Trồng thêm 18 triệu cây xanh cho An Giang

18/03/2021 - 04:11

 - Hưởng ứng chương trình trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 “Vì một Việt Nam xanh” của Thủ tướng Chính phủ, An Giang quyết tâm trồng 18 triệu cây xanh trong 5 năm tới. Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng.

Trồng cây xanh tại Ô Tà Sóc (Tri Tôn)

Phủ xanh cuộc sống

Ngày 31-12-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 45/CT-TTg về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng, triển khai ngay từ đầu năm 2021. An Giang là địa phương duy trì tốt tỷ lệ che phủ rừng và trồng cây phân tán nhiều năm qua. Hưởng ứng chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch trồng cây xanh trên địa bàn, coi đây là hoạt động quan trọng nhằm đáp ứng mục tiêu trồng cây, trồng rừng, duy trì tỷ lệ che phủ rừng và cây lâm nghiệp phân tán trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo cảnh quan, môi trường đô thị, đồng bộ với quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là tạo phong trào trồng cây xanh lan tỏa trên khắp các địa bàn trong tỉnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, đây là chương trình lâu dài, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nên cần thiết phải xây dựng kế hoạch thực hiện trên tinh thần tiết kiệm chi phí nhưng đạt hiệu quả thiết thực, tỷ lệ cây sống đạt cao. Đồng thời, phát huy sức mạnh từ nguồn lực xã hội, nâng cao ý thức, trách nhiệm và đóng góp của cộng đồng trong bảo vệ, phát triển rừng, trồng cây xanh; vận động các ngành, các cấp, các tổ chức và nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia trồng rừng, trồng cây xanh.

Theo kế hoạch, toàn tỉnh sẽ trồng 18 triệu cây xanh trong giai đoạn 2021-2025. Qua đó, khai thác tối đa tiềm năng đất đai, tận dụng triệt để nguồn đất trống và nguồn lao động trong nông thôn để trồng cây xanh, tạo ra sản phẩm hàng hóa, tăng thêm nguồn thu nhập cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình. Thông qua việc trồng cây xanh, sẽ đáp ứng một số nhu cầu lâm sản tại chỗ, cung cấp gỗ cho xây dựng nhà ở, trang trí nội thất và các sản phẩm khác phục vụ cho nông nghiệp, thủy sản (cột đáy, chà...), củi làm chất đốt cho dân dụng và công nghiệp.

Những cây xanh trồng mới sẽ tạo vành đai rừng phòng hộ cho đồng ruộng, hỗ trợ và bảo vệ sản xuất nông, ngư nghiệp; hạn chế xói lở làm mất đất, giảm tối đa thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm nhẹ thiên tai, điều hòa khí hậu, ổn định môi trường, cân bằng hệ sinh thái trong vùng, hạn chế ô nhiễm môi trường, cải tạo đất. Đồng thời, bảo vệ các công trình cơ sở hạ tầng, như: giao thông, thủy lợi, cụm dân cư, đê bao chống lũ, phòng hộ cho sản xuất nông nghiệp và tạo ổn định cho người dân vùng thường bị lũ lụt hàng năm. Cây xanh cũng góp phần tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp tại các khu công nghiệp, các đô thị, đường giao thông, công sở…

Chú trọng hiệu quả

Theo kế hoạch, đất đai trồng cây xanh trong giai đoạn 2021-2025 thuộc phạm vi của tất cả 11 huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh. Mục đích của việc trồng cây xanh là phòng hộ bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp, tạo bóng mát, góp phần cân bằng sinh thái, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu.

Do đó, chọn loài cây để trồng phải phù hợp, cây phải cho tán đẹp, thân thẳng, thích nghi điều kiện lập địa, ít rụng lá, cành, nhánh khỏe, hệ rễ cây ăn sâu vào đất nhằm tránh ngã, đổ trong mùa mưa bão; cây có hoa màu sắc phong phú theo mùa; không có trái gây hấp dẫn ruồi, muỗi; không có gai sắc nhọn, hoa, trái có mùi khó chịu. Danh mục các loài cây trồng thực hiện theo danh mục tại Quyết định số 1872/QĐ-UBND, ngày 19-10-2011 của UBND tỉnh An Giang và Quyết định số 4961/QĐ-BNN-TCLN, ngày 17-11-2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cụ thể, đối với trồng rừng Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến (Tri Tôn), chọn loại cây trồng là tràm bản địa, mật độ trồng 10.000 cây/ha. Đối với Khu rừng sản xuất Bình Minh (Tri Tôn), chọn loại cây trồng là tràm Úc, mật độ trồng 20.000 cây/ha. Đối với trồng cây xanh phân tán trong khu vực đô thị (trường học, bệnh viện, vườn hoa, công viên, khu dân cư, khu công nghiệp, đường giao thông…), lựa chọn loài cây và tiêu chuẩn cây trồng phù hợp với mục đích, cảnh quan và điều kiện của từng địa phương, từng khu vực cụ thể.

Tổ chức trồng, chăm sóc cây theo quy trình trồng cây xanh đô thị và áp dụng thâm canh cao để cây đạt tỷ lệ sống cao, sinh trưởng, phát triển tốt, sớm phát huy tác dụng, cảnh quan. Thực hiện thiết kế, trồng cây xanh theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9257:2012. Riêng cây xanh phân tán trong khu vực nông thôn, lựa chọn loài cây trồng phù hợp với điều kiện lập địa, tập quán canh tác, ưu tiên trồng cây bản địa, trồng cây đa mục đích.

Về thời vụ trồng, khuyến khích trồng vào mùa mưa, từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm. Riêng đối với rừng tràm Tân Tuyến và rừng tràm Bình Minh, trồng từ tháng 12 năm trước đến tháng 1 năm sau, khi nước lũ rút.

Trong tổng số 18 triệu cây xanh trồng mới giai đoạn 2021-2025, có 13.573.000 cây xanh phân tán, 100.000 cây xanh đô thị, 527.000 cây xanh trồng tại rừng tràm Tân Tuyến và 3,8 triệu cây xanh trồng tại rừng tràm Bình Minh. Tổng vốn đầu tư trồng, chăm sóc 18 triệu cây xanh hơn 151,74 tỷ đồng, gồm: ngân sách tỉnh hơn 32,92 tỷ đồng; vốn tổ chức, hộ gia đình hơn 63,74 tỷ đồng; vốn xã hội hóa trên 55 tỷ đồng.

NGÔ CHUẨN