồng cho 12 hội viên nông dân tham gia dự án “Trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP” tại xã Lê Trì. Ngoài ra, từ nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội đã tổ chức giải ngân cho 642 hộ vay, số tiền gần 20,8 tỷ đồng. Hiện nay, hầu hết các dự án đều sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả kinh tế, giúp nông dân nâng cao thu nhập.

Chuyển giao khoa học-kỹ thuật

Ngoài hỗ trợ về vốn để phát triển sản xuất, các cấp Hội Nông dân huyện Tri Tôn còn tích cực hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học - kỹ thuật, từ đó giúp nông dân mạnh dạn áp dụng vào thực tế, từng bước mang lại tín hiệu khả quan.

Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tri Tôn, hội đã phối hợp Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú An Giang tổ chức 4 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò, cho 115 nông dân các xã: Núi Tô, Châu Lăng, Tân Tuyến và Lạc Quới. Bên cạnh đó, phối hợp ngành nông nghiệp, các công ty sản xuất - kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tổ chức 106 cuộc hội thảo về: Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; trình diễn phun thuốc bảo vệ thực vật và rải phân bằng máy bay không người lái; nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ cao, tưới nhỏ giọt bằng năng lượng mặt trời, cho 3.258 nông dân. Phối hợp Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh An Giang, tổ chức hội thảo phân hữu cơ và chế phẩm sinh học thu hút đông đảo nông dân tham gia...

Ngoài ra, Hội Nông dân huyện Tri Tôn còn thực hiện các hoạt động hỗ trợ nông dân khởi nghiệp; tuyên truyền triển khai đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2020-2025” và triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2021... Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Hội Nông dân các cấp huyện Tri Tôn còn hỗ trợ tiêu thụ 6,5 tấn dưa hấu của hội viên, nông dân xã Tân Tuyến, 1,35 tấn chanh của nông dân xã Lương An Trà, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất.

Với nỗ lực giúp hội viên phát triển kinh tế, Hội Nông dân huyện Tri Tôn đã hỗ trợ tốt giúp nông dân tạo ra những mô hình sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Thời gian tới, Hội Nông dân huyện Tri Tôn sẽ tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp hội trong công tác tuyên truyền, tập hợp nông dân tham gia, xây dựng và nhân rộng các mô hình tiêu biểu của nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, doanh nhân nông thôn, mô hình liên kết sản xuất - dịch vụ - ứng dụng công nghệ cao, nhất là các mô hình liên kết đầu vào và đầu ra đối với các mặt hàng nông sản. Đồng thời, tiếp tục phát huy hiệu quả các chương trình, kế hoạch phối hợp liên ngành, các chính sách hiện có nhằm tạo động lực, điều kiện thuận lợi giúp nông dân nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình... 

ĐỨC TOÀN