Trung Quốc bắt đầu tăng cường nhập khẩu hàng nông sản Mỹ

01/08/2019 - 20:21

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu tiếp cận các nhà cung cấp hàng nông sản Mỹ vào giữa tháng Bảy, để thảo luận việc mua hàng nông sản bao gồm đậu tương, sợi bông, thịt lợn, lúa miến…

Đậu nành được thu hoạch tại một nông trại ở bang Iowa, Mỹ. (Ảnh: EPA-EFE/TTXVN)

Ngày 1-8, Trung Quốc thông báo nước này bắt đầu tăng cường mua thêm nhiều mặt hàng nông sản Mỹ, sau khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới khởi động lại các cuộc đàm phán thương mại tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) trong tuần này.

Phát biểu trước truyền thông, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng cho biết nhiều doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu tiếp cận các nhà cung cấp hàng nông sản Mỹ vào giữa tháng Bảy, để thảo luận việc mua hàng nông sản bao gồm đậu tương, sợi bông, thịt lợn, lúa miến… Ông Gao Feng cho biết thêm rằng nhiều công ty “đã tiến hành mua một số sản phẩm nông nghiệp” của Mỹ.

Trước đó, Thư ký báo chí của Nhà Trắng Grisham cũng nêu rõ: "Phía Trung Quốc đã khẳng định cam kết tăng cường mua các nông sản xuất khẩu của Mỹ." Cũng theo quan chức trên, các cuộc đàm phán "mang tính xây dựng" và sẽ tiếp tục tại Washington vào đầu tháng Chín.

Các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc vòng đàm phán thương mại mới nhất nhằm tìm giải pháp chấm dứt cuộc chiến thuế quan về thương mại và công nghệ, bao gồm cả khoản thuế đối với hàng hóa trao đổi song phương trị giá hơn 360 tỷ USD.

Cuộc đàm phán diễn ra trong các ngày 30 đến 31-7 là sự kiện đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí nối lại các cuộc thương lượng đã đổ vỡ hồi tháng Năm vừa qua.

Theo thông báo trước đó của Nhà Trắng, vòng đàm phán này tập trung vào các vấn đề như sở hữu trí tuệ, áp đặt chuyển giao công nghệ, các rào cản phi thuế quan, nông nghiệp, dịch vụ, thâm hụt thương mại và thực thi pháp luật.

Các chuyên gia kinh tế nhận định khả năng Mỹ-Trung "đình chiến" thương mại rất mong manh vì các bất đồng cơ bản giữa hai bên vẫn chưa được giải quyết và không có dấu hiệu cho thấy hai chính phủ sẽ sẵn sàng nhượng bộ.

Theo Q. CHUNG (TTXVN/Vietnam+)