Trình Quốc hội thành lập thêm 2 thành phố thuộc Hà Nội

10/11/2023 - 19:33

Theo dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội, Chính phủ đề xuất thực hiện mô hình không tổ chức Hội đồng nhân dân phường ở Hà Nội và bổ sung thành phố thuộc thành phố Hà Nội, bao gồm thành phố logistics, dịch vụ - vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học - vùng Hòa Lạc, Xuân Mai.

Chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 10/11, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Về chính quyền Thủ đô, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề xuất thực hiện mô hình không tổ chức Hội đồng nhân dân phường ở Hà Nội theo Nghị quyết số 97 và bổ sung thành phố thuộc thành phố Hà Nội.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Theo đó, Hà Nội dự kiến thành lập theo Nghị quyết số 15-NQ/TW tại khu vực phía bắc - thành phố logistics, dịch vụ - vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn; phía tây sẽ là thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học - vùng Hòa Lạc, Xuân Mai.

Bên cạnh đó, tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân (từ 95 lên 125 đại biểu), tỷ lệ đại biểu chuyên trách (từ 20% lên 25%), số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân (từ 2 lên tối đa 3); mở rộng thành phần Thường trực Hội đồng nhân dân so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm nâng cao năng lực và tăng tính chuyên nghiệp của Hội đồng nhân dân.

Đồng thời quy định cơ cấu tổ chức của chính quyền thành phố thuộc Hà Nội, với những đặc thù khác so với chính quyền quận, huyện, thị xã như tăng số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách, bổ sung Ban Đô thị.

Về tổ chức, bộ máy, cán bộ, công chức Thủ đô, đề xuất cho Hội đồng nhân dân thành phố thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đặc thù thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, quận, huyện. Hà Nội được tăng thêm biên chế phù hợp với nhu cầu thực tế.

Giao Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội một số thẩm quyền như quyết định các biện pháp để giải quyết công việc đột xuất, khẩn cấp; quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C.

Về chế độ công vụ, cán bộ được quản lý thống nhất từ cấp xã đến thành phố; áp dụng tiêu chuẩn chung cho cán bộ, công chức ở các cấp chính quyền.

Quy định đối tượng thu hút, chế độ đãi ngộ nhân tài như tuyển dụng không qua thi tuyển, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo; được đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại đơn vị sự nghiệp công lập...

Tương tự cơ chế áp dụng cho Thành phố Hồ Chí Minh, dự thảo luật quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị Thủ đô, một số cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn để thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, với tổng mức chi không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức.

Phân quyền từ Thủ tướng Chính phủ cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật (tương tự như đang thực hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh).

Bổ sung 3 lĩnh vực mà Hà Nội được phạt tiền cao hơn cả nước

Quang cảnh phiên họp của Quốc hội chiều 10/11. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Quang cảnh phiên họp của Quốc hội chiều 10/11. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Về bảo vệ môi trường, Chính phủ đề xuất thành phố quy định di dời cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường kéo dài hoặc thâm dụng lao động, cơ sở y tế có nguy cơ truyền nhiễm, lây nhiễm cao ra khỏi khu vực nội đô lịch sử, đô thị trung tâm.

Cho phép hỗ trợ, ưu đãi thu mua, chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch.

Dự thảo luật cũng bổ sung 3 lĩnh vực mà Hà Nội được quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định, gồm phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, quảng cáo.

Quy định biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính là ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, nhà ở, phòng cháy, chữa cháy.

Về tài chính, ngân sách, Hà Nội được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ tổ chức tài chính, tổ chức khác trong nước và từ nguồn trái phiếu Chính phủ phát hành không phụ thuộc vào hạn mức trần.

Ngân sách thành phố giữ lại tối đa các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố để tạo nguồn lực đầu tư các công trình, dự án trọng điểm, dự án PPP, giao thông công cộng, hỗ trợ di dời cơ sở, đơn vị thuộc danh mục phải di dời.

Cần bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện nhiệm vụ của Thủ đô

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thủ đô. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thủ đô. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Trình bày Báo cáo thẩm tra tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tham gia thẩm tra đều tán thành với sự cần thiết ban hành, mục đích, quan điểm xây dựng và phạm vi sửa đổi Luật Thủ đô.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh, Luật Thủ đô là đạo luật đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chính trị-xã hội sâu sắc. Việc sửa đổi luật phải bám sát các cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn về xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị và giải quyết được những vấn đề thực tiễn đang đặt ra trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô…

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ nhưng cũng đồng thời là giao nhiệm vụ cho chính quyền thành phố Hà Nội trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô.

Các cơ chế, chính sách được thiết kế trong dự thảo luật phải rõ ràng, rành mạch về phạm vi, nội dung phân quyền; lĩnh vực phân quyền phải toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi và có cơ chế kiểm soát quyền lực thông qua việc quy định cụ thể quy trình, thủ tục thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cơ quan.

Đồng thời, cần bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện nhiệm vụ của Thủ đô là trung tâm chính trị-hành chính của quốc gia, đồng thời là đô thị đặc biệt.

Các nội dung đã và đang thực hiện thí điểm ở Hà Nội và các địa phương khác qua sơ kết, tổng kết thấy có hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của Thủ đô, có sự thống nhất cao thì nghiên cứu đưa vào luật.

Nội dung trong các dự thảo luật đang trình Quốc hội xem xét, thông qua thì Luật Thủ đô cũng có thể quy định mức đặc thù cao hơn; các nội dung chưa rõ, chưa thật ổn định, còn có ý kiến khác nhau thì cần tiếp tục nghiên cứu…

Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành việc tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội trên cơ sở kế thừa mô hình đang được thí điểm theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội. Để tiếp tục thực hiện mô hình chính quyền đô thị hiệu quả, đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo luật quy định về đổi mới phương thức hoạt động của Hội đồng nhân dân Thành phố và Hội đồng nhân dân quận, thị xã.

Cũng có ý kiến cho rằng, thành phố Hà Nội nên nghiên cứu, áp dụng mô hình chính quyền đô thị như tại Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng (không tổ chức Hội đồng nhân dân ở quận và phường).

Ngoài ra, về phân quyền trong việc quyết định số biên chế tăng thêm (điểm b khoản 1 Điều 9), Ủy ban Pháp luật cho rằng, hiện nay biên chế trong toàn hệ thống chính trị đang được Bộ Chính trị trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và quyết định giao biên chế cho các địa phương, vì vậy, đề nghị không quy định nội dung này trong luật…

Theo TRUNG HƯNG (Báo Nhân Dân)