Triển khai kế hoạch tiêm vaccine 70% dân số

06/08/2021 - 06:47

 - Tiêm vaccine phòng COVID-19 là giải pháp cần thiết và quan trọng để phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế-xã hội. Với mục tiêu phòng, chống dịch chủ động bằng việc sử dụng vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng nguy cơ và tăng độ bao phủ trong cộng đồng, An Giang đã xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 dựa trên tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay. Theo đó, phấn đấu ít nhất 50% số người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vaccine phòng COVID-19 trong năm 2021; trên 70% dân số được tiêm vaccine phòng COVID-19 đến hết quý I-2022, tạo miễn dịch cộng đồng.

Tăng độ bao phủ

Theo Giám đốc Sở Y tế Trần Quang Hiền, chiến dịch triển khai tại tất cả xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Sử dụng đồng thời tất cả các loại vaccine đủ điều kiện từ các nguồn cung ứng khác nhau để tăng độ bao phủ vaccine cho người dân. Huy động hệ thống chính trị tham gia chiến dịch tiêm chủng; huy động tối đa các lực lượng tham gia, bao gồm: các cơ sở trong và ngoài ngành y tế, lực lượng công an, quân đội, các tổ chức chính trị-xã hội, các ban, ngành, đoàn thể… hỗ trợ triển khai tiêm chủng. Đảm bảo tỷ lệ bao phủ và tỷ lệ sử dụng vaccine cho những người trong độ tuổi tiêm chủng được tiêm vaccine phòng COVID-19 (đạt trên 90%) và đảm bảo tối đa an toàn tiêm chủng.

Đối tượng tiêm là toàn bộ công dân trong độ tuổi có chỉ định sử dụng vaccine theo khuyến cáo của nhà sản xuất, trong đó ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế.

Có khoảng 1,5 triệu người, gồm: người làm việc trong lĩnh vực y tế; người tham gia phòng, chống dịch; lực lượng quân đội, công an; nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam và thân nhân được cử đi nước ngoài; người làm việc trong các cơ quan ngoại giao, lãnh sự, các tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam; hải quan, cán bộ làm công tác xuất, nhập cảnh; người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải; cung cấp dịch vụ điện, nước...; giáo viên, người làm việc, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính; các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, đấu giá…; người mắc các bệnh mạn tính; người trên 65 tuổi; người sinh sống tại các vùng có dịch; người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội; các đối tượng là người lao động (NLĐ), thân nhân NLĐ đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu; các chức sắc, chức việc các tôn giáo; NLĐ tự do...

Trong đó, ưu tiên tiêm chủng trước cho các đối tượng ở vùng đang có dịch; địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm hoặc có thực hiện thí điểm các đề án phát triển kinh tế của Chính phủ; địa phương có nhiều khu, cụm công nghiệp, đông công nhân và dân cư; địa phương có biên giới, giao lưu đi lại lớn, có cửa khẩu quốc tế.

Chị Nghiêm (ngụ phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Là cơ sở sửa chữa máy, thường xuyên tiếp xúc nhiều khách hàng, nên rất mong được tiêm vaccine cho gia đình và NLĐ”. Anh Phong (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) bày tỏ: “Con tôi năm tới lên đại học, nguyện vọng được học ở TP. Hồ Chí Minh. Nếu cả nhà được tiêm vaccine sẽ rất yên tâm”. Qua tham khảo cho thấy, đông đảo người dân đang rất mong chờ được tiêm vaccine phòng COVID-19 để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng, sớm cùng tỉnh đẩy lùi dịch bệnh.

Đẩy nhanh tiến độ

Nhằm tăng tốc độ và diện bao phủ tiêm vaccine phòng COVID-19, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, phải xem công tác tiêm chủng là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách trong tình hình hiện nay. Đồng thời, giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tiêm chủng cho tất cả các trường hợp từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn; ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền và đẩy nhanh việc tăng độ bao phủ tiêm chủng. Huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng, bao gồm: cả y tế nhà nước và tư nhân, các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh, y tế các ngành… tổ chức tiêm tại các cơ sở cố định và nhiều điểm tiêm chủng lưu động tại các khu dân cư, cơ quan, đơn vị...

UBND tỉnh yêu cầu không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi tiêm chủng. Những người thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng tiếp tục theo dõi và sắp xếp tiêm chủng trong thời gian sớm nhất khi có đủ điều kiện. Những người thuộc nhóm cần thận trọng khi tiêm chủng có thể được tiêm tại tất cả các cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động, không bắt buộc tiêm tại các bệnh viện, cơ sở điều trị. Tại các khu phong tỏa, chính quyền địa phương căn cứ số lượng người dân để bố trí các điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động phù hợp.

HẠNH CHÂU

Sở Y tế cho biết, để đảm bảo an toàn tiêm chủng, ngành đã tổ chức tập huấn hướng dẫn khám sàng lọc, xử lý tai biến nặng sau tiêm. Đồng thời, yêu cầu phải thực hiện thông điệp “5K”, giãn cách và các biện pháp phòng, chống dịch tại các điểm tiêm chủng; ứng dụng công nghệ thông tin quản lý tiêm chủng.