Những năm qua, các thành viên Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, MTTQ, đoàn thể các cấp trong tỉnh tích cực triển khai đồng bộ, quyết liệt bằng nhiều hình thức và nhiều mô hình sáng tạo, đa dạng… tác động tích cực đến cộng đồng dân cư.
Theo Sở Công Thương An Giang, với vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo cuộc vận động, sở đã tích cực phối hợp UBMTTQVN tỉnh, các cấp, ngành triển khai thực hiện cuộc vận động bằng nhiều hình thức. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân tích cực vận động người thân trong gia đình hưởng ứng và tham gia thực hiện cuộc vận động, xem hàng Việt là sự lựa chọn và ưu tiên hàng đầu khi mua sản phẩm tiêu dùng cho gia đình và cá nhân.
Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng hàng Việt
Bên cạnh đó, Sở Công Thương An Giang thực hiện ký kết Chương trình phối hợp giữa UBMTTQVN tỉnh về triển khai cuộc vận động trong tình hình mới. Qua đó, tạo thêm nhiều cơ hội cho doanh nghiệp (DN) tiếp cận thị trường, trong đó có thị trường nông thôn; từng bước xây dựng mạng lưới kênh phân phối, mở rộng thị trường, tạo dựng uy tín với người tiêu dùng, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam…
Mặt khác, góp phần ngăn chặn có hiệu quả việc sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Tạo điều kiện cho người dân nông thôn tiếp cận với các sản phẩm do DN trong nước sản xuất đảm bảo chất lượng, có giá cả hợp lý, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, giúp người tiêu dùng nông thôn biết, tiếp cận và sử dụng ngày càng nhiều sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt.
Là người quản lý chi tiêu trong gia đình, bà Nguyễn Thị Thêm (51 tuổi, ngụ xã Mỹ Khánh, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) cân nhắc kỹ lưỡng trước khi mua sắm để tránh lãng phí, tránh mất tiền với những sản phẩm kém chất lượng. “Gia đình tôi chỉ sử dụng hàng Việt. Vì tôi đã trải nghiệm và nhận thấy hàng Việt ngày càng chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp” - bà Thêm đánh giá.
“Ban đầu, tôi mua hàng Việt để ủng hộ và dùng thử, nhưng khi dùng rồi thì nhận thấy hàng Việt thực sự ngày càng khẳng định uy tín do có nguồn gốc, nhãn hiệu rõ ràng và chất lượng không kém hàng ngoại, như: Sữa TH, sữa Vinamilk, bánh Kinh Đô, gạo Lộc Trời, quần áo Việt Tiến, nệm Vạn Thành, vàng bạc PNJ, bút bi Thiên Long, nhựa Duy Tân, gốm sứ Minh Long... Đây là những thương hiệu nổi tiếng, gia đình tôi tin dùng sản phẩm nhiều năm qua” - chị Phan Quế Anh (ngụ phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên) chia sẻ.
Từ năm 2019 đến nay, An Giang tổ chức thành công 245 chuyến hàng Việt và 2 phiên chợ hàng Việt về nông thôn, doanh số đạt trên 2.831 triệu đồng, thu hút trên 204.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm. Đặc biệt, tổ chức có hiệu quả lễ phát động và lễ tổng kết Chương trình hàng Việt về nông thôn tại TX. Tân Châu, TX. Tịnh Biên, huyện Châu Thành và Châu Phú, với sự tham dự của lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương. Đây là điểm mới, nổi bật trong suốt quá trình triển khai cuộc vận động trên địa bàn tỉnh.
Sở Công Thương An Giang còn phối hợp các đơn vị có liên quan thực hiện đăng 1.325 tin, 648 bài, 156 chuyên mục, 51 câu chuyện truyền thanh và 50 ảnh về những hoạt động thực hiện cuộc vận động, các sản phẩm tiêu biểu của An Giang, DN An Giang đổi mới sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đặc biệt, thực hiện tuyên truyền bằng tiếng Khmer cho đồng bào dân tộc thiểu số Khmer trên địa bàn, góp phần nâng cao nhận thức, có cái nhìn đúng và ưu tiên sử dụng hàng hóa nội địa chất lượng, tránh mua hàng giả, hàng nhái. Thực hiện chia sẻ, lan tỏa hơn 100 tin tức, hình ảnh, bài viết với hàng trăm ngàn lượt tương tác, chia sẻ về cuộc vận động trên mạng xã hội ở các trang “Dân An Giang”, “Quê hương An Giang”, “An Giang ngày mới”…
Theo Sở Công Thương An Giang, với chức năng thành viên Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và là cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thời gian tới, ngành công thương tiếp tục phối hợp triển khai tuyên truyền thường xuyên, liên tục về cuộc vận động nhằm tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, xây dựng thói quen, nét đẹp văn hóa tiêu dùng hàng Việt. Tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm sản xuất trong nước, giới thiệu điển hình DN làm ăn giỏi. Tiếp tục hỗ trợ các DN, người tiêu dùng nhận thức đúng đắn về chất lượng hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam. Vận động các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng trên địa bàn tỉnh tổ chức phát động các chương trình quảng bá, khuyến mãi gắn với việc tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Tiếp tục vận động cán bộ, công chức các cấp tự giác, gương mẫu thực hiện cuộc vận động, sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm công và mua sắm, sử dụng hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt cho gia đình, người thân sử dụng. Tiếp tục tổ chức các hội chợ, phiên chợ hàng Việt trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ DN tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm tiềm năng thế mạnh của tỉnh đến với người tiêu dùng. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến đến DN và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tham gia hội chợ, phiên chợ, chương trình “Hàng Việt về nông thôn”, chương trình nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh.
MINH THƯ