Trường Đại học An Giang: Sức trẻ tuổi 20

20/11/2019 - 07:58

 - Trong niềm vui chung của cả nước hân hoan chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), Trường Đại học An Giang (ĐHAG) long trọng kỷ niệm 20 năm thành lập trường (1999-2019). 20 năm qua, trường luôn khẳng định tầm nhìn và thực hiện sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đa ngành, đa trình độ, nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ… đóng góp vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

Liên tục phát triển

Trường ĐHAG thành lập theo Quyết định số 241/1999/QĐ-TTg ngày 30-12-1999 của Thủ tướng Chính phủ, là cơ sở đào tạo công lập trong hệ thống các trường đại học Việt Nam, đóng vai trò đào tạo và cung cấp nguồn lực nhân lực cho tỉnh An Giang và khu vực ĐBSCL, góp phần đắc lực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Và ngày 13-8-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1007/QĐ-TTg về việc chuyển Trường ĐHAG thành trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong sự phát triển của nhà trường.

Nếu tính từ năm 1976 đến nay, tiền thân của Trường ĐHAG là Trường Cao đẳng Sư phạm (Trường Trung học Sư phạm nhập vào Trường Cao đẳng Sư phạm) thì nhà trường đã có quá trình lịch sử 44 năm, đào tạo 41.460 giáo viên 3 cấp, đặc biệt là có giai đoạn đáp ứng kịp thời tình trạng thiếu hụt giáo viên trầm trọng nhiều năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sinh viên do trường đào tạo đã có mặt khắp vùng ĐBSCL và một số tỉnh, thành phố khác trên mọi miền đất nước. Đặc biệt, có người nay trở thành giảng viên của một số trường đại học uy tín ở nước ngoài; nhiều sinh viên tốt nghiệp giữ vị trí cao ở một số đơn vị trong nước. 

Song song với hoạt động đào tạo, Trường ĐHAG đang dần khẳng định uy tín bằng những công trình nghiên cứu khoa học chất lượng, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực. Trường đã ký kết 68 thỏa thuận hợp tác với các viện, trường uy tín trong nước và quốc tế: Hoa Kỳ, Australia, Đức, Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Hồng Kông… để giới thiệu sinh viên du học, tiếp nhận dự án nghiên cứu, thỉnh giảng giáo viên nước ngoài; giúp sinh viên có dịp tham gia các hoạt động thực tập, dự trại hè, tham gia các chương trình trao đổi văn hóa.

Đào tạo đa ngành nghề, sản sinh tri thức mới

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời bắt đầu từ tuổi trẻ”. Người Do Thái cũng có câu nói: “Thời gian tốt nhất để trồng cây là vào 20 năm trước. Thời gian tốt thứ hai là ngay bây giờ”. PGS.TS Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐHAG cho rằng: “Chúng ta luôn nhớ và tri ân những người có công gieo hạt mầm đầu tiên cho đến vun trồng từ những cây non, nhỏ nhất. Giờ đây, chúng ta bước vào một hành trình trồng cây mới với trách nhiệm và niềm hy vọng trái ngọt trĩu cành”.

Với giá trị cốt lõi “Chính trực - Tận tâm - Sáng tạo”, từ khi thành lập đến nay, Trường ĐHAG đã ươm mầm tài năng, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão của bao thế hệ trẻ, là nơi đào tạo hơn 35.000 thạc sĩ, cử nhân, kỹ sư (nếu tính quá trình lịch sử 44 năm thì đã đào tạo 41.460 người).

Đến nay, Trường ĐHAG được cấp phép đào tạo 39 ngành trình độ đại học và 19 ngành trình độ cao đẳng. Trường ĐHAG được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo sau đại học 4 ngành (144 học viên); liên kết đào tạo 6 ngành trình độ cao học với các trường đại học trong nước… với tổng số 405 học viên cao học đang theo học tại trường. Năm học này, trường còn được phép đào tạo 3 ngành đại học chất lượng cao: khoa học cây trồng, công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm… Ngoài ra, Trường Phổ thông thực hành Sư phạm đào tạo 3 cấp học (tiểu học, THCS, THPT) với 2.801 học sinh đang phát triển mạnh mẽ.

Tại lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển ĐHAG thành trường thành viên Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (vào đầu năm học mới), PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho rằng: là tổ hợp của nhiều trường đại học mạnh nhất của cả nước, hơn 23 năm qua, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh không ngừng đổi mới, sáng tạo, đạt nhiều thành tựu quan trọng trong việc đổi mới quản lý theo mô hình quản trị đại học tiên tiến; nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng hiện đại và hội nhập; gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học. Năm 2018-2019, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh được tổ chức xếp hạng giáo dục thế giới QS xếp hạng thứ 701-750 trong 1.000 trường đại học xuất sắc nhất thế giới; ở Việt Nam chỉ có 2 Đại học Quốc gia được vinh dự trong bảng xếp hạng này.

“Là thành viên mới của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, tôi mong muốn tập thể Trường ĐHAG đoàn kết để thực hiện tốt các hoạt động của trường; sớm ổn định và nhanh chóng đưa trường hội nhập vào hệ thống Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, phát huy thế mạnh của hệ thống Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, xem đây là ưu tiên hàng đầu” - PGS.TS Huỳnh Thành Đạt nói.

PGS.TS Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐHAG khẳng định: “Khoác trên mình chiếc áo mới tuổi 20 nhiều hoa văn, 39 sắc màu - đa ngành nghề đào tạo, với bao nhiệt huyết cháy bỏng, nhất là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trường sẽ phát huy sức trẻ để tiếp cận tri thức mới, hiện đại, đồng thời kế thừa kinh nghiệm sư phạm quý báu của những thế hệ thầy cô đi trước, tạo thành một bản bản sắc riêng trong giảng dạy và nghiên cứu, đặt nhà trường trong tâm thế là nơi sản sinh ra tri thức mới, góp phần đưa nhà trường ngày càng phát triển”.

Đặc biệt, trở thành đại học thành viên của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ là cơ hội để Trường ĐHAG tận dụng lợi thế của một trường mạnh trong khu vực, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, không chỉ cho An Giang mà cho toàn khu vực ĐBSCL, cả nước và hợp tác quốc tế. Đồng thời, giúp trường có điều kiện phát triển theo hướng chuyên sâu với quy mô, chất lượng cao hơn ở những lĩnh vực có lợi thế như: nông nghiệp, thủy sản, tài nguyên môi trường, biến đổi khí hậu… Qua đó, để An Giang cùng với TP. Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm nghiên cứu, chuyển giao khoa học-kỹ thuật của vùng ĐBSCL và cả nước.

HỮU HUYNH