Tuyên Quang: Nông dân khá giả lên thấy rõ nhờ nuôi trâu, nuôi bò vỗ béo

22/10/2020 - 08:54

Thời gian qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã phát huy hiệu quả, kịp thời hỗ trợ cho nhiều nông dân có vốn làm ăn, trong đó có nuôi trâu, nuôi bò vỗ béo. Từ đó, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, tăng thêm thu nhập từ dự án “Chăn nuôi trâu bò vỗ béo”.

Điểm tựa giúp nông dân thoát nghèo

Theo bà Đinh Minh Hạnh- Phó Chủ tịch Hội ND huyện Sơn Dương, từ đầu năm đến nay, Hội ND huyện đã hỗ trợ cho vay Quỹ HTND 4 dự án, với số tiền trên 1,2 tỷ đồng, số hộ vay là 38 hộ thuộc nguồn vốn cấp huyện quản lý. Trong đó có 2 dự án chăn nuôi trâu vỗ béo, 1 dự án trồng bưởi, 1 dự án chăn nuôi lợn sinh sản.

Đánh giá hiệu quả của các dự án vay vốn Quỹ HTND, bà Hạnh cho rằng: Quỹ HTND đã mang lại hiệu quả kinh tế cho hộ gia đình hội viên, giúp hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế góp phần vào mục tiêu giảm nghèo của địa phương. Thông qua dự án, tại các cơ sở đã tập hợp và thu hút được hội viên tham gia tổ chức Hội, từ đó hội viên đã tin tưởng vào những chủ trương, chính sách mà Đảng và Nhà nước, tổ chức Hội mang lại.

Anh Hoàng Văn Học (phải), ở thôn Định Chung, xã Phúc Ứng (Sơn Dương, Tuyên Quang) chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi với bà con trong thôn. Ảnh: Minh Ngọc

Từ khi tham gia vào dự án "Chăn nuôi trâu bò vỗ béo", các hộ dân có sự liên kết chặt chẽ với nhau, từng bước hình thành quy mô phát triển sản xuất hàng hóa, tăng số lượng, chất lượng đàn trâu, bò để cung cấp sản phẩm thịt cho thị trường, tăng nguồn phân bón cho sản xuất nông nghiệp.

Ông Triệu Văn Đô - Chủ tịch Hội ND xã Phúc Ứng, cho biết: Thôn Định Chung chủ yếu là các hộ dân tộc Nùng. Ở thôn, bà con có truyền thống nuôi trâu, bò từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, các hộ vẫn chỉ tập trung chăn nuôi nhỏ lẻ, vẫn "mạnh ai nấy làm" chưa có sự liên kết, hiệu quả kinh tế thấp.

Từ khi tham gia dự án "Chăn nuôi trâu bò vỗ béo", đã có 8 hộ được vay vốn, mỗi hộ 30 triệu đồng, mức phí 0,7%/tháng (tức 8,4%/ năm) trong thời gian từ năm 2020 đến 2023.

Theo đó, Hội ND huyện và Hội ND xã đã tiến hành thẩm định, lựa chọn các hộ đủ tiêu chuẩn, có nguyện vọng chính đáng thực hiện dự án. Các hộ được vay vốn từ Quỹ HTND đều sử dụng cùng vốn tự có để mua trâu tăng đàn. Đối với những hộ đã gây dựng được đàn trâu thì dùng vốn đó đầu tư trồng thêm cỏ voi, cải tạo chuồng, mua máy băm cỏ, thức ăn tinh cho trâu.

Hiện nay, trung bình mỗi hộ nuôi có ít nhất từ 2 con trâu trở lên. Ước tính 3 năm nuôi, các hộ sẽ nuôi từ 5 - 7 lứa trâu vỗ béo xuất bán dự kiến là 80 con đến 100 con. Tổng số trâu xuất chuồng có trọng lượng thịt cung cấp cho thị trường từ 15 đến 20 tấn trâu hơi. Trừ các khoản chi phí, người chăn nuôi có lãi từ 2,5 đến 3,2 triệu đồng/người/tháng.

Thu lãi từ 7 - 20 triệu đồng/con

Gia đình anh Hoàng Văn Học (dân tộc Nùng, ở thôn Định Chung, xã Phúc Ứng) hiện có đàn trâu, bò 11 con, trong đó có 2 con trâu và 5 con bò nuôi vỗ béo, còn lại 4 con bò cái sinh sản. Anh Học phấn khởi cho biết, số tiền 30 triệu đồng được vay vốn từ Quỹ HTND như "điểm tựa" giúp gia đình đầu tư mở rộng thêm quy mô nuôi.

Từ nguồn vốn này anh Học đã đầu tư trồng thêm cỏ, cải tạo lại chuồng nuôi, mua thêm máy băm cỏ, thùng phi để ủ thức ăn cho đàn vật nuôi. Qua nhẩm tính, trung bình mỗi con trâu vỗ béo tăng trọng từ 1 đến 1,3kg/ngày, trừ mọi chi phí người nuôi lãi chắc khoảng 40.000 đồng/ngày; nếu chủ động nguồn thức ăn xanh và cám gạo, ngô thì có thể lãi từ 50.000 - 60.000 đồng/ngày. Do đó, chỉ tính nuôi 2 con trâu vỗ béo, anh đã thu lãi trung bình mỗi tháng trên 2,4 triệu đồng.

Cùng chung niềm vui khi được hỗ trợ vay vốn, gia đình ông Vi Văn Lích (thôn Định Chung) chia sẻ, được tham gia dự án giúp các hộ có nhiều lợi ích là tiếp cận vốn vay đơn giản, phí vay khá hợp lý. Từ số tiền vốn vay có được, ông Lích đã đầu tư nuôi 5 con trâu vỗ béo, dự kiến xuất bán vào dịp Tết Nguyên đán tới, trung bình mỗi con thu lãi từ 7 - 20 triệu đồng.

Theo ông Triệu Văn Đô - Chủ tịch Hội ND xã Phúc Ứng, trước khi mua trâu, bò về nuôi vỗ béo, các hộ được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi từ khâu tiêm phòng dịch bệnh, hạch toán kinh tế khi chăn nuôi, bố trí chuồng nuôi hợp lý, cách trồng cỏ, ủ thức ăn, xử lý nguồn làm phân bón cho vườn cỏ tươi tốt. Song song với đó, các hộ chăn nuôi tích cực trao đổi kinh nghiệm phòng dịch hiệu quả, cách ủ thức ăn, thị trường trâu giống, trâu thịt tạo hiệu quả kinh tế...

"Hiệu quả bước đầu từ dự án đã giúp bà con hình thành cách nuôi trâu, bò theo hình thức vỗ béo. Bà con nông dân có thêm kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi trâu, bò theo hướng phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả chăn nuôi, tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho người nông dân" - ông Đô chia sẻ.

Theo MINH NGỌC (Dân Việt)