Trợ vốn cho công nhân, lao động nghèo

20/01/2022 - 03:42

 - Hoạt động trong lĩnh vực tín dụng tiết kiệm nhỏ phục vụ công nhân, lao động nghèo, Tổ chức Tài chính vi mô CEP (gọi tắt là Tổ chức CEP) chính thức ra mắt tại An Giang.

Trao vốn cho công nhân lao động Công ty Cổ phần thủy sản Cửu Long

Văn phòng Tổ chức CEP chi nhánh Long Xuyên đặt tại số 1 Tôn Đức Thắng, phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên (trong khuôn viên trụ sở Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh An Giang). CEP là tổ chức phi lợi nhuận, do LĐLĐ TP. Hồ Chí Minh sáng lập, hoạt động hơn 30 năm. Tại TP. Long Xuyên, Tổ chức CEP được thành lập ngày 3-1-2022 trên cơ sở Công văn chấp thuận 1892/NHNN-TTGSNH, ngày 23-3-2021 của Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Quyết định 814/QĐ-CEP của Hội đồng thành viên Tổ chức Tài chính vi mô CEP. Đây là chi nhánh thứ 36 của CEP và là chi nhánh thứ 19 trong kế hoạch thành lập các chi nhánh CEP ngoài TP. Hồ Chí Minh.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang Nguyễn Tuấn Dũng khẳng định: “Mô hình này của tổ chức công đoàn Việt Nam, được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép thành lập, hoạt động theo Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010. Mô hình phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, nhà nước, góp phần ngăn chặn hiệu quả tình trạng “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh. Trong đó, công đoàn sẽ làm cầu nối để cán bộ, công chức, người lao động (NLĐ) có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận nguồn vốn này”.

Khảo sát tại tỉnh An Giang, Tổ chức CEP đánh giá nơi đây rất cần thiết để CEP mở rộng phạm vi hoạt động, thực hiện chủ trương của Tổng LĐLĐ Việt Nam về tăng cường khả năng phục vụ đến công nhân, viên chức và NLĐ nghèo ở khu vực ĐBSCL. Toàn tỉnh có 14 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, 1.516 công đoàn cơ sở với 102.694 công nhân, viên chức, lao động. Riêng khu vực sản xuất - kinh doanh có 240 công đoàn cơ sở, 49.312 công nhân lao động. Phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động trên lĩnh vực may mặc, giày da, chế biến thủy sản, chế biến nông sản, sản xuất sản phẩm công nghiệp, thương mại và dịch vụ.

Theo Giám đốc chi nhánh Phan Công Trực, Tổ chức CEP chi nhánh Long Xuyên có 3 sản phẩm: Tín dụng, tiết kiệm và dịch vụ phát triển cộng đồng, phù hợp nhu cầu từng đối tượng công nhân lao động nghèo và người có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, Tổ chức CEP còn hỗ trợ khách hàng thông qua chương trình phát triển cộng đồng, như: Cấp học bổng, trao tặng và xây, sửa nhà, tặng thẻ bảo hiểm y tế, huấn luyện đào tạo nghề, hỗ trợ tài chính khẩn cấp. Đơn vị hoạt động trên địa bàn TP. Long Xuyên và các địa phương lân cận: Châu Thành, Thoại Sơn, Chợ Mới. Khách hàng của CEP là công nhân lao động nghèo, người có thu nhập thấp, có nhu cầu vốn để thực hiện các hoạt động tăng thu nhập, học tập nâng cao chuyên môn tay nghề, cải thiện điều kiện nhà ở, môi trường và điều kiện cuộc sống gia đình...

Chính thức đi vào hoạt động, Tổ chức CEP - chi nhánh Long Xuyên trao vốn cho 13 khách hàng đầu tiên là lao động tự do thuộc phường Mỹ Quý và công nhân lao động của Công ty Cổ phần thủy sản Cửu Long, tổng số vốn 285 triệu đồng. Chị Lại Ngọc Kim Nhung (làm việc 12 năm tại Công ty Cổ phần thủy sản Cửu Long) được vay 50 triệu đồng để sửa chữa lại căn nhà. Trước đây, vợ chồng chị cùng làm việc, cuộc sống khá ổn định. Tuy nhiên trải qua dịch bệnh COVID-19, kinh tế gia đình chị khó khăn hơn.

“Tôi chọn vay vốn từ CEP vì cách xét cho vay dựa vào bảng lương, NLĐ chứng minh có việc làm ổn định là đáp ứng điều kiện. Trong khi những nơi khác cho vay đòi hỏi phải có thế chấp. Với thu nhập tôi kiếm được hiện nay, lãi suất của tổ chức CEP (12,33%/năm) có thể chấp nhận được” - chị Nhung chia sẻ. Theo chị Nhung, nhu cầu vay vốn trong công nhân lao động hiện nay rất nhiều, đáp ứng điều kiện hoàn vốn. Do vậy, NLĐ có thể tiếp cận nguồn vốn hợp lý để giải quyết phần nào khó khăn trong cuộc sống. Hoạt động của Tổ chức CEP rất thiết thực, hạn chế được việc công nhân nghèo vay “tín dụng đen” bên ngoài.

Dự lễ khai trương của Tổ chức CEP chi nhánh Long Xuyên, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh An Giang Nguyễn Tiếc Hùng nhấn mạnh, những năm gần đây, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể, trung bình mỗi năm giảm từ 1% trở lên. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, sắp tới đây số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ có chiều hướng tăng trở lại. Do đó, mô hình hoạt động của Tổ chức CEP rất cần thiết, góp phần giải quyết vấn đề đời sống, việc làm, thu nhập cho NLĐ, bao gồm: Nông dân, công nhân và công chức có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

MỸ HẠNH