Triển khai Chương trình dân tộc thiểu số và miền núi phải có trọng tâm, trọng điểm

23/02/2023 - 08:19

Ngày 22/2, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 48/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại buổi làm việc với Ủy ban Dân tộc.

Cán bộ Đồn Biên phòng A Pa Chải giúp đỡ người dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới, củng cố mối quan hệ đoàn kết, gắn bó quân dân. Ảnh tư liệu: Minh Đức/TTXVN

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Ủy ban Dân tộc và các bộ, cơ quan liên quan trong những năm qua, đạt được nhiều thành tích nổi bật. Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về công tác dân tộc được chỉ đạo sát sao, nhất quán, thuận lợi và được ưu tiên bố trí nguồn vốn thực hiện.

Công tác thực hiện các chính sách dân tộc được tổ chức triển khai hiệu quả, toàn diện trên 13 lĩnh vực, đạt một số kết quả tích cực như: Kinh tế các tỉnh có vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tăng trưởng khá; tỷ lệ hộ nghèo tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm từ 2 - 3%/năm; thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tăng từ 1,5 - 2 lần.

Hệ thống đường giao thông cơ bản thuận lợi cho đi lại và phát triển kinh tế; nhiều trường lớp, trạm y tế xã đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu của nhân dân; chất lượng dân số, sức khỏe của đồng bào được cải thiện; các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống tốt đẹp được bảo tồn và phát huy; hệ thống chính trị cơ sở ngày càng được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…

Những thành tích trên đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước ta.

Đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình dân tộc thiểu số và miền núi với 32/35 văn bản để quy định, hướng dẫn về cơ chế, chính sách phục vụ quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình dân tộc thiểu số và miền núi; công tác kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp được thực hiện sớm.

Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn thực hiện Chương trình dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn hạn chế so với 2 chương trình mục tiêu quốc gia khác; việc ban hành các văn bản để quy định, hướng dẫn và tổ chức thực hiện Chương trình còn chậm; nhiều địa phương còn gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Tránh đầu tư dàn trải, manh mún, không hiệu quả các chương trình dân tộc, thiểu số

Để triển khai thực hiện hiệu quả công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong thời gian tới, đặc biệt là Chương trình dân tộc thiểu số và miền núi, đề nghị Ủy ban Dân tộc theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục quán triệt và cụ thể hóa Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới thông qua việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ ban hành Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 1657/QĐ-TTg ngày 30/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tập trung, quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình dân tộc thiểu số và miền núi; chủ động nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình bảo đảm phù hợp tình hình thực tiễn, tháo gỡ kịp thời vướng mắc của các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện; hoàn thành trong Quý I/2023.

Chủ động rà soát, theo dõi, giám sát, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình dân tộc thiểu số và miền núi bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, hoàn thành dứt điểm các dự án và các mục tiêu đề ra; tránh đầu tư dàn trải, manh mún, không hiệu quả.

Khuyến khích, giao cho cộng đồng người dân thực hiện dự án liên kết phát triển sản xuất

Thường xuyên tổng hợp khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của các địa phương liên quan đến triển khai thực hiện Chương trình dân tộc thiểu số và miền núi để kịp thời trả lời, hướng dẫn các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp chung khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các địa phương liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành khác, trong đó đề xuất cụ thể cơ quan chủ trì, thời hạn hoàn thành và giải pháp tháo gỡ theo quy định.

Đổi mới phương thức xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc. Chính sách dân tộc phải phát huy thế mạnh từng vùng, miền và phù hợp với văn hóa và tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường phân cấp, trao quyền cho địa phương và khuyến khích, giao cho cộng đồng người dân thực hiện những kế hoạch, dự án liên kết phát triển sản xuất, công trình có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, gắn liền với cuộc sống hằng ngày của người dân.

Nâng cao hơn nữa năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Rà soát, nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh, bổ sung chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của cơ quan công tác dân tộc từ trung ương đến các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội, đảm bảo đủ năng lực để thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, nhất là với vai trò cơ quan chủ quản Chương trình dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo TTXVN