Trồng bưởi đón Tết

14/12/2022 - 07:03

 - Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Những ngày này, hầu hết nhà vườn trồng bưởi đang ráo riết chăm sóc, để kịp đưa ra thị trường sản phẩm đẹp, chất lượng, phục vụ nhu cầu chưng Tết của người dân.

Những vườn bưởi trĩu quả chuẩn bị phục vụ thị trường Tết

Vườn bưởi rộng 5,3ha với 3.000 gốc bưởi da xanh của vợ chồng ông Nguyễn Quốc Hùng và bà Lê Thị Hạnh (ngụ xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn) lúc nào cũng cho trái trĩu cành. Toàn bộ diện tích đất trồng bưởi được cải tạo từ nền đất trồng lúa kém hiệu quả. Đây là vườn bưởi đầu tiên và có diện tích lớn của địa phương. Dù là U.70 nhưng vợ chồng ông bà đều rất ham học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật từ những nông dân đi trước, qua mạng Internet để phát triển vườn bưởi.

Biết cây bưởi ưa nền đất có độ ẩm, nên khi vừa lên vườn, ông bà đầu tư hệ thống tưới nước tự động (trị giá 600 triệu đồng) để đảm bảo đủ nước và giảm chi phí nhân công lao động. Đến nay, bưởi đã cho thu hoạch được 5 năm, năng suất năm sau luôn cao hơn năm trước, chất lượng trái càng ngày càng được cải thiện: Da bóng sáng đẹp, múi to, ngọt, mọng nước… nên được thị trường ưa chuộng.

Tất cả là nhờ vợ chồng bà Hạnh lựa chọn canh tác theo quy trình VietGAP, sử dụng phân hữu cơ phối trộn từ phân bò và phân rơm để bón tạo nền đất tốt, nhiều dinh dưỡng cho cây bưởi phát triển. Bên cạnh đó, họ sử dụng các chế phẩm sinh học, thuốc nằm trong danh mục cho phép của ngành nông nghiệp, ghi lại nhật ký phun thuốc… Nhờ vậy, sản phẩm thu hoạch được vừa đảm bảo chất lượng, vừa an toàn cho người sử dụng. Hiện, vườn bưởi da xanh của vợ chồng bà Hạnh với thương hiệu “Hùng Hạnh” đạt tiêu chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao. Tết Nguyên đán 2022, dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, nhưng nhờ sự hỗ trợ kết nối tiêu thụ từ Sở Công Thương, cùng đầu mối quen, nên vườn bưởi của vợ chồng bà Hạnh vẫn tiêu thụ trên 20 tấn. “Trái bưởi được canh tác hữu cơ, khi ăn là khách hàng biết liền, múi nào cũng to tròn, mọng nước và ngọt. Bởi vậy, dù thời điểm nào, bưởi vườn nhà cũng bán cao hơn giá bưởi thị trường, được đông đảo người tiêu dùng đón nhận” - bà Hạnh phấn khởi.

Bà Hạnh cho biết, hầu như thời điểm nào, vườn bưởi cũng cho thu hoạch lai rai, thiết kế theo kiểu cho trái quanh năm cung ứng các đầu mối tiêu thụ ở chợ, siêu thị. Trung bình mỗi năm, vườn bưởi của vợ chồng bà Hạnh cung ứng ra thị trường từ 70 - 80 tấn trái. Trong năm, bưởi có giá cao nhất vào dịp Tết Nguyên đán, nên được bà Hạnh xử lý cho cây ra hoa, tạo trái và thu hoạch ngay thời điểm cuối năm để bán được giá cao.

Để chuẩn bị cho vụ bưởi Tết, khoảng tháng 3-4 (âm lịch), vợ chồng bà Hạnh thuê nhân công tỉa cành, rải phân, áp dụng kỹ thuật cắt nước kích thích cho cây ra hoa, đậu trái. Trong suốt quá trình đó, đảm bảo cho cây đủ sức, người trồng phải tỉa bớt số lượng trái ở mỗi cành. “Tết năm nay, ước lượng bưởi cung ứng ra thị trường khoảng 20 - 30 tấn, chủ yếu là bưởi đẹp, phục vụ nhu cầu chưng Tết. Mấy hôm nay, nhiều mối liên hệ đặt hàng chuẩn bị cho vụ Tết. Hiện, giá bưởi chưa tốt lắm, do thị trường bưởi ở miền Đông Nam Bộ đổ về khá nhiều, nên giá giảm hơn so với trước. Tuy nhiên, mong vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, giá bưởi sẽ ổn định hơn để nông dân trồng bưởi phấn khởi, ăn Tết vui hơn” - bà Hạnh hy vọng…

Để chuẩn bị cho vụ bưởi Tết Nguyên đán 2023, anh Lê Minh Triết (ngụ xã Bình Hòa, huyện Châu Thành) cũng tích cực chăm bón cho vườn bưởi da xanh của mình từ nhiều tháng nay. Dự kiến, vườn bưởi nhà anh Triết sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 4 - 5 tấn trái. Ngay từ khi lập vườn trồng bưởi da xanh, anh Triết xác định canh tác theo hướng hữu cơ, sử dụng tro trấu vùi gốc để tạo độ ngọt tự nhiên cho trái bưởi. Bắt đầu từ tháng 2 (âm lịch), anh Triết bón phân, sau 1 tháng thì cắt nước, tạo điều kiện cho cây bưởi ra hoa, đậu trái.

“Thời tiết năm nay không quá khắc nghiệt hay khó khăn, thời điểm ra hoa cũng thuận lợi, nên bưởi đậu trái êm lắm. Giờ tôi chỉ tập trung chăm sóc, tưới nước, bón phân, trông chờ hết vào vụ bưởi Tết. Hổm nay có mấy mối quen ở chợ huyện đặt hàng trước, thông thường đến khoảng 25 tháng Chạp là cắt rồi giao hàng luôn” - anh Triết cho hay.

Rút kinh nghiệm từ năm trước, bưởi bán Tết không để quá lứa, mà trung bình mỗi trái từ 1,2 - 1,7kg là đạt yêu cầu. “Đa phần người dân mua về chưng mâm ngũ quả. Nếu trái bưởi to quá sẽ khó chưng chung với những loại trái cây khác. Bởi vậy, tiếp thu ý kiến của khách hàng, năm nay bưởi xuất bán vào dịp Tết sẽ rất đều, đảm bảo chất lượng, ngon, ngọt và da xanh, sáng bóng” - anh Triết giải thích thêm.

Ngày 28/11, hơn 100 tấn bưởi của tỉnh Bến Tre được đóng trong 6 container để vận chuyển tiêu thụ sang Hoa Kỳ bằng đường hàng không và đường biển. Đây là tín hiệu đáng mừng. An Giang là một trong 10 địa phương, với 36 vùng trồng bưởi được cấp mã số xuất khẩu sang Hoa Kỳ, giúp nông dân trồng bưởi trong tỉnh có nhiều cơ hội hơn về thị trường, giá cả.

ÁNH NGUYÊN